Chế độ dinh dưỡng nâng cao tầm vóc người Việt
Đặt mục tiêu tăng chiều cao trung bình cho thanh niên Hà Nội
Từ năm 2022, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 4785/KH-SYT về thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của ngành y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2030. Trong đó, năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi sẽ đạt 169cm đối với nam và 158cm đối với nữ; tới năm 2030, con số này lần lượt đạt 170,5cm và 159cm.
Tầm vóc của thanh niên Việt Nam hiện tại đã có những cải thiện đáng kể |
Tại kế hoạch, ngành y tế Hà Nội xác định 4 mục tiêu cụ thể, gồm: Triển khai chế độ ăn đa dạng, hợp lý cho mọi lứa tuổi theo vòng đời của người dân thành phố Hà Nội; cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và góp phần nâng cao tầm vóc thanh thiếu niên tại thành phố Hà Nội; kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành; duy trì bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, các chuyên gia cũng cho rằng, theo kinh nghiệm các nước trên thế giới tập trung phát triển chiều cao ở trẻ từ khi còn học mẫu giáo, tiểu học. Họ tập trung xây dựng phòng giáo dục thể chất, sân thể thao, bể bơi ngay tại các trường tiểu học, trường mẫu giáo.
Tuy nhiên ở Việt Nam chỉ tập trung xây dựng nhà tập thể chất tại các trường Trung học phổ thông, đại học, còn bậc tiểu học lại bị lãng quên. Do đó, ngoài việc tăng cường chế độ dinh dưỡng, cần bổ sung một số phương pháp dạy thể dục chính khóa; tăng cường hoạt động ngoại khóa cho hệ thống các trường phổ thông theo hướng coi trọng thể dục, thể thao và vui chơi, giải trí, đối tượng được ưu tiên là trẻ em các trường mầm non, học sinh tiểu học.
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Chiều cao không hoàn toàn do gen, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động. Cụ thể, yếu tố di truyền quyết định khoảng 23% chiều cao của một người và yếu tố này không thể thay đổi được.
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất để quyết định chiều cao, chiếm khoảng 32%. Tiếp đến là yếu tố rèn luyện thể thao, quyết định 22% chiều cao của một người. Còn lại là các yếu tố môi trường sống như giấc ngủ, không khí, tiếng ồn, trạng thái cảm xúc vui, buồn, lo lắng, stress…”.
Trẻ cần được chăm sóc tốt từ những năm đầu đời để cải thiện chiều cao, thể lực |
Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng nhưng chế độ dinh dưỡng của người Việt đang rất thiếu khoa học. Ngay cả người có tiền, sống ở những thành phố lớn cũng không biết cách ăn uống thế nào cho đủ chất.
Mặc dù vấn đề cải thiện chất lượng dinh dưỡng đã được quan tâm, nhưng theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao (chiếm gần 25%). Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao, tới 69,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%. Hậu quả của thiếu vi chất ảnh hưởng đến tầm vóc và trí tuệ của con người.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh, trẻ cần được cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo, bột đường và các vitamin, khoáng chất như vitamin A, D, kẽm, I ốt… Chất đạm có vai trò quan trọng trong tăng trưởng, phát triển ở trẻ em. Chất đạm bổ sung cho các tổ chức da, móng, tham gia vào việc vận động, cử động của cơ thể, vận chuyển các chất trong cơ thể…
Canxi đóng vai trò rất quan trọng trong cấu tạo của xương, giúp xương phát triển, đưa cơ thể đạt đến chiều cao tối ưu đồng thời làm xương chắc khỏe. Ở độ tuổi từ 1- 25 cơ thể còn đang phát triển, đặc biệt là bộ xương nên khẩu phần ăn cần có đủ canxi, lượng can xi ăn vào cần nhiều hơn lượng canxi bài tiết ra ngoài để có đủ canxi cung cấp cho quá trình hình thành và phát triển bộ xương.
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong phát triển xương. Trẻ em nếu không được cung cấp đủ vitamin D thì chất xương và sụn không được vôi hóa đầy đủ, sụn phát triển không bình thường, làm xương biến dạng. Vitamin K2 là vi chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Việc bổ sung hợp lý vitamin K2 có tác dụng kích hoạt quá trình tạo xương ở trẻ tiền dậy thì, từ đó giúp tăng chiều cao ở trẻ.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, các bộ môn thể thao như bơi, đu xà, cầu lông, bóng rổ, nhảy dây… giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Thường xuyên tập luyện thể thao sẽ giúp xương phát triển, chắc khỏe, phát triển chiều cao tối đa.
Muốn trẻ phát triển chiều cao, ngoài chế độ dinh dưỡng với đầy đủ vitamin, khoáng chất, rèn luyện thể thao từ bé thì việc chăm sóc giấc ngủ của trẻ cũng rất quan trọng. Cha mẹ phải giúp trẻ ngủ sớm, ngủ ngon, ngủ sâu và ngủ đủ giấc. Đồng thời, môi trường sống của trẻ phải được vệ sinh sạch sẽ, tránh ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn… gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khoảng 54% chiều cao tối đa của trẻ đã đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào tuổi 12 và 14% còn lại vào tuổi 18. Bởi vậy, trước 12 tuổi được xem là “lứa tuổi vàng”, quyết định rất lớn đến thể chất và trí tuệ của mỗi con người. Do đó, muốn con phát triển chiều cao tối đa, cha mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện của con ngay từ khi còn nhỏ.