Chú trọng đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Không chỉ cho "con cá", mà còn cho cả "cần câu"
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách tiến bộ áp dụng với người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo cho người lao động có được một khoản tiền bù đắp, giúp họ trang trải cuộc sống trong thời gian họ bị mất việc làm, bị thất nghiệp…
Trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động còn được hỗ trợ học nghề. Mục đích chính của bảo hiểm thất nghiệp nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tìm việc làm.
Người lao động được hỗ trợ thủ tục đào tạo nghề. |
Do ảnh hưởng sau hai năm dịch COVID-19, nhiều lao động thất nghiệp tăng mạnh, bảo hiểm thất nghiệp càng phát huy hiệu quả làm "bà đỡ" giúp họ vượt qua khó khăn.
Hỗ trợ học nghề bảo hiểm thất nghiệp được xác định là một trong những biện pháp giúp cho người lao động được đào tạo nghề, tạo ra cơ hội để họ chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay lại tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Những người có nghề trong tay thường có có điều kiện làm việc và thu nhập tốt hơn. Người lao động nên coi việc học nghề và có nghề là “chìa khóa” tốt nhất cho cả cuộc đời, đặc biệt việc học nghề hiện nay đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí.
Tuy nhiên, trên thực tế, số người lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp… Tăng tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp là mục tiêu đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thời gian tới.
Đáng chú ý, có không ít trường hợp người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc tham gia đào tạo để có việc làm mới. Thậm chí, một số người lao động còn khai báo không đúng tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Gia tăng số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp đăng ký học nghề
Theo thống kê từ Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số người thất nghiệp lựa chọn học nghề thấp, chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đa số lựa chọn một số nghề trình độ sơ cấp như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy…
Do đó, để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo các quy định hiện hành, việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Khi đến đây, những lao động có nhu cầu sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề… Với người có nhu cầu học nghề, các trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu cho họ những ngành, nghề phù hợp tại cơ sở dạy nghề uy tín, để họ chủ động lựa chọn.
Học viện tham gia lớp làm bánh ngọt tại trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội. |
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thanh Liễu cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã liên kết với nhiều cơ sở dạy nghề trên địa bàn TP được cấp phép tổ chức đào tạo để tổ chức đào tạo hơn 20 nghề trình độ sơ cấp cho những người có nhu cầu. Ngành nghề dành cho người lao động đăng ký tham gia học rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người lao động cũng như giảm thiểu thời gian đi lại của họ.
Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội được phép đào tạo 5 nghề: Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Tin học văn phòng, May công nghiệp, Sửa chữa xe máy. Hiện nay, nghề Kỹ thuật pha chế đồ uống được nhiều người lao động đăng ký học, tiếp đến là nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, Lái xe, Làm bánh.
Đây đều là những nghề "hot" được đào tạo phù hợp với xu hướng sử dụng lao động của thị trường. Hình thức đào tạo lấy người học làm trung tâm; nội dung đào tạo theo giáo trình chuẩn, cho nên chất lượng đầu ra tương đối tốt. Đa số người học nghề đã trở lại thị trường lao động, sau khi hoàn thành chương trình học.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhờ linh hoạt vận dụng các hình thức tư vấn hướng nghiệp, tổ chức dạy nghề, thời gian gần đây, gia tăng số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng ký học nghề.
Qua đó, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của thành phố.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận gần 53.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong đó, có khoảng 1.200 người lao động nộp hồ sơ để hưởng quyền lợi học nghề dành cho lao động thất nghiệp từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay có 671 người lao động đăng ký học nghề.
Ngoài việc chú trọng đào tạo, hỗ trợ dạy nghề, người ao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí.
Trong năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép kết nối việc làm cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp như các sàn giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện; ngày việc làm để kết nối gặp gỡ người lao động với nhà tuyển dụng; các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận...