Cổ đông Nhật Bản “cho không” hơn 124 triệu quyền mua cổ phiếu Vietnam Airlines
Nợ quá và đến hạn của Vietnam Airlines lên tới gần 15.400 tỷ đồng Vietnam Airlines cũng muốn lập hãng bay chở hàng hóa |
Đại hội đồng cổ đông thương niên mới đây của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thông qua phương án phát hành thêm 800 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu trong năm nay để tăng vốn điều lệ, bổ sung thanh khoản.
Với tỷ lệ sở hữu 8,77% tại Vietnam Airlines, hãng hàng không All Nippon Airways (ANA Holdings) sẽ có 124,4 triệu quyền mua ưu đãi cổ phiếu HVN theo tỷ lệ 56.4% (1.000 quyền sẽ được mua 564 cổ phiếu chào bán). Như vậy, cổ đông Nhật Bản này có quyền mua 70 triệu cổ phiếu HVN.
Tuy nhiên, ANA Holdings vừa ra quyết định chuyển nhượng lại toàn bộ quyền mua cho người lao động của Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên mà không đòi hỏi bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào.
Theo đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) dự kiến thực hiện chuyển nhượng quyền mua từ ngày 9/8-7/9/2021. Người mua cũng cần lưu ý rằng lượng cổ phiếu mua trong đợt phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
Trước đó, Vietnam Airlines đã thông báo phương án phân phối số quyền mua mà ANA Holdings chuyển nhượng cho người lao động. Cụ thể, cán bộ nhân viên văn phòng và tiếp viên cơ hữu mỗi người được mua tối đa 5.737 cổ phiếu, trị giá hơn 57 triệu đồng.
Trong khi đó, các tiếp viên ALS (lao động thời vụ ký hợp đồng qua Công ty Cổ phần Cung ứng và Xuất nhập khẩu Lao động Hàng không Alsimexco) mỗi người được mua tối đa 2.868 cổ phiếu, trị giá gần 29 triệu đồng.
Vietnam Airlines đang trong giai đoạn tăm tối nhất lịch sử. (Ảnh: VNA) |
Nguyên nhân đằng sau vụ cho không quyền mua của ANA Holdings dù không được tiết lộ cụ thể song có thể đến từ những khó khăn về mặt tài chính trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo đó, ANA Holdings vừa báo lỗ 51,1 tỷ Yên, tương đương 464 triệu USD trong giai đoạn tháng 4-6/2021, nối tiếp mức lỗ kỷ lục 3,7 tỷ USD của năm tài chính 2020 (kết thúc vào tháng 3/2021).
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, tính đến ngày 30/6/2021, nợ vay đến hạn của công ty tại các tổ chức tín dụng là 2.053 tỷ đồng (trong đó tại Vietcombank 1.128 tỷ đồng, BIDV 236 tỷ đồng, SeABank 400 tỷ đồng...).
Trong khi đó, nợ quá hạn của hãng bay này với các đối tác, nhà cung cấp lên đến 13.337 tỷ đồng. Trong đó, nợ thuê máy bay gần 7.100 tỷ đồng; nhiên liệu, sửa chữa bảo dưỡng động cơ, phụ tùng vật tư hơn 4.000 tỷ đồng, dịch vụ chuyến bay và dịch vụ hàng không gần 1.850 tỷ đồng.
Vietnam Airlines cho biết đang tiếp tục đàm phán tăng tỷ lệ giãn hoãn đối với các đối tác, đồng thời cân đối từ các nguồn để thanh toán số nợ chủ động với nguyên tắc thanh toán dần các khoản nợ cũ để rút ngắn thời gian nợ với các đối tác.
Như vậy, tổng nợ vay các tổ chức tín dụng, các đối tác và nhà cung cấp đến và quá hạn khoảng 15.391 tỷ đồng. Trong trường hợp không thu đủ số tiền theo dự kiến, Vietnam Airlines sẽ tìm kiếm các nguồn bổ sung khác để đảm bảo huy động đủ vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về kết quả kinh doanh, sau nhiều lần dịch Covid-19 tái bùng phát, trong 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines ước lỗ hợp nhất 10.788 tỷ đồng, trong đó lỗ của công ty mẹ là 9.823 tỷ đồng, đồng thời các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro.
Theo kế hoạch trình cổ đông, Vietnam Airlines dự kiến tổng doanh thu năm 2021 sẽ đạt 37.364 tỷ đồng và lỗ ròng hợp nhất lên tới 14.526 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 11.178 tỷ đồng của năm 2020.
Trong kế hoạch năm 2021, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines dự kiến lên tới 11,31 lần, cao hơn nhiều so với mức 5,07 lần của năm 2020, khả năng thanh toán ngắn hạn bị đe dọa nghiêm trọng.
Trên thị trường chứng khoán, thời gian qua, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines giảm mạnh thị giá. Chốt phiên 6/8 ở mức 21.700 đồng/đơn vị, tương đương giảm 24% so với thời điểm đầu năm. |