Cô gái tuổi rồng “bay lên” từ cánh đồng bỏ hoang
Quyết tâm “giải mã” cỏ dại
Ngày trước, ngay tại chính quê hương của mình (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thu (SN 1988) thường xuyên trở thành chủ đề đàm tiếu, bàn tán. Người ta dành cho chị Thu hàng loạt những từ ngữ chẳng mấy hay ho, ví dụ như “điên”, “ngông cuồng” hay nặng nề hơn là “rửa tiền”. Ánh mắt mọi người dõi theo bước chân của Thu một cách thiếu thiện cảm, giống như ai cũng đang chờ lúc cô gái khác thường này... trượt ngã.
Dùng từ “khác thường” đối với Thu là rất chuẩn xác, bởi, từ nhỏ, Thu đã phải trải qua một chứng bệnh hết sức lạ lùng, khiến cho mái tóc của chị tuột xuống từng mảng, cuối cùng, đầu của chị trọc hơ hoác. Một cô gái trẻ với cái đầu trọc - từng ấy đã đủ để người dân quê bàn ra tán vào biết chừng nào!
Chị Nguyễn Thị Thu phát triển nông nghiệp sạch tại quê hương (Ảnh tư liệu) |
Suốt cả tuổi thanh niên, cho đến lúc trưởng thành, chị Thu phải đội tóc giả. Chị học cách dần dần chấp nhận với “khuyết điểm” của mình, nghĩ rằng sẽ phải chung sống với nó cả đời. Tuy nhiên, cái đầu trọc đó lại gây ra cho chị một phiền toái không ngờ: Bố mẹ chồng tương lại nhất định không muốn tiếp nhận một cô gái trọc đầu làm dâu con.
Nhớ về kỷ niệm đó, chị Thu kể bằng giọng nửa cười, nửa mếu: “Chuyện tôi bị rụng tóc đến trọc cả đầu, phải đội tóc giả quanh năm suốt tháng chỉ thực sự làm tôi ám ảnh khi ra mắt bố mẹ bạn trai. Mẹ bạn ấy đã cấm mối quan hệ này vì biết đầu tôi trọc lóc. Bà sợ tôi mắc phải bệnh gì khủng khiếp lắm, về làm dâu nhà bà, biết có sinh nở được hay không”.
Những lời nói ấy làm chị Thu rầu rĩ suốt cả mấy ngày. Không phải chị không muốn chữa bệnh nhưng nhiều bệnh viện đã bó tay, nhiều thầy lang đều đã lắc đầu. Chẳng lẽ chuyện tình duyên của chị lại lỡ dở vì cái đầu trọc? Ngay lúc khó khăn đó, một người bạn mách Thu đến gặp một thầy thuốc hưu trí chữa bệnh bằng Ðông y ở tỉnh Thái Bình. Chị Thu ôm hi vọng mong manh, tìm đến gặp ông thầy thuốc già.
Nhìn chị Thu gỡ tóc giả xuống, ông lão lẳng lặng đi lấy cho chị một túi đầy bồ kết, hương nhu, sả, cỏ mần trầu… bảo mang về nấu nước “gội” đầu, không phải uống bất kỳ loại thuốc tây, ta nào nữa. Chị Thu kiên trì gội đầu nhưng không dám kỳ vọng lớn lao. Song, bất ngờ đã đến, chỉ sau một năm, tóc chị mọc xanh trở lại.
Chị Thu bồi hồi kể: “Lúc đó, tôi đã hiểu được và cũng đã nhận được sự diệu kỳ của cỏ cây, cũng như giá trị của đất đai. Cái duyên đó, cùng sự tri ân cỏ cây cho mình một cuộc đời khác, tôi đã đi đến một bước ngoặt táo bạo, thậm chí là điên rồ, ảo tưởng trong mắt mọi người: Bỏ vị trí trưởng phòng marketing, về quê thuê đất làm nông nghiệp”.
Nỗ lực của chị Thu đã được nhiều tổ chức ghi nhận |
Trước năm 2016, từ trường Tiểu học xã Khánh Hà (Thường Tín, Hà Nội), phóng tầm mắt là mênh mông đồng chết, cỏ dại lưu niên bao phủ. Cánh đồng ấy, bà con xã Khánh Hà bỏ hoang đã nhiều năm, bởi họ chán cảnh hạt thóc bán ra không bù được chi phí đổ xuống. Ngày chị Nguyễn Thị Thu thuê lại cánh đồng, cả làng bảo chị điên. Bố mẹ, chị em trong gia đình cũng không ai ủng hộ. Quyết tâm, Thu thuê người làm cỏ, cày ải vỡ đất.
Năm sau, cả cánh đồng này chị Thu cho trồng cỏ, nào nhọ nồi (cỏ mực), mần trầu, ngũ sắc… Thấy chị Thu trồng toàn cỏ, làng tôi càng kháo nhau “cái Thu rửa tiền”. Phải đến cuối năm 2018, cây cối trên cánh đồng này mới bắt đầu xanh trở lại. Gian nan và cả núi công, núi của đổ xuống mới hình thành được nông trại như hôm nay”. Dưới ruộng, ngang tầm mắt là chùm ngây xanh ngắt; tầng dưới ngải cứu, tía tô mọc thành tán tròn xoe. Khắp mương nước nhỏ chạy quanh các luống là hoa tím bèo tây, góc ruộng um tùm bụi chuối. Phía khác, cải bó xôi múp míp; lá xanh mơn mởn, che kín cả mặt người.
Áp dụng hàng loạt công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Trồng nhiều cây dược liệu, bài toán tiếp theo mà chị Thu phải đối mặt là tạo ra sản phẩm và tìm đầu ra. Chị tính đến sấy cây chùm ngây làm trà. Chị Thu tìm cách thuyết phục bố mẹ và các chị em giúp mình vốn để mua máy móc. Thu gom góp tiền tìm đến Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch để hỏi mua máy sấy lạnh.
Có cái máy sấy lạnh, tạm yên tâm về trà và cốm chùm ngây, chị Thu bắt tay vào làm sản phẩm gội đầu từ cây cỏ. Chị Thu đặt mua bồ kết, thuê người đi cắt cỏ mần trầu, hoa ngũ sắc… về băm nhỏ rồi đóng túi lọc. Sản phẩm tiếp theo, cũng là tâm đắc nhất của chị Thu, là dầu gội đầu Tâm An.
Mô hình sản xuất dược liệu của chị Thu đã tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương |
Vì từng trụi thùi lụi tóc trên đầu, nên chị Thu không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm nhằm tạo ra sản phẩm dầu gội từ cây cỏ chất lượng và hiệu quả tối ưu. Chị Thu tiết lộ: “Kết quả tốt nhất không chỉ phụ thuộc vào thành phần, tỉ lệ, mà còn phụ thuộc công nghệ chiết xuất để lấy và giữ được các thành phần tốt cho da đầu, cho tóc”.
Đến năm 2017, chị Thu nhận được sự hỗ trợ vô cùng lớn về mặt công nghệ từ tổ chức Thriive - một đơn vị phi chính phủ của Mỹ, chuyên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau những ngày về xã Khánh Hà tìm hiểu, kiểm tra cách làm của Thu, rồi trò chuyện với người lao động có hoàn cảnh khó khăn mà chị Thu giúp đỡ, Thriive Hà Nội quyết định hỗ trợ cho cô một máy sấy đa năng, một kho lạnh, một máy đóng gói với tổng giá trị 214 triệu đồng. Bây giờ nhà xưởng và công ty của chị Thu được xã Khánh Hà ưu tiên, tạo điều kiện trong việc thuê địa điểm hoạt động.
Có thể nói, công nghệ đã “chắp cánh” cho giấc mơ của chị Thu. Những máy móc được đầu tư đồng bộ đã phát huy hiệu quả đáng kinh ngạc, giúp chị Thu và công ty tạo ra doanh thu ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Bây giờ, dân Khánh Hà không ai gọi chị Thu là “điên” nữa, họ đều tấm tắc ngợi ca “con Rồng” đã cất mình bay lên từ cánh đồng!
Box: Chị Nguyễn Thị Thu là sáng lập của MEVI - hệ sinh thái dựa trên nền tảng thương mại sản phẩm nông sản. Với 5 năm kinh nghiệm là người trực tiếp nghiên cứu, thực hành từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến các sản phẩm nông sản. Các sản phẩm mang thương hiệu Tâm An, Amazing của MEVI đã sớm khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng. Sản phẩm cũng đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Chị Nguyễn Thị Thu vinh dự nhận nhiều bằng khen huyện Thường Tín và thành phố Hà Nội.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg |