Đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú đầu năm học mới
Tăng cường tập huấn, nâng cao ý thức
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành giáo dục Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: "An toàn thực phẩm trong trường học là rất quan trọng. Bằng mọi trách nhiệm, tình cảm, phương pháp có thể, phải cho học sinh ăn sạch. Nếu các em ốm yếu, bệnh tật, liệu 30 - 50 năm nữa, lực lượng lao động này sẽ thế nào".
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường các quy định, giám sát để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm của bữa ăn bán trú, trong đó lưu ý các đơn vị kinh doanh, nhà bếp không được bớt xén bữa ăn của học sinh. Được sự chỉ đạo của TP, ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục và các quận, huyện trên địa bàn TP đã đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm đi kèm với đó là công tác ra quân kiểm tra đồng loạt.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố trao bằng khen cho ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội |
Xác định con người là nhân tố quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm đầu năm học mới, cuối tháng 8/2024, Trung tâm Y tế các quận, huyện trên địa bàn đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện trên địa bàn đã tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn công tác an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học.
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn trường học |
Trong vai trò giảng viên của lớp tập huấn, bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) cho biết: Được sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo và gắn trách nhiệm doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác kiểm tra giám sát các bếp ăn tập thể trường hợp của TP luôn được đẩy mạnh, chặt chẽ. Mục tiêu là 100% cơ sở được kiểm tra, giám sát theo quy định, cụ thể trong năm 2023 đạt tỉ lệ 84,5% cơ sở được kiểm tra.
Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội truyền đạt kiến thức về an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học |
Đồng chí Lê Thị Hằng nhấn mạnh: Ngộ độc thực phẩm có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế xã hội. Đối với cá nhân, ngộ độc thực phẩm gây nhiều tốn kém như: Chi phí nằm viện, chi phí thuốc, chi phí cấp cứu, chi phí ngăn chặn bệnh, chi phí phục hồi sức khỏe...
Người dân có nguy cơ thất thoát thu nhập, ảnh hưởng sức khỏe, mất việc làm, xáo trộn sinh hoạt trong gia đình. Ngộ độc thực phẩm cũng gây tổn thất của Nhà nước về các chi phí điều tra, xét nghiệm nguyên nhân gây ra ngộ độc...
Trong năm 2023, qua công tác kiểm tra của các đoàn kiểm tra của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của các trường học được nâng cao hơn.
Ngoài vấn đề nâng cao ý thức an toàn thực phẩm, người tham gia kinh doanh, sản xuất bữa ăn bán trú cho trẻ, các nhà trường cần xác định nguồn gốc nguyên liệu là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Do đó, bà Lê Thị Hằng nhấn mạnh: Các nhà trường cần ký hợp đồng nhập thực phẩm từ các cơ sở cung ứng thực phẩm, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở áp dụng "Thực hành nông nghiệp tốt - GAP"; Viet GAP, cơ sở kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm tại nơi sản xuất vùng nguyên liệu (vùng trồng trọt và chăn nuôi) là rất quan trọng. Khi tiếp nhận nguyên liệu, nhà trường cần có chứng chi (thẻ hàng) của bên cung cấp và kiểm tra nguyên liệu khi nhập như: Thực hiện kiểm thực 3 bước (trước khi nhập, trước khi nấu và trước khi ăn); kiểm tra bằng cảm quan và test nhanh (Rapid test...).
Tại buổi tập huấn, đại diện các trường học đã được đồng chí Lê Thị Hằng trao đổi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học để áp dụng trong quá trình cung cấp, sử dụng bếp ăn tập thể và cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh; đồng thời đại diện các trường học đã có cơ hội trao đổi và hỏi đáp tại hội trường rất sôi nổi và tiếp thu được nhiều các kiến thức cơ bản.
Bác sĩ Trần Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết, hằng năm, Trung tâm Y tế quận phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo liên tục triển khai tập huấn liên tục, thường xuyên và cập nhật mới những quy định, kiến thức về công tác bảo đảm an toan thực phẩm.
Do đó, cũng trong giai đoạn cuối tháng 8/2024, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng đã tổ chức buổi học truyên truyền về an toàn thực phẩm. Buổi tập huấn thu hút hơn 100 học viên là đại diện ban giám hiệu các trường học, cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm cũng như trong quá trình hoạt động của các bếp ăn bán trú tại các trường học công lập trên địa bàn quận Hai Bà Trưng tham dự.
Bác sĩ Nguyễn Văn Huynh, Phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội truyền đạt kiến thức về ATTP bếp ăn tập thể trường học. |
Tại buổi tập huấn, các học viên tham gia lớp tập huấn đã được bác sĩ Nguyễn Văn Huynh, Phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội trao đổi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế về công tác an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú trường học để áp dụng trong quá trình cung cấp, sử dụng bếp ăn tập thể và cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh.
Mạnh tay “đẩy lùi” hàng rong cổng trường
Cùng với các hoạt động tập huấn, nâng cao ý thức của các nhà trường về vấn đề bếp ăn tập thể, từ đầu tháng 8/2024, Hà Nội bắt đầu tổ chức các đoàn ra quân kiểm tra chuyên đề an toàn thực phẩm trường học, không chỉ tập trung vào các bếp ăn tập thể trong các trường mà cả thực phẩm kinh doanh ngoài cổng trường…
Giáo viên và người phụ trách giao nhận suất ăn bán trú kiểm tra an toàn thực phẩm |
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) cho biết: Để đảm bảo an toàn thực phẩm năm học mới 2024 - 2025, thành phố đã có kế hoạch “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn”. Từ giữa tháng 8/2024, nhiều quận, huyện, xã, phường trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu ra quân, tập trung kiểm tra từ các trường mầm non trở lên.
Những năm trước đó, những kế hoạch, mô hình về kiểm soát ATTP trong trường học tập trung quản lý ở góc độ chuyên môn với sự tham gia chủ yếu của ngành Y tế và Giáo dục. Tuy nhiên, năm nay, kế hoạch chuyên đề của thành phố hướng đến huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương.
Giáo viên và người phụ trách giao nhận suất ăn bán trú kiểm tra an toàn thực phẩm |
Hiện Hà Nội có hơn 4.000 bếp ăn tập thể trường học. Qua khảo sát, đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị...
Tuy nhiên, một số bếp ăn có diện tích khu sơ chế và chế biến chật hẹp; chưa vận hành theo nguyên tắc một chiều; kho bảo quản thực phẩm còn sắp xếp lộn xộn, chưa có lưới chắn côn trùng; nhân viên tham gia chế biến chưa chấp hành đầy đủ chế độ vệ sinh cá nhân theo quy định…
Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể có nơi chưa được triển khai thường xuyên và đến tận cơ sở nuôi trồng, giết mổ.
Một vấn đề rất đáng lo ngại nữa là tình trạng các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xung quanh cổng trường. Tại các quán hàng này, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng kéo theo nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh…
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trong đợt kiểm tra chuyên đề lần này, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm của thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra định kỳ, đột xuất, đánh giá hiệu quả triển khai của tuyến quận, huyện, thị xã.