Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong những ngày Tết
280 trường hợp cấp cứu pháo nổ trong ngày mùng 1 Tết Bạn trẻ trổ tài làm món ăn truyền thống Đón em bé “rồng” chào đời đêm Giao Thừa 3 ngày Tết Giáp Thìn, cả nước đón 7.680 em bé "rồng" chào đời |
Tránh cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt trong dịp Tết
Sau mỗi dịp Tết, một số trẻ rơi vào tình trạng thừa cân béo phì do ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ uống có ga hoặc sụt cân, suy dinh dưỡng do ăn uống không khoa học, gây rối loạn tiêu hóa. Một số trẻ ăn ít rau quả gây táo bón...
Nguyên do phổ biến là gia đình nào cũng rất nhiều đồ ăn thức uống giàu năng lượng như bánh kẹo, nước ngọt, bánh chưng, đồ ăn chiên rán, đồ chế biến sẵn cùng giờ giấc sinh hoạt đảo lộn…
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều bánh mứt kẹo đồ ngọt trong ngày Tết |
Bên cạnh đó, ngày Tết, các gia đình thường có phong tục đi chúc tết anh em, họ hàng. Trong những ngày này, các bố mẹ thường cho trẻ đi cùng. Việc đi lại nhiều có thể khiến bữa ăn và giấc ngủ của trẻ bị đảo lộn làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cùng với thời tiết nóng bức ở miền Nam và lạnh giá ở miền Bắc dẫn tới dễ bị ốm.
Do đó nếu hàng ngày trẻ thường ăn ba bữa một ngày và ăn nhẹ, gia đình hãy cố gắng duy trì lịch trình đó một cách nhất quán; duy trì lịch trình ăn uống đều đặn giúp trẻ em tránh xa cơn đói.
Phụ huynh nên duy trì cho trẻ ngày 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ. Nếu đến bữa ăn của trẻ mà không chuẩn bị kịp đồ ăn thì cho trẻ ăn các món ăn nhẹ thay bữa như bánh flan, uống sữa và các chế phẩm từ sữa, trái cây, các loại hạt, trái cây sấy, ngũ cốc… hoặc có thể cho trẻ ăn trước khi đi chơi, đi chúc Tết.
Gia đình đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tăng cảm giác ngon miệng.
Người lớn cũng nên tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt… Việc sử dụng các thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, có nguy cơ tăng cân ở trẻ thừa cân béo phì. Một số trẻ khác lại mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, có thể là nguyên nhân bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, nhất là trẻ nhỏ. Trẻ được ngủ ngon, ngủ đủ giấc sẽ phát triển tốt. Ngược lại, nếu rối loạn giấc ngủ vào ban đêm trẻ không chỉ chậm lớn, mệt mỏi hay quấy khóc, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Sức khỏe của trẻ chỉ đảm bảo khi bữa ăn và giấc ngủ không bị thay đổi.
Việc đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết sẽ giúp trẻ em và mọi người trong gia đình có sức khỏe tốt để tận hưởng kỳ nghỉ trọn vẹn, nhiều niềm vui.
Cung cấp nhiều rau củ trong bữa ăn dịp Tết
Dịp Tết, các gia đình thường dự trữ và sử dụng các loại thực phẩm nhiều năng lượng, chế biến sẵn, trong khi rau, củ quả lại ít khiến chế độ ăn mất cân đối, ảnh hưởng sức khỏe của người lớn cũng như trẻ em trong gia đình.
Do đó, phụ huynh nên cố gắng thay đổi món ăn, đa dạng thực phẩm và cách chế biến cho trẻ; cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn.
Bổ sung nhiều rau xanh trong bữa ăn ngày Tết cho trẻ |
Đó là: Nhóm bột đường (cơm, cháo, phở, bún, miến, bánh mỳ...), nhóm chất đạm (thịt, cá trứng, sữa và các chế phẩm sữa…), nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và nhóm vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây…).
Các bà nội trợ nên lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ và nhiều món ăn có nguồn gốc từ thực vật có thể giúp giảm lượng calo tiêu thụ; chú ý bổ sung đủ rau xanh trong các bữa ăn ngày Tết cho cả gia đình hoặc có thể thay thế bằng quả chín trong trường hợp không tiện chế biến.
Cha mẹ đừng quên cho con uống nước, hãy chú ý cho trẻ uống đủ nước. Các con thường thích nước ngọt với hương vị dâu, chanh, táo… hơn là nước lọc.
Thế nhưng nước ngọt sẽ khiến trẻ dễ bị đầy bụng, khó tiêu dẫn đến trẻ chán ăn. Do đó, mẹ không nên cho trẻ uống nhiều nước ngọt chỉ nên cho bé uống một vài ngụm nhỏ và bổ sung cho trẻ nước lọc, nước canh, sữa tươi hay sữa công thức vào ngày Tết để bổ sung đều đặn các dưỡng chất cho trẻ.
Thêm hoạt động thể chất vào những ngày nghỉ Tết là một cách tốt để duy trì những thói quen lành mạnh và tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ bên nhau như một gia đình.
Vì vậy, cha mẹ hãy lưu ý việc vận động cho trẻ, rất tốt đến sức khỏe của trẻ: Thay vì cho "ăn thỏa thích" hãy cho trẻ "chạy nhảy thỏa thích"; lên kế hoạch đi dạo quanh khu phố sau bữa ăn hoặc tham quan công viên; đưa trẻ đến các khu vui chơi giải trí để trẻ có dịp tiêu hao năng lượng qua các trò chơi vận động.
Việc đi chơi, vận động vừa phải sẽ giúp trẻ mau đói và thèm ăn nhưng không nên đi chơi quá nhiều vì quá mệt cũng làm trẻ biếng ăn.