Tag

Đi tìm nhân chứng của bức ảnh “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi”

Phóng sự 20/08/2022 09:30
aa
TTTĐ - Bức ảnh “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi” được đánh giá là một trong những tác phẩm nhiếp ảnh thể hiện sâu sắc, rõ nét tình yêu thương vô bờ mà lãnh tụ Hồ Chí Minh dành cho thế hệ măng non. Nhân chứng của thời khắc ấy cũng là nữ giáo viên anh hùng đầu tiên của Thủ đô, nhà giáo Phí Vân Khanh.
Chủ tịch nước gặp mặt thân mật các cán bộ trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác Hồ 26 năm thầm lặng trông coi ngôi nhà từng 2 lần đón Hồ Chủ tịch

Thời khắc vụt thành bất hủ

Trong cuốn sách "Kể chuyện Bác Hồ", tác phẩm được biên soạn theo "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" của tác giả Trần Dân Tiên đã kể một câu chuyện là “Niềm vui bất ngờ”.

Bức ảnh “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi” (Ảnh: TTXVN)
Bức ảnh “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi” (Ảnh: TTXVN)

Truyện có đoạn: “Vào một buổi sáng nắng đẹp, cô giáo Mỹ dẫn các cháu mẫu giáo đi chơi vườn Bách Thảo. Đến vườn Bách Thảo phải đi qua Phủ Chủ tịch, là nơi Bác Hồ sống và làm việc ở đấy. Qua nhà Bác, các cháu mẫu giáo thích lắm. Em nào cũng sung sướng reo lên:

- Nhà Bác Hồ! Tiếng các cháu hỏi mỗi lúc một nhiều khiến cô giáo lúng túng. Bỗng cánh cổng xanh Phủ Chủ tịch từ từ mở. Một đồng chí cán bộ vui vẻ nói với các đồng chí công an và cô giáo cho các cháu vào. Cô giáo sung sướng hồi hộp dẫn các cháu đi theo hàng vào Phủ Chủ tịch.

– A Bác Hồ! Bác Hồ! Bác Hồ!

Một cháu nhỏ reo lên. Tất cả các cháu như bầy chim non bay nhanh về phía Bác...”.

Bình luận về truyện này, tác giả viết: Đây là một câu chuyện “người thực, việc thực”, được chính người trong chuyện kể và nhà văn ghi lại. Nội dung câu chuyện thể hiện niềm vui sướng của cô giáo và các cháu học sinh mẫu giáo tình cờ được Bác Hồ cho vào thăm nơi Bác làm việc; Thăm nhà Bác ở và vườn cây, ao cá của Bác chăm sóc.

Đó chính là một niềm vui bất ngờ đối với cả cô giáo lẫn các bạn nhỏ. Câu chuyện phản ánh sâu sắc lòng yêu thương của Bác Hồ đối với thiếu nhi cũng như tình cảm của các cháu thiếu nhi đối với Bác...

Sự khơi gợi từ mấy chữ “người thực, việc thực” đã thôi thúc người viết tìm kiếm nhân chứng của câu chuyện “Niềm vui bất ngờ”. Thật bất ngờ, chúng tôi gặp được nhà giáo, nữ Anh hùng Lao động Phí Vân Khanh. Bà là nhân chứng của câu chuyện, cũng là người góp phần vào sự kiện đó.

Vị nữ anh hùng nhỏ bé

Trong ấn tượng của tôi, tất cả những gì liên quan đến nhà giáo Phí Vân Khanh (SN 1937) đều gói gọn trong hai từ “nhỏ bé”. Bà sống một mình trong một căn phòng khiêm tốn trên gác hai tại chung cư cũ Kim Liên, nơi người chồng quá cố đã rời xa bà hàng chục năm trước. Những đồ vật ngăn nắp bày biện trong nhà cho người khách lạ cảm giác như lạc vào nơi cư ngụ của bảy chú lùn: Cái tivi đen trắng lớn hơn hai bàn tay, chiếc bà gỗ cũ kỹ mòn vẹt một góc và mấy chiếc bát tráng men nhỏ xíu có lẽ tồn tại từ thời bao cấp... cho thấy một cuộc sống đạm bạc, nếu không nói là khá thiếu thốn.

Nhà giáo anh hùng Phí Vân Khanh kể về những năm tháng công tác
Nhà giáo anh hùng Phí Vân Khanh kể về những năm tháng công tác

Hơn hết tất cả là sự nhỏ bé của chính bà Khanh. Ở tuổi 83, gánh nặng thời gian đè lên vai khiến thân thể bà chùng xuống, lúc này, người phụ nữ gốc phường Văn Miếu chỉ nặng vỏn vẹn 37kg, mái tóc trắng lòa phủ mấy sợi lơ thơ xuống cặp mắt kèm nhèm, dù đôi lúc vẫn sáng lên nét gì đó rất tinh anh. “Bà đã già yếu quá rồi, giống như một chiếc lá run rẩy trước gió mùa đông vậy” - ý nghĩ đó xẹt qua tôi khi lần đầu tiên đến thăm bà nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam sắp sửa cận kề.

Tuy nhiên, trái với vẻ ngoài yếu ớt, nhà giáo Phí Vân Khanh lại có cả một câu chuyện vang dội để kể về cuộc đời mình. Chính xác hơn, bà là một anh hùng! Cho đến bây giờ, bà vẫn là nữ Anh hùng Lao động duy nhất trong ngành Giáo dục của thành phố Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Không những thế, nhà giáo Phi Vân Khanh còn được Nhà nước thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhất lần lượt năm 1983, 1996; Được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1988; Nhận huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 1995, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất năm 1997. Bà cũng vinh dự được ghi tên vào cuốn “Chân dung và Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh”.

Đi tìm nhân chứng của bức ảnh “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi”
Nhà giáo Phí Vân Khanh được phong danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 1985

Đan chéo đôi bàn tay gầy guộc có nước da mỏng tang như tờ giấy, bà Khanh nhẹ nhàng kể: “Sau khi tốt nghiệp sư phạm mẫu giáo, tôi được phân công về trường mẫu giáo số 7 của quận Hai Bà Trưng. Khi đến quốc Mỹ ném bom hủy diệt Miền Bắc, tôi cùng các giáo viên khác được phân công phục vụ trại trẻ sơ tán của quận Hai Bà Trưng đặt tại Tiên Sơn - Hà Bắc (cũ, nay là huyện Tiên Du, Bắc Ninh).

“Điều kiện lúc bấy giờ rất hạn hẹp, thiếu thốn trăm bề” - nheo nheo đôi mắt như lục tìm quá khứ, bà Khanh nhớ lại: “Do hoàn cảnh chung của đất nước, nên cả cô và trò đều không đủ lương thực, thực phẩm. Người lớn bụng sôi réo đã đành chịu đựng, nhưng, chứng kiến con trẻ đói, chúng tôi đau như thắt ruột. Giáo viên bàn nhau trồng rau, trồng khoai để tăng gia, góp phần cải thiện bữa ăn cho các con. Cảnh vừa tưới rau, vừa ngóng tiếng máy bay của địch ở xa xa rồi dắt đàn em thơ đến chỗ núp, giang tay che chở các con như gà mẹ bảo vệ đàn gà nhép là ký ức không bao giờ phai mờ được”.

Năm 1968, bà Khanh được phân công về làm Phó Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Sao Sáng. Sau đó, thời điểm chiến tranh leo thang ác liệt, một lần nữa cô và đồng nghiệp lại hăng hái lên đường đi phục vụ trại trẻ sơ tán của Cục Hậu cần (Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân).

Trong hoàn cảnh bom rơi đạn nổ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trại trẻ sơ tán học theo chương trình “tinh giản” nhưng bà Khanh vẫn đề xuất cho học trò theo chương trình “toàn diện”. Bà kể: “Tôi kiên trì phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” trong các tiết dạy trẻ. Đồng thời, tôi nghiên cứu và đề xuất một số cải tiến trong bài dạy và các trò chơi cho phù hợp với từng chủ đề. Chính vì thế, dù đi sơ tán nhưng trẻ vẫn phát triển tốt cả về thể chất cũng như tinh thần”.

Trong những năm tháng sau đó, cô giáo Phí Vân Khanh tiếp tục sáng tạo, đề xuất nhiều cải tiến trong giáo dục. Từ những sáng kiến của cô Khanh đạt hiệu quả cao, Hội đồng Khoa học giáo dục thành phố Hà Nội đã xếp loại A và được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào làm tài liệu giảng dạy chung cho toàn ngành. Bà Khanh được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mời đến báo cáo tại “Hội nghị biểu dương những cá nhân và đơn vị có sáng kiến kinh nghiệm xuất sắc” và được trao giải thưởng Bác Hồ (năm 1971-1972).

Năm 1978, nhà giáo Phí Vân Khanh được phân công đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Chim non. Trên cương vị mới, bà đã cải tiến phương pháp cô dạy tốt, trò học tốt, từng bước đưa Trường Chim non trở thành trường tiên tiến xuất sắc và là lá cờ đầu của giáo dục mầm non Thủ đô trong nhiều năm liên tiếp.

“Tất cả xuất phát từ lòng yêu trẻ và mong muốn đem đến những gì tốt đẹp nhất cho các con” – bà Khanh bồi hồi nói: “Chứng kiến các con mỗi ngày đến trường đều vui vẻ, rạng ngời, tôi thấy lòng mình ấm áp, hạnh phúc”.

Kỷ vật vô giá của người nữ anh hùng

Bây giờ, tạm gác lại sau lưng thời gian hoạt động sôi nổi, bà Phí Vân Khanh sống trong thế giới của kỷ niệm và ký ức. Một trong những mảnh ghép quá khứ đặc sắc, đáng nhớ nhất của bà là đó là tham gia và câu chuyện “Niềm vui bất ngờ” và cũng chứng kiến khoảnh khắc tạo nên bức ảnh nổi danh “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi”.

Nhà giáo Phí Vân Khanh lưu giữ bức bức ảnh “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi” như một kỷ niệm đặc biệt
Nhà giáo Phí Vân Khanh lưu giữ bức bức ảnh “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi” như một kỷ niệm đặc biệt

Bà Khanh còn nhớ rõ, đấy là thời điểm Trung Thu năm 1961. Lúc bấy giờ, chiến tranh tạm lắng, người dân Thủ đô làm quen với nhịp sống vừa học tập, sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Nhân dịp rằm tháng Tám, bà Phí Vân Khanh dẫn các cháu bé đi thăm phố phường, dạo vườn Bách Thảo, ăn kem mát lạnh. Ngang qua Phủ Chủ tịch, bà Khanh giới thiệu với các bé: “Đây là nơi Bác Hồ sống và làm việc”.

Trong những đôi mắt trong veo của các bé trường Mẫu giáo Chim Non sáng lên niềm vui không thể tả bằng lời. Không ai bắt nhịp, các bé đồng thanh hát vang “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Tiếng hát mang theo sự kính yêu và xúc động của những tâm hồn thơ ngây dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam!

Nữ anh hùng Phí Vân Khanh kể: “Đang lúc các bé ca hát thì một chú cảnh vệ đến nói rằng không nên làm ồn, để cho Bác Hồ nghỉ ngơi. Tôi vội đi lên giải thích rằng các cháu quá yêu kính Bác nên mới vô tình hát như thế. Trong thâm tâm tôi cũng biết việc làm ồn trước Phủ Chủ tịch là không hay, nên có ý định đưa các bé đi ngay”.

Việc xảy ra sau đó đối với bà Khanh cứ như một giấc mộng. Từ trong Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã nghe tiếng hát của các cháu nhi đồng. Người vẫy tay bảo các cháu vào sân chơi, tham quan phong cảnh. Các bé ùa vào trong sân, sau đó lại vỗ tay và hát. Bác Hồ cũng hòa vào điệu nhạc, cùng chung nhịp bước chân với thế hệ nhi đồng.

Khoảnh khắc ấy được ghi lại, trở thành bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi”. Trong bức ảnh, vị Cha già dân tộc cười rạng rỡ, nắm tay những cháu bé đáng yêu, vừa hát vừa nhảy múa. Tất cả tạo nên một cảm giác bình yên, thân thiết, gần gũi vô cùng!

Bức ảnh “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi” được bà Phí Vân Khanh trân trọng lưu giữ
Bức ảnh “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi” được bà Phí Vân Khanh trân trọng lưu giữ

Bác dắt tay hai cháu nhỏ nhất, còn các cháu khác xúm xít theo Bác ra vườn. Bác vừa đi vừa chỉ cho các cháu xem những cây Bác đã trồng; Chỉ cho các cháu xem hai cây vú sữa miền Nam và thăm ao cá Bác nuôi. Các cháu ríu rít đi quanh Bác Hồ, lắng nghe từng lời Bác nói. Bác dặn các cháu phải ngoan ngoãn, sạch sẽ, vâng lời cô giáo. Các cháu lắng nghe Bác nói, muốn ở bên Bác mãi mãi nhưng đã đến giờ Bác tiếp khách cô giáo phải cho các cháu ra về. Bác vẫy tay chào nhìn theo các cháu. Các cháu vừa đi vừa luyến tiếc. Cháu nào cũng ngoảnh lại đề cố ngắm Bác thêm chút nữa...

Bà Khanh bồi hồi: “Câu chuyện “Niềm vui bất ngờ” và tác phẩm “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi” đều kể về một sự kiện bất ngờ, không có sự sắp xếp nhưng lại thể hiện rõ tình yêu thương của Bác Hồ với nhi đồng một cách sâu sắc, rõ nét và thăng hoa. Trong cuộc đời tôi, khoảng khắc ấy vĩnh viễn là tươi đẹp nhất...”.

Tiếng nói của bà Khanh nhẹ dần rồi chìm vào căn phòng, giống như bóng hình nhỏ bé của bà cũng dần dần rơi vào miền ký ức - duy chỉ có đôi mắt là vẫn cười, vẫn yêu thương và kính ngưỡng...

Những trăn trở ở tuổi xế chiều

“Trẻ em bây giờ sướng hơn xưa rất nhiều, nhưng cũng vất vả hơn xưa rất nhiều”, Anh hùng Lao động Phí Vân Khanh cảm thán.

Theo bà Khanh, thay vì đói ăn thiếu mặc, ngày đêm lo lắng bom nổ trên đầu; trẻ em hiện nay có điều kiện tốt hơn rõ rệt về vật chất cũng như điều kiện giáo dục. Các em được tiếp xúc với những kiến thức mới, thậm chí là nền giáo dục toàn cầu. Như thế là sướng nhưng trẻ em bây giờ cũng vất vả quá. Khối lượng kiến thức phải tiếp thu quá lớn, trong khi cha mẹ thường xuyên bận rộn. Trẻ em không có nhiều hoạt động ngoài trời, nên sự phát triển thể chất cũng phần nào hạn chế.

Đi tìm nhân chứng của bức ảnh “Bác Hồ nhảy múa cùng các cháu thiếu nhi”
Anh hùng Lao động Phí Vân Khanh

Những trăn trở trên thúc đẩy bà Khanh tiếp tục sáng tạo đồ dùng học tập. Bà nói: “Tôi thấy mình “mắc nợ” con trẻ nhiều lắm, phải cố sức làm. Thời tôi đi dạy học, những năm 1960 - 1990, điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, thiếu đồ dùng dạy học, đồ chơi; không có chương trình soạn giảng cụ thể; Giáo viên thì chỉ được đào tạo cấp tốc 3 tháng song giáo dục vẫn luôn có sự phát triển. Lương tâm và trách nhiệm sẽ thúc đẩy giáo viên sáng tạo, đổi mới... nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học. Thời nào dạy trẻ cũng cần đặt tình yêu nghề, yêu trẻ lên trên hết”.

Đọc thêm

Bài 1: Những ngày xã đảo dập dềnh trong biển nước Phóng sự

Bài 1: Những ngày xã đảo dập dềnh trong biển nước

TTTĐ - Từ chiều 9/9, nước sông Hồng dâng cao, khiến xã đảo Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) nhanh chóng bị bủa vây. Đến hôm sau, dòng nước đục ngầu đã nhấn chìm một phần xã đảo. Nước chảy siết, cuốn theo những khúc củi đen xì và rác từ thượng nguồn. Hai phương thức kết nối giữa Minh Châu với “đất liền” là phà và đập tràn đều bị tê liệt. Xã hoàn toàn rơi vào cảnh cô lập, dập dềnh như chiếc lá mỏng giữa cơn lũ…
Đồng chí Lê Đức Vân kể về những ngày tháng Tám lịch sử Phóng sự

Đồng chí Lê Đức Vân kể về những ngày tháng Tám lịch sử

TTTĐ - Đồng chí Lê Đức Vân (SN 1928) là Trưởng Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ông là nhân chứng lịch sử đã giương cao ngọn cờ cách mạng trong những ngày tháng Tám năm 1945.
Hành trình tràn ngập ý nghĩa, ấm tình yêu thương Phóng sự

Hành trình tràn ngập ý nghĩa, ấm tình yêu thương

TTTĐ - Vừa qua, CLB thiện nguyện Ấm tình yêu thương đã có một hành trình hết sức ý nghĩa khi chung tay xây tổ ấm cho nạn nhân chất độc da cam tại Hà Tĩnh, cứu trợ cho bà con vùng cao tỉnh biên giới Hà Giang bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ hay trao tặng xe lăn tới các thương binh. Những việc làm này càng làm lan tỏa mạnh mẽ thêm sự yêu thương, sẻ chia trên khắp mọi miền đất nước.
Hành trình đầy ý nghĩa của CLB thiện nguyện Ấm tình yêu thương Phóng sự

Hành trình đầy ý nghĩa của CLB thiện nguyện Ấm tình yêu thương

TTTĐ - Tháng 6 vừa qua, Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Ấm tình yêu thương đã có một hành trình hết sức ý nghĩa khi chung tay xây tổ ấm cho nạn nhân chất độc da cam tại Hà Tĩnh, cứu trợ cho bà con vùng cao tỉnh biên giới Hà Giang bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ hay trao tặng xe lăn tới các thương binh. Từ những việc làm này càng làm lan tỏa mạnh mẽ thêm sự yêu thương, sẻ chia trên khắp mọi miền đất nước.
Người dân lặng lẽ từ biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Xã hội

Người dân lặng lẽ từ biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TTTĐ - Chiều 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất mẹ đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia. Biển người đau buồn nói lời từ biệt cuối cùng trước linh cữu Tổng Bí thư tưởng chừng sẽ không bao giờ dứt.
Tình người trong những xóm nghèo Phóng sự

Tình người trong những xóm nghèo

TTTĐ - Bôn ba, tha phương, lăn lộn mưu sinh ở xứ người, trong tận cùng của cái nghèo, cái khó, họ - những người lao động tự do - vẫn hun đúc, gìn giữ những giá trị đẹp trong đời. Nhiều câu chuyện về họ thoạt nghe cứ ngỡ như trong cổ tích.
Trồng mai, nuôi 4 con vào đại học Phóng sự

Trồng mai, nuôi 4 con vào đại học

TTTĐ - “Má mất, con còn nhỏ nhưng cũng biết chuyện rồi. Cha im lặng không nói gì, chỉ nhắc các con cố gắng mà học rồi cha cứ lặng lẽ làm việc… Con thương cha”, Trần Hương Tú, 22 tuổi,con gái thứ 3 trong gia đình kể.
Hành hương về đất Phật Văn hóa

Hành hương về đất Phật

TTTĐ - Trong suốt chiều dài lịch sử, Huế từng là kinh đô của triều Nguyễn và cũng là kinh đô một thời của phật giáo Việt Nam. Về với Huế cũng là chuyến hành hương về đất phật, chiêm ngưỡng các thánh tích phật giáo, từ đó khám phá tâm thiện lành trong mỗi chúng ta.
“Phên dậu xanh” miền biên viễn Phóng sự

“Phên dậu xanh” miền biên viễn

TTTĐ - Nơi miền sơn cước của xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum), các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô vẫn luôn ngày, đêm vững chắc tay súng bảo vệ từng “tấc đất, ngọn cỏ” chủ quyền của Tổ quốc. Song song với đó, các cán bộ chiến sĩ cũng luôn gần gũi, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Huyền thoại La Văn Cầu Phóng sự

Huyền thoại La Văn Cầu

TTTĐ - Trong trận đánh đồn Đông Khê năm 1950, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu đã dũng cảm chặt một tay để ôm bộc phá, tiêu diệt lô cốt của giặc Pháp. Ông trở thành huyền thoại về tinh thần hi sinh anh dũng, ý chí kiên cường sắt đá của những người lính trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Xem thêm