Đưa quy tắc ứng xử thành nếp sống của Nhân dân Thủ đô
Ứng xử văn minh làm nên diện mạo mới của di tích, thắng cảnh Duy trì tác phong chuẩn mực nơi công sở nhờ quy tắc ứng xử Tổ chức hội thi điều dưỡng, hộ sinh giỏi và quy tắc ứng xử |
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Chia sẻ tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; Đánh giá kết quả triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử của thành phố giai đoạn 2017 - 2024", Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trọng các cơ quan thành phố Hà Nội và quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội những năm qua.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng phát biểu tại Hội nghị |
Tại các địa phương, trong đó đặc biệt là Hà Nội, Ban chỉ đạo Phong trào tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm 2024 gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Phong trào được triển khai nghiêm túc, bài bản với công tác tuyên truyền mạnh mẽ và sự tham gia tích cực từ cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp Nhân dân.
Từ phong trào đã xây dựng và nhân rộng các mô hình, giá trị văn hóa phù hợp, gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân; góp phần quan trọng chăm lo đời sống tinh thần cho người dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết của dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển Thủ đô và đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
“Bên cạnh việc chú trọng phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, các đơn vị cần lưu ý đổi mới nội dung, cách làm; kiên quyết đấu tranh với những hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về văn hóa; triển khai phong trào theo hướng đi vào thực chất, trở thành nề nếp và gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị”, đồng chí Lương Đức Thắng nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ về lợi ích khi Luật Thủ đô có hiệu lực |
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Điều 41 Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về mô hình “Khu phát triển thương mại, văn hóa” hay còn gọi là “Khu thúc đẩy thương mại văn hóa”
Với lợi thế này, khi Luật Thủ đô năm 2024 chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/1/2025) sẽ tạo cơ sở pháp lý để đầu tư, xây dựng, quản lý hiệu quả các khu phố đi bộ, phố “nghề”, phố “hàng”, qua đó gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của Thủ đô.
Đây cũng là cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa; góp phần thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thủ đô; trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô; phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu đưa Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu về những nội dung tập huấn trong Hội nghị |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết Hội nghị là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại hội nghị giao ban triển khai một số nhiệm trọng tâm khối văn hóa xã hội năm 2025 vừa qua.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với các trọng tâm như: Hướng dẫn công tác tổ chức, quản lý lễ hội và thực hiện bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống năm 2025; những vấn đề cần quan tâm trong công tác quản lý di tích trước, trong và sau Tết.
Hướng dẫn quy trình, thủ tục, trình tự xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường thị trấn tiêu biểu”. Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ lĩnh vực văn hóa thể thao trong Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy. Đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy, trọng tâm là triển khai thực hiện xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Nguồn động lực quan trọng cho xây dựng và phát triển Thủ đô
Về kết quả triển khai thực hiện 2 quy tắc ứng xử của thành phố, theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai sâu rộng trên mọi lĩnh vực, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - cơ quan thường trực triển khai các quy tắc đã tham mưu UBND thành phố ban hành hơn 60 văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Đặc biệt, bám sát yêu cầu thực tiễn, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là nguồn động lực quan trọng cho xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, năm 2024, Sở phối hợp với Ban Tuyên giáo trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trao Giấy khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử |
Sau gần 8 năm, các quy tắc ứng xử đang ngày càng trở nên thân thuộc với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp Nhân dân trong việc căn chỉnh văn hóa ứng xử, xây dựng cộng đồng ngày một văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.
Từ thành phố tới cơ sở, hàng trăm cách làm hay, mô hình điểm đã và đang được triển khai, nhân rộng nhằm hiện thực hóa quy tắc ứng xử của thành phố. Đáng nói, dù nhiều mô hình có nội dung tương tự song việc triển khai không bị dập khuôn mà có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc trưng, tính chất địa bàn, dân cư sinh sống.
Các Sở, ngành, đơn vị, địa phương đều quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai thực hiện thống nhất, có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, đơn vị trực thuộc và sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân.
Các đơn vị đã cụ thể hóa kịp thời sự chỉ đạo của thành phố thành các chương trình, kế hoạch, đề án gắn với cải cách hành chính, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với các cơ quan Nhà nước; Chỉ đạo thực hiện các quy tắc ứng xử gắn với việc triển khai Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó là Chỉ thị số 24 ngày 7/8/2023 của Thành ủy Hà Nội “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố”, thực hiện đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng tháng, hàng năm trong đó có tiêu chí thực hiện quy tắc ứng xử, nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Các Ban, Sở, ngành địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, kiểm tra để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình triển khai các quy tắc ứng xử và có giải pháp điều chỉnh, khắc phục kịp thời, phù hợp.
Hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tham mưu cho thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả và duy trì việc thực hiện quy tắc ứng xử trong gần năm thực hiện kiểm tra 5 đợt tại 66 đơn vị, trong đó có 30 quận, huyện, thị xã và 12 Ban, Sở, ngành. Thông qua kiểm tra nhằm phát hiện những nhân tố tích cực để nhân rộng, lan tỏa các quy tắc, đồng thời khắc phục hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị.
Cũng trong 8 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng (Sở Nội vụ) tổng hợp, đề xuất thành phố tặng bằng khen gương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” cho 68 tập thể, 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện 2 quy tắc ứng xử của thành phố.
Tại hội nghị, 35 tập thể và 68 cá nhân đã được tuyên dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố (giai đoạn 2017 - 2024).