Đừng để những cành hoa cũng biết buồn...
Người dân Hà Nội chi tiền triệu vào thú chơi hoa lê sau Tết Khai mạc lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng Các làng hoa ven đô Hà Nội tất bật vào vụ Tết |
Nâng niu trong nhà, "chối đây đẩy" ngoài bãi rác
Năm nay thời tiết thuận lợi, cái rét nhẹ nhàng và liên tục những đợt mưa ẩm là điều kiện lý tưởng để ngàn hoa nở rộ. Những loài hoa mùa xuân đặc trưng như thược dược, lay ơn, đặc biệt là hoa đào, tuyết mai... tiếp tục được người Hà Nội yêu chuộng, mua về cắm.
Nếu như mọi năm mùa thược dược thường qua rất nhanh thì năm nay dù đã bước sang tháng hai Âm lịch, những bó thược dược đủ màu sắc vẫn bày bán rất nhiều ngoài chợ. Trong không khí có phần mờ mịt sương khói, nồm ẩm như thế này, tâm trạng sẽ được "vực" lên rất nhiều khi ở trong căn phòng có ánh đèn vàng ấm áp, đốt lên mùi trầm thơm vấn vít cùng sắc màu rực rỡ của bình hoa thược dược.
![]() |
Người Hà Nội vẫn chọn mua những loài hoa đặc trưng để thưởng thức trong tiết trời xuân còn nồng nàn, vương vấn, |
Cũng như vậy, nhiều cành đào, cành mận, cành mai và thậm chí là cả đào dáng huyền vẫn tiếc xuân, nở nốt và với bản tính yêu hoa, thích cái đẹp, luôn coi cắm hoa, thưởng thức hoa là một phần của cuộc sống, người Hà Nội vẫn hào hứng mua về để trong nhà mình không bao giờ thiếu sắc màu.
Dù vậy, chơi hoa, yêu hoa, trân trọng cái đẹp là một chuyện nhưng cư xử sau khi "hoa tàn, nhị rữa" lại là chuyện khác. Những lọ hoa chúng ta mua về, xuýt xoa, nâng niu, ngắm nghía, tự hào vì làm đẹp ngôi nhà mình bao nhiêu thì khi hoa tàn, cần thay thế loại hoa khác, nhiều người vứt bỏ một cách rất phũ phàng.
Đành rằng, hoa tàn thì phải bỏ nhưng có ai đó đã từng đi qua bãi rác, nhìn những bông hoa lys còn vàng rực, những cành đào còn đầy hoa, những bông lay ơn vẫn cố khoe sắc đến phút cuối cùng bên cạnh vũng nước đen sì, bên cạnh những túi thức ăn thừa đổ tung tóe với đàn ruồi nhặng bay đầy... liệu có thấy buồn lòng?
Ở một khía cạnh khác, việc vứt hoa ra như thế sẽ làm khó cho công nhân vệ sinh môi trường. Nếu là những bó cúc, hoa lys, lay ơn... ngắn và nhỏ bị vứt lung tung thì còn có thể vơ hai tay gom gọn lên xe. Còn với những cành tuyết mai dài, cành đào chuông to đùng và thậm chí là cả những cành đào huyền, đào thế, lê, mận... cồng kềnh thì việc thu gom rác gặp nhiều trở ngại.
Bởi vậy, câu chuyện những cành hoa được nâng niu ở nhà, khi ra bãi rác lại bị chối đây đẩy là chuyện "thường ngày ở huyện".
![]() |
Lời nhắc nhở từ nhẹ nhàng đến gay gắt tại các nhóm dân cư |
Chị Hoàng Oanh (Thanh Xuân, Hà Nội) kể những ngày mưa ẩm vừa qua, nhà nào đó vứt ra chân cột điện trong ngõ một cành đào rất to, lại vứt vào giờ mà xe rác đã đi rồi. Thế là cả ngày hôm đó con ngõ đã bẩn đã ướt lại thêm cành đào chiếm diện tích, ai đi qua cũng phải né tránh. Rồi xe máy đi qua, áo mưa tùm tụp, mải tránh nhau va vào cành đào đổ ra đường, cản trở giao thông.
"Tối hôm ấy, người gom rác cũng không nhận, người vứt ra bãi rác rồi nhất định "phủi tay, xong chuyện". Chỉ thấy thương cành hoa và người chơi hoa cũng thật đáng trách", chị Hoàng Oanh bày tỏ.
Đừng đổ gánh nặng lên người khác
Nhu cầu cắm hoa, thưởng thức cái đẹp, thể hiện tài khéo léo, thờ cúng, trang trí cho ngôi nhà, tổ ấm, cơ quan, công sở hay nhà hàng, khách sạn... là rất đáng khuyến khích. Bởi lẽ đây là nét đẹp trong đời sống hàng ngày của người Thủ đô.
Bên cạnh đó, tiêu thụ hoa cũng là một cách thúc đẩy cho mặt hàng này bán chạy, tăng thu nhập cho người nông dân, người buôn bán, vận chuyển...
Dù vậy, để cho nét đẹp văn hóa ấy trở nên trọn vẹn thì mỗi người cũng nên có ý thức, tránh đổ gánh nặng sang người khác. Đồng thời, điều đó cũng khiến cho sở thích, thói quen, phong cách của mỗi người được trọn vẹn trước sau.
![]() |
Chậu quất bị vứt ra đường khi đã héo úa |
Những đóa hoa, loài cây của mùa xuân sau khi tận hiến hương sắc cho đời xứng đáng được "đối xử" một cách tử tế và nhân văn hơn.
Anh Nguyễn Văn Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết vợ mình có thói quen cắm hoa quanh năm. Hầu như tất cả các loại hoa từ bản địa đến nhập khẩu, mùa nào thức nấy, ngày nào trong tuần nhà anh cũng có hoa tươi và cách vài ngày lại có loại hoa mới.
Đặc biệt, vào mùa xuân như thế này vợ anh thích chơi hoa đào và tuyết mai. Bao giờ cũng thế, vợ nhận nhiệm vụ cắm hoa, anh sau khi được thưởng thức hoa đẹp, đến kì thay mới thì tự giác đi dọn dẹp. Với những loài hoa nhỏ thì anh bó gọn, cho vào túi rác cẩn thận. Với những loại hoa dài như tuyết mai, đào chuông, đào cành thì anh cũng chặt nhỏ, lấy dây bó lại. Riêng những cành đào to anh phải sử dụng cưa, cưa thành từng khúc nhỏ, bó lại như bó củi.
"Khi ta gói ghém gọn gàng thì cũng là một cách giảm gánh nặng cho các bác công nhân vệ sinh môi trường. Việc thu gom gác trở nên nhẹ nhàng hơn, không xảy ra cãi vã, xích mích khiến những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày bị "bé xé ra to", anh Công chia sẻ.
Nếp sống văn minh, cư xử văn hóa sẽ càng trở nên có giá trị hơn khi được thực hiện "trước sau như một". Chỉ là chuyện cắm hoa cũng thể hiện chúng ta là người ra sao, vì thế, đừng để những cành hoa cũng phải buồn khi đã nở hết mình để mang lại mùa xuân đậm đà hương sắc cho đời.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hai nghị quyết - một tầm nhìn: Kiến tạo Thủ đô từ chiều sâu văn hóa

Bảo tồn di sản để tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa

"Nguyệt Vũ" - khơi mở cánh cửa tri thức cho trẻ em vùng cao

Giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hóa

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc

Đánh thức sức mạnh mềm, kiến tạo trung tâm công nghiệp văn hóa

Ý chí và niềm tin quyết thắng của người Hà Nội

Mùa loa kèn gọi nắng hè về

Hướng về cội nguồn, khắc sâu hai chữ "đồng bào"
