Góp phần “chặn đứng” đại dịch Covid-19 với mũ cách ly di động Vihelm
Những ưu điểm nổi bật này giúp sản phẩm “Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19 Vihelm” giành được nhiều giải thưởng lớn (1 giải Đặc biệt, 1 huy chương Vàng, 1 giải top 10 thiết kế công nghệ tốt nhất) tại Cuộc thi sáng chế quốc tế ICAN 2020 do Hiệp hội Sáng chế Canada và Mỹ phối hợp tổ chức.
Tuổi trẻ sáng tạo
“Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19 Vihelm” cũng là một trong 37 công trình, giải pháp, sáng kiến được nhận giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn.
Sản phẩm này được sáng tạo bởi 3 bạn trẻ gồm: Đỗ Trọng Minh Đức (học sinh Monvertde Academy, Florida, Mỹ), Trần Nguyễn Khánh An (học sinh trường THCS Chu Văn An, Hà Nội) và Nguyễn Hoàng Phúc (học sinh trường quốc tế Pháp Lfay Hà Nội).
Ý tưởng ra đời “Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19 Vihelm” bắt đầu từ việc Đức và An giải quyết một "đề bài" được các thầy cô hướng dẫn giao cho. Đó là tìm cách làm một mũ lọc không khí có nhiều tính năng tạo được sự tiện nghi và thoải mái để tăng cường năng suất lao động cho người dùng trong bối cảnh có thể dịch Covid-19 còn kéo dài.
Nhóm bạn trẻ với sản phẩm “Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19 Vihelm" |
Bên cạnh đó, sau khi từ nước Mỹ trở về, Đức phải đến cơ sở cách ly tập trung trong 14 ngày. Nhìn hình ảnh bác sĩ với đồ bảo hộ kèm mũ, mặt nạ rất ngột ngạt tạo nên sự mệt mỏi khi phải làm việc liên tục mà lại tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao đã thôi thúc Đức cùng những người bạn lên ý tưởng cho sản phẩm.
Dưới sự hướng dẫn của nhà khoa học trẻ Nguyễn Đình Nam, nhóm của Đức đã bắt tay vào thực hiện đề tài. Trong đó, các bạn trẻ bắt đầu từ việc nghiên cứu nguyên lý hoạt động của loạt mặt nạ đã có là PAPR - mặt nạ lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần khẩu trang N99.
Từ nghiên cứu này, các bạn trẻ nghĩ nhiều hơn về giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại. Đó là những điều khiến mặt nạ PAPR dù có tác dụng rất tốt nhưng ít khi được dùng cho phòng chống dịch bệnh. Luôn ghi nhớ lời thầy là làm khoa học với tâm thế hướng về con người, nhóm bạn trẻ suy nghĩ giải pháp làm ra chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp.
Chiếc mũ được nhóm bạn trẻ dành nhiều tâm huyết thực hiện |
“Chiếc mũ được đặt tên là “Vihelm”, có nghĩa là “mũ chống dịch của Việt Nam”. Trong đó, "Vi" là "Việt Nam" còn "Helm" là "mũ", Đức cho biết.
Góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19
Vihelm là chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc giúp ngăn chặn và không để virus đi xuyên qua trong khi đội. Sản phẩm cũng được thiết kế một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong, do đó không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người dùng.
Chiếc mũ được tạo ra với nhiều tính năng, hai cải tiến mới là gắn hộp găng tay chuyên dụng (Gloves Box) và thiết kế mũ kèm mặt nạ (Mask Hat). Việc gắn găng tay trên mũ giúp người dùng tương tác tốt với các bộ phận trên mặt như gãi mặt, dụi mắt hay thậm chí ăn uống mà vẫn mà không cần bỏ mũ.
Vihelm giúp người dùng thoải mái trong nhiều giờ làm việc |
Mũ còn có khay đựng thức ăn, đồ uống. Người dùng có thể chuẩn bị sẵn những phần ăn nhẹ và nhanh chóng nạp năng lượng để có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Bộ lọc không khí, duy trì áp suất giúp người dùng có thể làm việc thoải mái nhất trong thời gian dài mà không cần cởi bỏ mũ bảo hộ, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Ngoài ra, chiếc mũ còn có lỗ nhỏ trên đỉnh đầu. Một cải tiến nhỏ nhưng thể hiện sự thấu hiểu của nhóm bạn trẻ với vấn đề người dùng có thể gặp phải khi đội mũ bảo hộ trong thời gian dài làm việc, đó là không thể gãi ngứa.
“Vihelm áp dụng cấu trúc ưu việt của PAPR, áp dụng 1 sáng chế là gắn thêm găng tay đặc biệt ở đáy mũ. Khi người dùng xỏ tay vào găng từ phía ngoài thì đường hô hấp vẫn giữ cách ly với môi trường bên ngoài nhưng tay lại nằm gọn bên trong mũ để có thể gãi mặt, dụi mắt, ăn uống thoải mái, đem lại sự tiện lợi cao nhất. Vì thế chiếc mũ giúp loại bỏ các nhược điểm truyền thống của PAPR”, Đức giải thích thêm.
Người dùng hoàn toàn có thể thoải mái đội mũ trong suốt 1 ca làm việc 4 tiếng mà không lo ngứa hay nóng. Thậm chí, họ có thể ăn uống các thức ăn chứa trong mũ để có thể làm việc cả ngày trong trạng thái dễ chịu.
Sự ra đời của Vihelm cho phép xã hội tiến hành “cách ly di động” - tức là xã hội đạt được độ an toàn và khả năng dập dịch như cách ly tập trung nhưng lại không làm gián đoạn công việc hàng ngày của người cần cách ly.
Cận cảnh mũ cách ly di động Vihelm |
Cụ thể là người cần cách ly đội mũ Vihelm vào là có thể đi khắp nơi làm việc như bình thường với nguy cơ lây giảm tới 99,9%. Việc “cách ly di động” sẽ giúp người dân đi lại giữa các nước mà không phải chờ 14 ngày cách ly tập trung và giúp dập dịch hoàn toàn mà không cần khóa chặt xã hội (lockdown).
Khi đó, các nền kinh tế có thể hoạt động cởi mở hơn trong trạng thái bình thường mới mà hệ số lây nhiễm của Covid-19 sẽ giảm xuống dưới 1, tức là dịch sẽ giảm dần rồi biến mất.
Hiện nay, sáng chế “mũ cách ly di động” đã được các nhà sáng chế trẻ đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận. Các nhà sáng chế trẻ cũng đang tiến hành đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ thế giới theo luật pháp quốc tế và sự hướng dẫn của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.
Đặc biệt, những bạn trẻ này đã chủ động kết nối với Tập đoàn VinGroup và được hỗ trợ, đánh giá kỹ thuật cũng như tư vấn, giúp đỡ. Vihelm cũng đã nhận được sự quan tâm, cho ý kiến đánh giá từ các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Vinmec và chuyên gia của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nhóm bạn trẻ hy vọng, chiếc mũ sẽ sớm được sản xuất số lượng lớn, ứng dụng trong thực tế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đẩy lùi dịch Covid-19.