Hà Nội sẵn sàng các phương án phòng chống ngập úng khi mưa lớn
Hà Nội: Nhiều tuyến đường ngập sâu do mưa lớn Từ ngày 25/7, mưa lớn ở Tây Bắc Bộ giảm dần Nhiều khu vực có mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa lớn, đề phòng lũ quét |
Gia tăng nguy cơ úng ngập
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mưa dông khiến nhiều nơi rơi vào cảnh ngập úng nặng, gây khó khăn cho giao thông và sinh hoạt của người dân. Theo dự báo, từ chiều tối 29 đến ngày 31/7, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục mưa to, gia tăng nguy cơ úng ngập khu vực nội thành, kéo dài thời gian úng ngập khu dân cư vùng ven sông Tích, sông Bùi.
Cụ thể, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh nên từ chiều tối 29 đến đêm 30/7, thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; ngày 31/7 mưa rào rải rác; tổng lượng mưa 40-70mm, có nơi cao hơn 100mm. Từ đêm 31/7 đến ngày 1/8, thành phố Hà Nội mưa rào rải rác và dông vài nơi, lượng mưa phổ biến 5-10mm.
Về thủy văn, mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống, đoạn chảy qua thành phố Hà Nội… có xu hướng giảm chậm do các nhà máy thủy điện Sơn La, Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồi 11h và 13h ngày 29/7.
Mực nước các sông Bùi, Tích, đoạn chảy qua các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai biến đổi chậm và đang ở mức cao, vượt báo động lũ cấp III.
Miền Bắc đang bước vào cao điểm mùa mưa, nguy cơ xảy ra ngập úng tại Hà Nội có thể xuất hiện thường xuyên hơn |
Dự báo 13h ngày mai (30/7), mực nước sông Bùi ở mức 7,34m (vượt báo động lũ cấp III là 0,34m); sông Tích ở mức 8,3m (vượt báo động lũ cấp III là 0,3m)...
Mực nước sông Nhuệ cũng đang ở mức cao, tăng nguy cơ ngập lụt dân cư, đường phố các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Thanh Trì…
Cơ quan trên cảnh báo, lũ trên các sông đang ở mức cao, gây ngập lụt sâu, kéo dài thời gian ở vùng ven sông, trũng thấp diện rộng, gia tăng nguy cơ mất an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi, thiệt hại sản xuất nông nghiệp…
Mặc dù các tổ chức thủy lợi thành phố Hà Nội tiếp tục vận hành tối đa hệ thống tiêu úng nhưng tốc độ lưu thoát của hạ du sông Đáy rất chậm, lượng nước thượng nguồn và trong khu dân cư đổ về lớn nên ngày 29/7, huyện Chương Mỹ còn 1.556ha sản xuất nông nghiệp bị úng ngập, huyện Thanh Oai còn 1.550ha, huyện Quốc Oai 442ha, huyện Thạch Thất 293ha, huyện Mỹ Đức 147ha…
Để tăng hiệu quả tiêu thoát nước cho khu vực ngoại thành, giảm nguy cơ úng ngập khu vực nội thành thuộc lưu vực sông Nhuệ, ngày 29/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội vận hành Trạm bơm Yên Sở, đập Thanh Liệt tiêu hỗ trợ cho lưu vực sông Nhuệ.
Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ vận hành tối đa các trạm bơm tiêu: Yên Nghĩa, Vân Đình, Ngoại Độ, Khai Thái ra sông Đáy, sông Hồng để hạ thấp mực nước sông Nhuệ. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy vận hành tối đa các trạm bơm: Đào Nguyên, Phương Bảng, Tiên Tân tiêu cho lưu vực các huyện Đan Phượng, Hoài Đức ra sông Đáy, hạn chế tối đa tiêu ra sông Nhuệ…
Cần đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo quy hoạch
KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, tình trạng ngập úng trên là do lượng mưa quá lớn. Thứ hai là do hệ thống thoát nước mưa của khu vực hiện chưa giải quyết được cuối nguồn, tức là chưa liên kết được hạ tầng thoát nước của các khu đô thị này với trục thoát nước chính bên ngoài. Bởi bản thân hệ thống thoát nước trục chính bên ngoài các khu đô thị này cũng chưa lắp đặt trạm bơm cuối nguồn nên không thoát nước kịp thời, dẫn tới tình trạng mưa lớn là ngập sâu.
Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, cốt nền các khu đô thị phía Tây rất cao, hầu hết các khu đô thị mới được cấp phép tại Hà Nội quy hoạch theo cốt nền mới, chia theo 4 vùng thoát nước đô thị. Riêng đối với nút giao giữa đường Lê Trọng Tấn - đại lộ Thăng Long, đây là khu vực có cốt thấp nhất khu vực, nhiều lần bị ngập nên thành phố đã lên phương án xây hầm ngầm và phương án đào thêm hồ điều hòa để thoát nước.
Ngập lụt sâu tại các vùng ven sông Bùi, đoạn huyện Chương Mỹ còn kéo dài trong nhiều ngày tới. Ảnh: Bảo Châu |
Để khắc phục tình trạng ngập úng do mưa lớn tại khu vực phía Tây Hà Nội, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trước mắt đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Thuỷ lợi sông Nhuệ thống nhất quy trình phối hợp trong công tác khống chế mực nước sông Nhuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thoát nước của lưu vực ra sông Nhuệ.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư có công trình, dự án thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, thống nhất phương án dẫn dòng, phối hợp ứng trực, thanh thải, phá đập quây khi có mưa…
Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp trước mắt, về lâu về dài Hà Nội cần đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo quy hoạch như: các trạm bơm Nam Thăng Long 9m3/s, Ba Xã 20m3/s và hệ thống các hồ điều hoà như Cổ Nhuế 1, 2, Phú Đô…để giảm thiểu tình trạng ngập úng cho khu vực này.
Đặc biệt, đối với khu vực Đại lộ Thăng Long, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, để bảo đảm thoát nước cho khu vực này trong giai đoạn trạm bơm Yên Nghĩa chưa thể vận hành đủ công suất thiết kế, đơn vị đề xuất xây dựng các trạm bơm dã chiến như: trạm bơm Đìa Sáo cuối kênh T2-4-2 để hạ thấp mực nước trên kênh; trạm bơm Đồng Tép bơm hạ mực nước kênh Đồng Tép và kênh Trung Thượng trước, trong và sau khi mưa nhằm giảm mức độ úng ngập cũng như thời gian ngập cho khu vực…
Cùng với đó, các đơn vị chức năng cần đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo quy hoạch như: trạm bơm Liên Mạc 170m3/s, Liên Trung 30m3/s, Yên Thái 54m3/s, Đào Nguyên 25m3/s, Cao Viên 60m3/s… cùng với 531ha hồ điều hoà và cụm công trình đầu mối kèm theo và xây dựng hệ thống thoát nước dọc tuyến Đại lộ Thăng Long theo quy hoạch để dẫn nước thoát ra sông Đáy qua trạm bơm Đào Nguyên.
Còn theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, để hoàn thiện hệ thống thoát nước khu vực này, theo Luật Đất đai mới trước hết phải hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm khu vực, qua đó tạo sự liên kết với trục thoát nước chính trong khu vực, xác định vị trí đào hồ điều hòa để thoát nước, tránh ngập úng.