Hà Nội tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
65.467ha lúa, rau hoa màu bị ngập úng, gãy đổ
Thống kê của ngành nông nghiệp Hà Nội cho thấy, mưa bão, dông lốc tại thành phố Hà Nội còn gây thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp với 65.467ha lúa, rau hoa màu, cây ăn quả... bị ngập úng, gãy đổ, dập nát.
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, tính từ ngày 6/ 9 đến 7h sáng 9/9, dông lốc, mưa bão xảy ra trên địa bàn thành phố đã làm 4 người chết, 17 người bị thương.
Bên cạnh đó, dông lốc, mưa bão đã làm 101.721 cây xanh các loại bị gãy đổ, bật gốc, 1.790 cây bị gãy cành. Địa phương có nhiều cây xanh bị gãy đổ, gồm: Huyện Phú Xuyên với 11.346 cây, Chương Mỹ 7.764 cây, Gia Lâm 4.868 cây, Thanh Trì 4.793 cây, Thường Tín 4.328 cây... Dông lốc, mưa bão còn làm 28.607 mái nhà, chuồng trại chăn nuôi lợp tôn bị lật, 476 sự cố về điện, 880 cột điện gãy đổ, 189 ô tô và 13 mô tô bị hư hỏng do cây đổ...
Các chiến sĩ Sư đoàn 371 hỗ trợ người dân xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) buộc, dựng lại lúa. Ảnh: Ngô Huân |
Đặc biệt, mưa lớn và dông bão gây thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp của khu vực ngoại thành. Thống kê của các quận, huyện, thị xã tới 7h sáng nay, Hà Nội có 2.243ha lúa, 2.435ha rau màu, cây ăn quả, cây hàng năm bị ngập; 24.361ha lúa, 36.424ha rau màu, cây ăn quả, cây hàng năm bị ảnh hưởng, đổ, dập nát; 408ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 1.665ha diện tích hoa màu, trong đó lúa 1.208ha bị nghiêng, đổ (không bị úng ngập) tại các xã: Liên Mạc, Thanh Lâm, Tam Đồng, Tiến Thịnh, Tiến Thắng, Tự Lập...
Hiện lực lượng dân quân tự vệ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... hỗ trợ nông dân khắc phục dựng buộc diện tích lúa, cơ bản hoàn thành, bảo đảm lúa tiếp tục sinh trưởng tốt. Đối với 457ha rau màu bị dập nát, các lực lượng tại địa phương giúp đỡ bà con thu hoạch, dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng, tổ chức gieo trồng bổ sung bảo đảm diện tích gieo trồng.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Sơn Tây, tính đến 14h ngày 8/9, có khoảng 104,8ha lúa bị ngập, 265,6ha lúa, cây màu, rau và cây khác bị gãy, đổ; 1 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở xã Xuân Sơn bị ngập, làm chết hơn 8.000 con gà…
Cụ thể, tại xã Xuân Sơn, trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Lê Hồng Minh ở thôn Xóm Bướm bị ngập nặng. Ông Minh cho biết, trang trại có tổng diện tích 3.000m2 với 3 chuồng nuôi 36.000 con gà công nghiệp gần 30 ngày tuổi, chuẩn bị xuất chuồng. Tuy nhiên, mưa bão đã làm cả 3 chuồng bị ngập.
Trong ngày 8/9, đã có 8.600 con gà bị chết do đuối nước, gia đình đã báo cáo chính quyền địa phương, thực hiện chôn tiêu hủy theo quy định trong buổi chiều cùng ngày. Sáng 9/9, nhiều con gà tiếp tục bị chết và yếu, khó cứu sống, ước khoảng 8.000 con.
Nhanh chóng phục hồi sản xuất
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các địa phương và doanh nghiệp công ích thành phố tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện giải tỏa cây xanh gãy đổ để thông đường; tổ chức vệ sinh môi trường...
Trong đó, 4 doanh nghiệp thủy lợi thành phố vận hành 203 trạm bơm với 776 máy, tổng lưu lượng bơm tiêu khoảng 1.349.580 m3/h để tiêu úng diện tích sản xuất nông nghiệp.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội huy động 1.936 người vận hành các trạm bơm: Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Cầu Bươu, Yên Sở... để hạ thấp mực nước các hồ điều hòa phòng, chống ngập lụt đô thị trong những trận mưa sắp tới...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục bão số 3 |
Tại huyện Thanh Trì, theo Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ Trần Quốc Oai, sau khi bão tan, công tác khắc phục được triển khai ngay trên địa bàn, bảo đảm an toàn, sinh hoạt cho người dân. Xã cũng chủ động phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi Thanh Trì tích cực bơm tiêu úng, yêu cầu các đơn vị tiếp tục thống kê thiệt hại, báo cáo cấp trên để thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai theo quy định.
Để khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn, Xí nghiệp thủy lợi Gia Lâm vận hành 32 máy bơm phục vụ việc tiêu thoát nước, công suất 70.000m3/h… Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, huyện cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương xử lý các sự cố về điện trên địa bàn, cung cấp điện cho Nhân dân và chạy các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước.
Đồng thời xử lý, khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp, các tài sản bị hư hỏng do mưa bão gây ra; chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm, Xí nghiệp Thoát nước số 5 phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp vận hành các trạm bơm, bảo đảm việc tiêu thoát nước khu dân cư, tiêu úng tại các vùng sản xuất nông nghiệp.
Tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngay sau khi cơn bão tan, Nhân dân các địa phương đã xuống đồng nhanh chóng dựng lại diện tích lúa bị đổ, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng cho cây nhanh chóng phục hồi; chỉ đạo tiêu nước đệm giảm nguy cơ ngập úng khi có mưa lớn.