Hưng Yên: Nỗ lực “kiến tạo” việc làm cho người lao động
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên đã giải quyết việc làm cho hơn 6.000 người
Bài liên quan
Xu hướng học nghề tăng nhanh ở người trẻ
Lo ngại nguy cơ tổn thất việc làm trên quy mô lớn
Cơ hội thuận lợi dành cho người lao động
Đà Nẵng: Nhiều cơ hội việc làm cho những người trẻ
“Skills for Future” truyền cảm hứng công nghệ thông tin cho giáo viên và học sinh
Đẩy mạnh liên kết tuyển dụng lao động giữa các Trung tâm Dịch vụ việc làm
Tỉnh Hưng Yên xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động là tiêu chí quan trọng trong công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai tích cực.
Thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của người lao động. Đến nay, khi dịch bệnh đã dần được đẩy lùi, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất thì vấn đề đặt ra là phải giải quyết việc làm, đảm bảo số lượng lao động cung ứng trở lại cho thị trường lao động.
Theo báo cáo của Phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên), tính từ đầu năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai, thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra nhưng đến nay toàn tỉnh này cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 6.000 người.
Trong đó, vị trí việc làm tập trung ở nhóm doanh nghiệp dệt may, điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm. Nhiều lao động được tuyển dụng theo hình thức liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên chất lượng nhân lực tốt, thu nhập, chế độ, chính sách đối với người lao động được bảo đảm.
Ông Đặng Văn Diên - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tỉnh Hưng Yên đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối tượng lao động nông thôn, thanh niên. Trong đó, để cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, tỉnh này đã thực hiện kế hoạch liên kết lao động với các tỉnh khác để tuyển dụng lao động.
Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức phiên giao dịch việc làm nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đặc biệt là việc tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên mới ra trường qua hình thức đến trực tiếp các trường cao đẳng trong tỉnh để gặp gỡ, tư vấn, trao đổi thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời định hướng việc làm cho sinh viên mới ra trường.
Tỉnh Hưng Yên cũng rất chú trọng đến việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp |
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cũng thực hiện các chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm đối với nhiều đối tượng lao động yếu thế, lao động khu vực nông thôn để họ có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
Được biết, trong năm 2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Hưng Yên đã giúp cho 1.755 dự án được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, qua đó có 2,4 nghìn lao động được tạo việc làm ổn định. Hầu hết các dự án vay vốn được đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống và kinh doanh tổng hợp.
Bên cạnh cho vay hỗ trợ tạo việc làm, tổ chức phiên giao dịch giới thiệu việc làm, tỉnh Hưng Yên cũng rất chú trọng đến việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Trong đó trọng tâm hướng đến việc đào tạo nghề cho đối tượng lao động nông thôn, học sinh, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hoàng Nguyễn Hưng - Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Cụ thể, tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh Hưng Yên đã tuyển sinh, đào tạo được khoảng 21.500 lao động, đạt 82,7% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó trình độ cao đẳng khoảng 500 lao động, trình độ trung cấp khoảng 1.200 lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 87%.
Đồng thời, tỉnh Hưng Yên cũng đã triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho các nhóm đối tượng đặc thù gồm: 300 người là lao động nông thôn; 80 người là bộ đội xuất ngũ; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho khoảng 200 lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ vừa; và đang thực hiện cấp bù học phí cho trên 5.700 người theo quy định tại Nghị định 86/NĐ-CP (bằng nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương).
Đánh giá vấn đề đào tạo nghề rất quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, ông Hưng cho rằng, trong thời gian tới cần xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thu hút mọi nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tự đào tạo nghề cho người lao động và phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong liên kết đào tạo và giới thiệu việc làm.
Bên cạnh đó, cần gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã trong các hoạt động đào tạo nghề; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đào tạo nghề phải theo nhu cầu sử dụng, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động trong doanh nghiệp để duy trì, phát triển sản xuất.
Ngoài ra cũng cần nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Dịch vụ việc làm, tăng số phiên “Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm"; tổ chức cho người có nhu cầu học nghề được tham quan, trải nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đặc biệt, ông Hưng cũng cho rằng cần có chính sách đãi ngộ đối với giáo viên và người làm công tác dạy nghề; chính sách thu hút học sinh vào học nghề, nhất là các nghề đột phá, mũi nhọn, có kỹ thuật, công nghệ cao, nặng nhọc độc hại; chính sách hỗ trợ học phí; khuyến khích doanh nghiệp mở cơ sở đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là chính sách đất đai đối với cơ sở đào tạo nghề.
"Công tác đào tạo nghề rất quan trọng, đảm bảo cho mọi người có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc đều có cơ hội tìm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng; đồng thời cũng nâng cao chất lượng và đời sống của người lao động'', ông Hưng nhấn mạnh.