Kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên
Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên và diện các hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã...
Diễn đàn nông sản 970 với chủ đề kết nối tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP các tỉnh Tây Nguyên thực sự là cầu nối để các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, người nông dân có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ các rào cản vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức quản lý, sản xuất, phân phối tiêu thụ nông sản của khu vực trong tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.
Toàn cảnh Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 |
Diễn đàn còn nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước; Tránh bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, thông qua diễn đàn cũng góp phần tuyên truyền quảng bá giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP của các tỉnh Tây Nguyên, đóng góp vào việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, là địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (diện tích 60.000ha), hiện tỉnh có 175 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ (có hợp đồng liên kết lâu dài).
Các đại biểu tham dự Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên |
Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản được quan tâm, hiện có 22 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. Đến tháng 9/2021 tỉnh có 131 sản phẩm OCOP (5 sao 7 sản phẩm, 4 sao 66 sản phẩm, 3 sao: 58 sản phẩm).
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ nông sản, người sản xuất có sản phẩm không tiêu thụ được, còn người tiêu dùng nhất là người tiêu dùng tại các thành phố lớn thì không có sản phẩm để mua hoặc phải mua với giá cả quá cao. Trước tình hình đó, Lâm Đồng cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tiêu thụ nông sản, qua đó đã phần nào tháo gỡ được những khó khăn cho dân nhân và doanh nghiệp trong một số lĩnh vực.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nhiều sản phẩm như rau, hoa, trái cây và các sản phẩm đặc sản... không thể tiêu thụ, thậm chí phải hủy bỏ, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, cũng như sản xuất của doanh nghiệp.
Tây Nguyên có nhiều loại cây đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao |
Qua diễn đàn, tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, Tổ Công tác 970 tiếp tục quan tâm hỗ trợ Lâm Đồng đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản với thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như kết nối phục vụ hỗ trợ xuất khẩu.
Báo cáo tại diễn đàn, đại diện các địa phương cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, các địa phương sẽ vào vụ thu hoạch lượng lớn nông sản, do đó cần có phương thức tiêu thụ hiệu quả. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có 525.000 tấn cà phê, 1,1 triệu tấn rau củ, 1 tỷ cành hoa, 32.000 tấn sầu tiêng và bơ cần thiêu thụ. Tỉnh Đắc Lắc hiện có 20.000 tấn bơ, 100.000 tấn sầu riêng đang bị ứ đọng cần tiêu thụ gấp. Tỉnh Gia Lai trong 3 tháng tới sẽ thu hoạch hàng loạt loại rau, củ như sầu riêng, bơ, mít, nhãn… với sản lượng lên tới hàng trăm ngàn tấn cần nơi thiêu thụ.
Cây cà phê là một trong những cây có giá trị kinh tế cao của các tỉnh Tây Nguyên |
Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai với chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về việc bao tiêu sản phẩm.
Nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị: “Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối nông sản, đưa các hoạt động đi vào thực chất. Cần tiếp tục đưa Diễn đàn kết nối thành "chợ phiên" thường xuyên của nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà sản xuất.
Đặc biệt, vấn đề vùng nguyên liệu rất quan trọng và cần được quan tâm nhiều hơn. Các địa phương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên cần rà soát lại các vùng nguyên liệu để xây dựng những chuỗi mô hình liên kết gắn với hoạt động của hợp tác xã, qua đó đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Không để tồn tại mâu thuẫn là địa phương nói còn hàng rất nhiều nhưng doanh nghiệp lại kêu thiếu nguyên liệu sản xuất”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam (bên trái) tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh |
Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập từ giữa tháng 7/2021 do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Tổ trưởng. Tính đến ngày 19/9/2021, Tổ công tác 970 đã xây dựng được 1.500 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thuỷ sản, rau củ quả, các sản phẩm chế biến tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tổ công tác 970 đã giúp cho nhiều địa phương trong cả nước đảm bảo việc cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân, kết nối giữa các nhà sản xuất với các doanh nghiệp, đầu mối thu mua nông sản, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, tổ sản xuất tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.