Khám phá thành Cổ Loa cổ kính
Vì sao Sơn Tây được chọn là thành phố di sản của Thủ đô? Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa trước yêu cầu của thời đại “Mùa thu vàng” - liveshow âm nhạc đặc biệt nhân ngày Nhà giáo |
Thành Cổ Loa không chỉ gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, như vua An Dương Vương định đô, chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc hay mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thủy… mà còn là điểm tham quan, du lịch độc đáo của Thủ đô Hà Nội.
Đền Thục An Dương Vương được xây dựng năm 1687, đời vua Lê Hy Tông, sửa lại năm 1689, thường gọi là đền Thượng |
Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, di tích lịch sử Cổ Loa rộng khoảng 500ha, được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó), nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Theo truyền thuyết, Thục An Dương Vương ngày ấy đã xây thành nhiều lần nhưng đều sụp đổ. Cho đến khi thần Kim Quy xuất hiện và đi quanh nhiều vòng dưới chân thành. Lúc này, vua An Dương Vương đã cho xây thành theo dấu chân rùa vàng. Từ đó thành xây không đổ nữa.
Sơ đồ thành Cổ Loa với những vòng thành kiên cố |
Thành Cổ Loa là công trình xây dựng với quy mô độc đáo của nước Âu Lạc. Nơi đây từng là hệ thống phòng ngự vững chắc và lực lượng binh sĩ hùng mạnh.
Thành có chín vòng hình xoáy trôn ốc nên người dân thành xưa còn gọi là thành Ốc. Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh nên hiện tại thành chỉ còn ba vòng với những dấu tích xưa, đó là thành nội, thành trung và thành ngoại.
Hình ảnh thành Cổ Loa năm xưa qua một đoạn tường thành còn sót lại. |
Thành ngoại có chu vi khoảng 8km, được xây dựng theo phương pháp đào đất tới đâu khoét hào tới đó, đắp thành, xây lũy liền kề. Các lũy xưa cao từ 4 - 5m đặc biệt có chỗ cao từ 8 - 12m.
Thành trung có chu vi khoảng 6,5km, cũng có kết cấu như thành ngoại nhưng diện tích hẹp và kiên cố hơn.
Thành nội có diện tích khoảng 2km vuông, là nơi ở của vua An Dương Vương cùng các cung tần, mỹ nữ và quan lại dưới triều.
Nét kiến trúc cổ kính trong khu di tích Cổ Loa |
Đền thờ An Dương Vương hay còn gọi là đền Thượng, nằm ở trung tâm thành nội. Vị trí đền nằm trên một gò đất hình đầu rồng, hai bên là hai cánh rừng, phía dưới còn có hai hố tròn là mắt rồng.
Ngay trước đền Thượng là một hồ nước lớn, bên trong có giếng Ngọc - nơi mà Trọng Thủy đã gieo mình tự vẫn trong câu chuyện truyền thuyết. Nước trong giếng Ngọc nếu nhìn từ xa sẽ thấy màu hơi đỏ ngầu, nổi bật giữa màu nước hồ trong xanh và cây cối mát mẻ.
Giếng Ngọc nằm giữa hồ Bán Nguyệt và ngay cửa đền vua An Dương Vương |
Trong đền còn giữ lại một số di vật như tượng An Dương Vương bằng đồng, hai con ngựa Hồng - Bạch, các món đồ bằng đồng, sứ, gỗ, vải… Trước cổng có 2 con rồng đá với thân uốn lượn, tay vuốt râu được chạm khắc vô cùng tinh tế mang đậm lối kiến trúc của thời Lê.
Nằm ngay sau cây đa nghìn tuổi tỏa bóng mát cả một vùng sân rộng, gốc đa rẽ đôi thành chiếc cửa tò vò mở lối đi vào Am Bà Chú. Nơi đây có một bức tượng gọi là tượng Mỵ Châu - một tảng đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu nên được dân làng gọi là mộ Mỵ Châu.
Am Mỵ Châu |
Huyền thoại kể rằng, sau khi gieo mình xuống biển tự vẫn, Mỵ Châu hóa thành hòn đá to rồi trôi dạt về bãi Đường Cấm ở phía Đông thành Cổ Loa. Dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống bèn lập am thờ ngay tại chỗ.
Năm 1962, Cổ Loa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Nhà nước. Nó có đầy đủ các loại hình di tích: Đình, đền, chùa, am, miếu. Trong đó hàm chứa biết bao giá trị văn hóa Việt Nam qua bao thế hệ.
Tượng tướng Cao Lỗ, vị tướng giỏi dưới thời vua Thục Phán, người sáng tạo ra nỏ Liên Châu (một loại nỏ bắt được nhiều mũi tên cùng lúc) |
Hằng năm vào ngày 6 tháng Giêng Âm lịch, người dân Cổ Loa tổ chức một lễ hội trang trọng để tưởng nhớ những người đã có công xây thành, nhất là để ghi ơn An Dương Vương, người khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc.