Khi người dân cùng “bám chốt”
Các lực lượng giữ chốt kiểm soát dịch số 14 (đường Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, cao tốc Láng - Hoà Lạc) gồm công an, bộ đội, đội ngũ y tế, tư pháp... Chốt được lập từ những ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Có lúc trời nắng nóng bức, có lúc mưa như trút nước nhưng lực lượng chống dịch vẫn "bám chốt" suốt ngày đêm, không để người dân tự do ra vào TP.
Lực lượng chức năng trực chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Thạch Thất |
Để san sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng tuyến đầu, những ngày qua tại điểm chốt này đã ghi nhận nhiều hành động “đẹp” của người dân, tiếp thêm tinh thần cho đội ngũ chống dịch.
Hằng ngày, anh Nguyễn Văn Tám (ở thôn Dân Lập, Yên Bình, Thạch Thất) thường xuyên kéo vòi nước sạch, phun ướt đẫm mặt đường để giảm bớt sự khắc nghiệt của thời tiết, giúp cán bộ chiến sĩ ở chốt kiểm soát dịch số 14 bớt oi nóng.
Hằng ngày anh Nguyễn Văn Tám đều làm công việc quen thuộc này để lực lượng trực chốt bớt oi nóng |
Động tác thuần thục, nhanh chóng, anh Tám vừa phun nước tưới xung quanh khu vực chốt, vừa chia sẻ: "Nhà tôi ở ngay khu vực đặt chốt kiểm soát dịch. Hằng ngày thấy lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ phải chịu nắng nóng, có lúc lên đến 40 độ C mà phải đứng giữa đường để kiểm soát phương tiện ra – vào rất vất vả, nên tôi không suy nghĩ gì cả, lấy nước tưới đường và khu vực xung quanh để giảm nhiệt độ. Hôm nay còn đỡ chứ có đợt nắng nóng lắm, anh em thật sự vất vả".
Việc làm này đã trở nên thường xuyên từ đầu đợt giãn cách. Hôm nào anh Tám bận thì vợ, con làm thay. Theo anh Tám, một ngày nắng nóng phải tưới đường 2 – 3 lần; có lúc nhiệt độ đỉnh điểm, phải tưới nước thường xuyên, không để mặt đường khô, hấp thụ nhiệt. Anh cũng cho rằng, ai thấy lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống dịch cũng sẽ làm như vậy, bởi đây là vì việc chung. Anh chị em ở chốt có đảm bảo sức khoẻ, thì công việc mới hoàn thành tốt được.
Anh Hùng (áo đen) nhường cả cửa hàng kinh doanh sữa cho lực lượng trực chốt chống dịch |
Còn anh Đặng Văn Hùng, chủ cửa hàng sữa (ở thôn Dân Lập, Yên Bình, Thạch Thất) thì nhường cả cửa hàng kinh doanh, cũng là nơi ở trước giãn cách của 4 thành viên trong gia đình, để cho cán bộ trực chốt có chỗ sinh hoạt khi làm nhiệm vụ. Anh Hùng chia sẻ: "Thực ra là ngay từ làn sóng Covid-19 đầu tiên gia đình tôi đã ủng hộ công việc lập chốt để phòng, chống dịch ở cửa ngõ TP. Trong lúc dịch bệnh phức tạp, mình được góp một chút công sức để ủng hộ các anh đảm bảo sức khoẻ, công tác tốt, sớm hết dịch thì người dân cũng sớm được đi lại, buôn bán bình thường. Bán hàng thì cả năm cả đời, ai cũng thích được bán, có ai muốn đóng cửa đâu nhưng mở ra thì người ra người vào rất phức tạp, chi bằng để lực lượng chức năng có chỗ nghỉ ngơi yên tâm công tác, sớm dập được dịch bệnh".
Anh Tuân sẵn sàng hỗ trợ lực lượng chức năng khi cần |
Anh Nguyễn Hữu Tuân (thôn Dân Lập, Yên Bình, Thạch Thất) cũng không ngoại lệ: "Thấy anh chị em trên chốt vất vả nên chúng tôi nhường nhà, quạt, điện, nước để góp phần bảo đảm sức khoẻ. Thường thì anh chị em cần hỗ trợ gì trong khả năng, chúng tôi đều cố gắng giúp hết sức.
Anh em làm ở đây chúng tôi thấy rất yên tâm. Chúng tôi ủng hộ chủ trương của TP, lực lượng chức năng thành lập các chốt kiểm soát để đảm bảo an toàn cho chính chúng tôi và mọi người dân khác, để sớm dập dịch bệnh, sớm trở lại cuộc sống bình thường".
Thiếu tá Phạm Văn Luyến, thay mặt chốt ghi nhận sự đóng góp và tình cảm của người dân với lực lượng chức năng |
Thiếu tá Phạm Văn Luyến, Đội phó Đội CSGT số 11, chốt trưởng chốt kiểm soát dịch số 14 chia sẻ: "Trong dịch bệnh mới hiểu hết được tình cảm của người dân đối với lực lượng chức năng. Chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng trước tình đoàn kết quân dân trong thời điểm khó khăn này. Cán bộ chiến sĩ trực chốt luôn ghi nhận sự giúp đỡ nhiệt tình của những người dân như anh Tám, anh Hùng, anh Tuân hay những nhà hảo tâm khác đối với anh chị em nơi đây. Vì thế, dù công việc có phải chịu nắng mưa, không có thời gian về với gia đình, nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao do tiếp xúc gần với nhiều tài xế đến từ nhiều vùng khác nhau… nhưng anh chị em vẫn quyết tâm “bám chốt”, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công để không phụ lòng tin của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và người dân Hà Nội".
Lực lượng y tế đo nhiệt độ và hướng dẫn người dân điền thông tin vào tờ khai y tế |
Cũng như lực lượng cảnh sát giao thông, ngoài đảm bảo những quy định chung, lực lượng y tế, tư pháp phối hợp với lực lượng quân đội, công an, thanh tra giao thông… khi trực chốt phải đảm bảo phương châm mềm mỏng để tuyên truyền cho lái xe hiểu và có ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phải giữ tuyệt đối an toàn cho mình và những người xung quanh. Với họ khi đảm bảo 5K và các nguyên tắc phòng dịch thì dù có đối mặt với nhiều nguy cơ khi thực hiện nhiệm vụ cũng không lo ngại; tất cả cùng nỗ lực vì sự bình yên của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.
Xe có mã QR Code sẽ được qua chốt nhanh chóng sau vài giây mã quét hiện "còn hiệu lực" |
Theo ghi nhận của phóng viên, lưu lượng người và phương tiện lưu thông qua chốt kiểm soát số 14 đã ít hơn những ngày đâu do chỉ đạo siết chặt hoạt động phòng, chống dịch, nhất là hoạt động di chuyển ra - vào TP. Mỗi ngày, tại chốt kiểm soát dịch số 14, lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn dừng, kiểm soát hàng nghìn phương tiện giao thông; đo thân nhiệt, khai báo y tế các tài xế và người đi cùng.
Phương tiện và người qua chốt được kiểm tra kỹ các giấy tờ liên quan |
Với khối lượng công việc như vậy, trong điều kiện nắng nóng gay gắt rồi lại bất chợt có những cơn giông trắng trời, các cán bộ, chiến sĩ vẫn phải đảm bảo sức khoẻ, phân công ca kíp làm việc ngày đêm để kiểm soát người, phương tiện.
Một ngày làm việc của lực lượng "bám chốt" chỉ kết thúc khi...thay ca |
Lúc chúng tôi làm việc, ghi hình xong ở chốt kiểm soát dịch số 14 cũng là lúc trời đã về chiều, đang nắng nóng chuyển sang cơn mưa giông. Thế mới thấy được sự giúp đỡ, ủng hộ của người dân ở những nơi cán bộ, chiến sĩ quan trọng và thiết thực đến chừng nào!