Kon Tum: Cần cơ chế đặc thù phát triển du lịch sinh thái
Trang sử hào hùng, bất khuất của quân và dân Đăk Glei Kon Tum: Công nhận làng du lịch cộng đồng Đăk Răng Kon Tum: Công nhận xã Đăk Ang đạt chuẩn Nông thôn mới |
Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum phát biểu tại chương trình bàn giải pháp kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn tỉnh (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Tại chương trình, bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã tổ chức khảo sát, thống kê và đánh giá hiện trạng toàn bộ các khu, điểm du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố làm cơ sở cho việc tham mưu ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, các điểm đến như: Rừng đặc dụng Đăk Uy, điểm du lịch lòng hồ Yaly, điểm du lịch lòng hồ PleiKrrôn, điểm du lịch suối nước nóng Đăk Tô... đã và đang được quy hoạch chi tiết, từng bước đưa vào đầu tư đạt hiệu quả.
Đại diện Công ty lữ hành Hải Vân Kon Tum kiến nghị tỉnh Kon Tum tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính trong quá trình đưa khách tham quan tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Theo đánh giá, du lịch trên địa bàn tỉnh đã có những thuận lợi về tiềm năng du lịch về bảo tồn những di sản và giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá từng bước được đa dạng hóa, các loại hình ấn phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên tuyền, quảng bá, xúc tiến du lịch ngày càng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của du khách.
Tuy vậy, du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, chất lượng cơ sở lưu trú du lịch vẫn còn nhiều hạn chế; chưa tổ chức xúc tiến, quảng bá sâu rộng hình ảnh, sản phẩm du lịch Kon Tum đến thị trường quốc tế; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp với sản phẩm du lịch của các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên; chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn khiêm tốn, tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo nghiệp vụ du lịch chiếm khoảng 65%; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh còn ít và quy mô nhỏ...
Tại chương trình, bà Võ Thị Bích Thảo, Phó Giám đốc Công ty du lịch quốc tế Hải Vân Kon Tum đã chia sẻ một số hạn chế, khó khăn trong việc phát triển du lịch của tỉnh. Cụ thể, quá trình đưa khách tham quan Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và xuất cảnh sang nước bạn Lào rất khó khăn về thủ tục hành chính. Việc này đã gây ra sự phiền toái, khó chịu cho du khách”.
Bên cạnh đó, các điểm du lịch tại khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen còn hạn chế về cơ sở vật chất. Vào thời gian cao điểm, có tình trạng “cháy phòng”, không đáp ứng được hết nhu cầu của du khách trong quá trình tham quan, nghỉ dưỡng.
Đại diện điểm du lịch Kon Long Loi (huyện Đăk Hà) chia sẻ: “Quá trình triển khai điểm du lịch cộng đồng chưa được địa phương đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, đường sá đi vào điểm du lịch. Cùng với đó, các đơn vị cũng chưa được tham gia học hỏi các kiến thức du lịch đối với người đồng bào dân tộc thiểu số”.
Thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển du lịch; nghiên cứu xây dựng cơ chế nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch du lịch, nghiên cứu mời gọi các đơn vị tư vấn có uy tín trong nước và nước ngoài về tỉnh làm công tác quy hoạch du lịch Kon Tum; quản lý chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai quy hoạch các khu du lịch quan trọng đã đề ra trong Nghị quyết, bảo đảm chất lượng, đúng quy hoạch. Các khu, điểm du lịch đã có quy hoạch thì cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; kết nối các tour du lịch và thị trường khách du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU, trong đó, kết nối tour du lịch và thị trường khách du lịch theo hướng coi trọng khai thác khách du lịch nội địa; từng bước đẩy mạnh khai thác thị trường khách quốc tế trong khu vực ASEAN và thị trường khách Châu Âu, Đông Nam Á...
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát công tác phát triển du lịch, xử lý nghiêm các hình vi vi phạm; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp và Nhân dân tham gia phát triển du lịch của tỉnh theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề đề kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 18/5/2024), tổng lượng khách đến Kon Tum đạt 1.445.000 lượt người (trong đó khách quốc tế đạt 3.150 lượt người); tổng doanh thu đạt khoảng 370 tỷ đồng (gồm lưu trú, nhà hàng, các điểm du lịch, các cơ sở mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, lữ hành); công suất phòng đạt 65%. |