Lắng sâu truyền thống, ngời sáng tương lai
5 cửa ô đón mừng…
70 năm kể từ ngày “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về / Cả cuộc đời tươi vui về đây”. Kí ức huy hoàng, rộn rã của “Khi đoàn quân Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần / Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về Hà Nội bừng Tiến quân ca” (Tiến về Hà Nội - Văn Cao) còn lại mãi trong những thước phim, các tác phẩm văn học nghệ thuật và cả trong trái tim những người yêu chuộng hòa bình.
Lịch sử sẽ không bao giờ quên hình ảnh những người lính áo trấn thủ còn vương bụi đường từ năm cửa ô mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Thủ đô Hà Nội. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng”.
Đại đoàn 308 - Quân Tiên phong tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954 (Ảnh tư liệu) |
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, bấy giờ là Trưởng phòng Chính trị Đại đoàn 308 từng kể rằng, 5 giờ sáng, lệnh giới nghiêm vừa hết, cả Hà Nội náo nhiệt hẳn lên. Nhà nhà mở cửa đón chào ngày mới: Ngày giải phóng Thủ đô.
8 giờ sáng, các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo trở về giữa biển người một rừng cờ hoa nhưng rất trật tự, hân hoan, toát lên niềm vui mừng vô hạn của khúc khải hoàn sau 9 năm gian khổ.
Hai mươi vạn Nhân dân Hà Nội quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ xuống đường đón mừng chính quyền và quân đội cách mạng. Tiếng trống, tiếng pháo, tiếng hoan hô vang dậy khắp phố phường. Ảnh Bác Hồ được treo ở những nơi trang trọng nhất trong thành phố. Các cửa hàng, cửa hiệu được người dân trang hoàng lộng lẫy. Nhà nào cũng treo cờ, chăng đèn, kết hoa. Phố nào cũng có một hai cổng chào và khẩu hiệu.
Hình ảnh đoàn quân đội của Nhân dân hùng mạnh mà vô cùng gần gũi đã đẹp, hình ảnh người Hà Nội chào đón những chiến sĩ như tất cả đều là người thân yêu của mình trở về sau lâu ngày xa cách cũng tiệp vào khung cảnh ấy nét đẹp không lẫn vào đâu được của người Hà Nội.
Những bà mẹ ngóng chờ tin con trở về, dù trong lòng khắc khoải lo âu nhưng nhìn thấy bóng dáng con trai mình trong những người chiến sĩ đang bước đi như sóng kia. “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt / Xốn xang mẹ thầm gọi các con / Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ / Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn” (Cảm xúc tháng mười - Nguyễn Thành).
Trong khúc khải hoàn, trong niềm vui chung của toàn dân tộc, tình riêng đã được nâng lên thành tình cảm nước non, chính bởi vậy, sự rộn ràng ấy vẫn chứa đựng cả những khoảnh khắc đầy sâu lắng, bồi hồi, rất nhân văn của người Hà Nội.
Những bó hoa trao nhận nhịp nhàng khi cả phố phường vẫn đang rộn bước quân hành. Những tiếng cười nói, những cái vẫy tay thắm thiết và tất cả những nét mặt hân hoan bừng sáng của một ngày về chiến thắng mãi mãi là khoảnh khắc đi vào lịch sử khiến người Hà Nội nghìn năm sau còn nhớ tận đáy lòng.
Thôi thúc những nhịp trống rộn ràng
70 năm qua, sự nhiệt tình, mến khách, hòa nhịp vào những sự kiện trọng đại của đất nước vẫn là đặc trưng mà người Hà Nội tiếp nối giữ gìn và phát triển. Như những nhịp trống hùng thiêng của lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự hào về quê hương đất nước rộn ràng thúc giục trong tim, kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô chính là dịp một lần nữa chúng ta ôn lại quá khứ hào hùng để hướng về tương lai đầy tươi sáng.
Bởi vậy, sự kiện đánh dấu mốc son rực rỡ này của Hà Nội và cả nước được thực hiện với quy mô lớn, được sự hào hứng vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, các hoạt động chuẩn bị cho đại lễ được tiến hành hết sức trang trọng và nghiêm cẩn bằng tất cả tình yêu và niềm tự hào của người Hà Nội về Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Múa lân - một nét văn hóa đặc sắc của Thanh Oai - Hà Nội |
Hướng tới 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tại huyện Phúc Thọ có 62 hoạt động cấp huyện, 68 hoạt động cấp xã, thị trấn. Ngoài việc hưởng ứng các hoạt động chung của thành phố, chuyện Chương Mỹ cũng tổ chức 60 chương trình, sự kiện. Huyện Thạch Thất cũng tổ chức hàng trăm các hoạt động văn hóa, thể thao của các xã, thị trấn, thôn làng…
Huyện Đông Anh có 33 hoạt động cấp huyện và 300 hoạt động cấp xã, thị trấn, thôn…
Cuộc thi sáng tác tranh cổ động và logo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô do Cục Văn hoá cơ sở và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức đã chọn ra được biểu trưng dịp đặc biệt này đển lan truyền thông điệp, hình ảnh đặc trưng của Thủ đô trong dịp trọng đại này. Mẫu biểu trưng do họa sĩ Nguyễn Công Quang - một người sinh ra và gắn bó cả đời mình với Hà Nội có hình con số 70 khoẻ khoắn, gam màu chủ đạo là màu đỏ. Trong đó, con số 0 được cách điệu bởi ngôi sao năm cánh, phía bên trong là Kỳ đài Hà Nội và con số 70 cùng dòng chữ “Giải phóng Thủ đô”.
Họa sĩ Nguyễn Công Quang bên logo kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô |
Con số 70 khoẻ khoắn, vững chãi tượng trưng cho vị thế của Thủ đô.
Hội đồng nghệ thuật cũng đánh giá cao ý tưởng của tác phẩm khi lồng Kỳ đài Hà Nội vào trong con số 70. Bởi Kỳ đài Hà Nội chính là nơi diễn ra Lễ Chào cờ diễn ra đúng ngày 10/10/1954, sau khi đoàn quân chiến thắng từ các ngả tiến về giải phóng.
Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 được tổ chức với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” đã tìm ra được hai đại sứ và những đội thi mang đến những bài tuyên truyền vô cùng ấn tượng về lịch sử, niềm tự hào về Hà Nội thông qua những cuốn sách.
Điểm nhấn của thành phố trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) chính là “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” với sự tham dự của khoảng 10.000 người tham gia, trong đó có khoảng 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 9.000 người tham gia gồm lực lượng diễu hành và trình diễn là nghệ nhân và Nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế.
Vẻ đẹp mùa thu Hà Nội |
Để làm nên thành công cho chương trình, các địa phương cũng tích cực tập luyện nhằm phô diễn hết nét đặc sắc của quê hương. Những điệu múa lân rồng tưng bừng khỏe khoắn, những cánh diều đón gió đầy thơ mộng hay những con rối sinh động song hành cùng nền văn minh lúa nước, những trò chơi dân gian kéo co, những tín ngưỡng dân gian đậm đà bản sắc cùng ẩm thực đa dạng, phong phú, hấp dẫn… sẽ là bản hòa ca của những tấm lòng cùng hướng về đại lễ của thành phố.
Vì vậy, nhịp quân hành rộn ràng khi xưa, tiếng trống khải hoàn vẫn như vang vọng từ 70 năm về trước trong mùa thu năm nay của phố phường Hà Nội.