“Ma trận” thuốc bổ hậu COVID-19
Kỳ 1: “Thổi phồng” công dụng như thuốc chữa bệnh
Lo ngại ảnh hưởng sức khoẻ sau khi mắc COVID-19, nhiều người tìm tới các loại thực phẩm chức năng bán online nhằm tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, giữa một “rừng” sản phẩm, người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” với những loại thực phẩm chức năng được quảng cáo “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh.
Tâm lý "lạm dụng" thuốc bổ… khiến giá tăng cao
Nhiều F0 sau khi khỏi COVID-19 như lạc giữa “ma trận” của các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN). Trong đó, các loại vitamin tăng cường sức đề kháng, thuốc được quảng cáo có tác dụng bổ phổi, TPCN giúp ngủ ngon đang là mặt hàng “hot” trên nhiều chợ thuốc “ảo”.
Thực tế, không khó để tìm mua các loại TPCN được quảng cáo như thuốc chữa bệnh hậu COVID-19. Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm “thuốc chữa hậu COVID” hay "detox", "thuốc bổ phổi" trên internet hay các trang mạng xã hội, người tiêu dùng có thể tìm được hàng chục loại TPCN được quảng cáo có công dụng bổ phổi, phục hồi hậu COVID-19 có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...
Các loại thực phẩm chức năng bổ phổi, detox được quảng cáo "thổi phồng” công dụng như thuốc chữa bệnh hậu COVID-19 |
Ngoài việc bán thực phẩm chức năng, một số nơi giới thiệu liệu pháp tế bào gốc "giải độc cơ thể, chữa hậu COVID" có giá hàng trăm triệu đồng song các bác sĩ cho rằng quảng cáo này bị thổi phồng.
Cảm thấy cơ thể mệt mỏi, mất ngủ sau khi mắc COVID-19, chị Thu Hương (ở quận Đống Đa, Hà Nội) đã đến khám hậu COVID-19 tại một bệnh viện lớn và được bác sĩ chẩn đoán các chức năng cơ thể bình thường, không cần điều trị.
Tuy nhiên, chị vẫn cảm thấy không thực sự khỏe mạnh, rụng tóc nhiều, da khô và sạm, ăn uống không ngon miệng, khó tập trung làm việc, dễ mệt mỏi hơn so với trước khi bị bệnh. Đặc biệt là việc mất ngủ kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, khó thở, hụt hơi…
Chị tìm đến một loạt các loại thực phẩm chức năng bổ phổi, vitamin tăng cường sức đề kháng, detox có tác dụng thanh lọc, giải độc cơ thể, "cải thiện sức khỏe ngay tức thì" theo lời tư vấn của những người bán hàng trên Facebook.
Khi dược sĩ “online” kê đơn
Trên các trang Facebook ngập tràn các loại thuốc điều trị COVID, hậu COVID-19. Người bán đủ mọi thành phần tuy nhiên không có ai là y, bác sĩ, dược sĩ.
Thị trường dược phẩm online hai năm trở lại đây nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Giai đoạn đầu náo nhiệt bán khẩu trang và nước rửa tay khử khuẩn; Tiếp đến là thời kỳ sôi động bán các loại thuốc chữa COVID-19; Bây giờ thì đang tiến sang giai đoạn hậu COVID-19. Đủ mọi loại thuốc, với đủ “quốc tịch”, Nga, Trung Quốc được bày bán tràn lan.
Thuốc điều trị COVID-19, thực phẩm chức năng chữa hậu COVID-19 cũng được bán online tràn lan trên mạng |
Nhiều dược sĩ “online” bán đủ thứ mặt hàng trên mạng xã hội kiêm luôn cả bán các loại thuốc chỉ bác sĩ mới được phép kê đơn như Arbidol, Umifenovir, Areplivir... đến các loại thực phẩm chức năng. Thuốc, thực phẩm chức năng được rao bán online như người ta rao bán quần áo, mỹ phẩm.
Mạng xã hội tràn nhập những thông tin khó kiểm chứng về các bệnh hậu COVID-19. Nhiều người bán thực phẩm chức năng nhấn mạnh vào mức độ nguy hiểm hậu COVID-19 như "dù đã âm tính nhưng chất độc vẫn còn tích tụ ở hai buồng phổi, các cơ quan nội tạng gây đàm, thở hụt hơi" hoặc "lượng phổi sống thực sự chỉ còn 7-8 phần, nếu không can thiệp sớm sẽ nguy hiểm tính mạng"...
Thậm chí, một số người bán hàng còn khẳng định mình đã từng mắc COVID-19 và có những triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài dai dẳng, cơ thể mệt mỏi. Sau khi uống các loại thực phẩm chức năng, họ nhận thấy có hiệu quả tốt nên mới giới thiệu cho khách hàng. Cùng với đó, người bán cũng đưa ra những hình ảnh phản hồi của khách hàng trước đó đã dùng và chia sẻ lại.
Trong khi đó, báo chí đã đăng tải nhiều hướng dẫn F0 điều trị tại nhà; F0 điều trị tại nhà cần các loại thuốc nào? Bộ Y tế hướng dẫn F0 điều trị tại nhà; Hậu COVID-19 sẽ có những biểu hiện ra sao… Nhiều bác sĩ cũng livetream hướng dẫn bệnh nhân F0 một cách tỉ mỉ, chi tiết nhưng vẫn còn rất nhiều người tự điều trị theo “kinh nghiệm” mách bảo.
Ngành Y tế đã khuyến cáo, người dân không tự ý dùng thuốc hoặc nghe theo lời mách bảo của những người bán hàng không có chuyên môn, có thể vừa mất tiền vừa có hại nếu dùng sai.
Trước đó, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản đề nghị các địa phương quyết liệt thanh, kiểm tra việc mua, bán thuốc điều trị COVID-19 cũng như các mặt hàng phục vụ trong phòng, chống dịch COVID-19; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... Việc này nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc cho nhu cầu điều trị COVID-19, đảm bảo chất lượng thuốc với giá thành hợp lý.
Các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều hoạt động thanh kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sử dụng trong phòng, điều trị COVID-19 như thuốc, thực phẩm chức năng, khẩu trang, nước sát khuẩn, trang thiết bị y tế...
Để chủ động và tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ Y tế cũng như công tác phối hợp với bộ, ngành liên quan kiểm soát những vấn đề phức tạp phát sinh trong việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nêu trên, đặc biệt là việc mua bán các loại thuốc điều trị COVID-19, các mặt hàng có nhu cầu nhiều trong phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra theo kế hoạch, cũng như đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định.
Bên cạnh đó, các ngành liên quan giám sát chặt chẽ diễn biến, thông tin thị trường đối với các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý đang sản xuất, kinh doanh, sử dụng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để chủ động phát hiện tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến nhằm trục lợi và có các biện pháp chấn chỉnh và xử lý kịp thời theo thẩm quyền.
(Còn nữa)