Mùa hoa đời thắm đượm tin yêu
HOA ĐỜI MÙA SAU
Nguyễn Hồng Vinh
Có điều chi thủ thỉ
Khiến tim ta rộn ràng
Có lời nào nhắn gửi
Như chim hót đầu xuân?!
Nóng như đốt, như hun
Rải lửa từng ngõ ngách
Trang viết em lấp lánh
Ngọn gió lành ban mai
Đời - cuốn sách nhiều trang
Chứa vui - buồn năm tháng
Văn là hồn kết gắn
Dòng suối mát gặp sông
Em như ngọn tầm xuân
Lặng thầm qua giông gió
Những muộn phiền dâu bể
Pha bụi trần hoang vu…
Thôi cũng là “duyên số”
Nắng mưa chuyện của trời
Nhưng với cuộc đời này
Phút rộn ràng đâu hết?!
Trang sách đời chưa kết
Thơ vang khúc nhạc đầu
Hạt ủ thầm trong đất
Nở hoa đời mùa sau!...
Tháng 5/2023
Lời bình
Cuộc sống cứ chảy trôi không dứt, đắp bồi lớp lớp những trải nghiệm, suy tư, và mỗi người tự ý thức nắm bắt, níu giữ ký ức của mình. Có những khi bất chợt, gặp lại một khoảnh khắc, những tâm tư tưởng chừng đã ngủ quên, lại cựa mình, thức giấc, mở ra cả một bầu trời cảm xúc vẹn nguyên.
Đọc bài thơ trên của Nguyễn Hồng Vinh, tôi bất chợt nhớ những dòng của nhà văn Marcel Proust trong Lời nói đầu chống Sainte - Beuve, đã diễn giải sự kỳ diệu ấy của tâm hồn con người: “Một chiều nọ, khi về đến nhà, lạnh cóng vì băng tuyết mà không thể sưởi ấm, tôi liền ngồi đọc sách dưới ánh đèn trong phòng; Thấy vậy, bà làm bếp già bèn mời tôi một chén trà mà thường ngày tôi không bao giờ uống. Sự tình cờ dun dủi bà mang thêm cho tôi mấy lát bánh sấy.
Tôi chấm bánh vào nước chè và đúng lúc đưa miếng bánh vào miệng, vị bánh ngấm đẫm nước trà trong vòm miệng, tôi cảm bỗng thấy bối rối, tôi thấy mùi cây mơ hạc, mùi cây cam, một cảm giác tràn đầy ánh sáng kì lạ và hạnh phúc. Tôi lặng đi, sợ rằng chỉ một cử động nhỏ cũng làm ngưng lại điều đang diễn ra trong tôi, điều mà tôi không thể nào hiểu nổi. Tôi quyến luyến với miếng bánh nhỏ mềm như hóa được bao nhiêu phép lạ.
Chính lúc đó, tấm màn che phủ trí nhớ đang lay động bỗng mở toang và những ngày hè ở ngôi nhà nơi thôn quê mà tôi đã kể bỗng tràn vào tâm trí tôi cùng những buổi sáng mùa hè, kéo theo chuỗi những ngày hạnh phúc”[1].
Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, bằng cảm nhận nhạy bén của mình đã đặt nhân vật trữ tình vào trạng huống tuyệt diệu, với những biến chuyển cảm xúc đầy tinh tế trong khổ thơ đầu: “Có điều chi thủ thỉ/ Khiến tim ta rộn ràng/Có lời nào nhắn gửi/Như chim hót đầu xuân?!”. Bằng trải nghiệm nghề nghiệp và cuộc sống, tác giả đã hóa thân vào nhân vật một cách tự nhiên, và do vậy, dòng cảm xúc cứ tuôn trào, tỏa lan mạnh mẽ.
Cơn cớ hồi sinh những cảm xúc, những kỷ niệm tưởng như đã ngủ yên trong “anh”, chính là tiếng lòng “em” gửi gắm qua trang viết. Trong những ngày hè, tiết trời khắc nghiệt ấy, những trang văn như ngọn gió mát lành: “Nóng như đốt, như hun/ Rải lửa từng ngõ ngách/ Trang viết em lấp lánh/Ngọn gió lành ban mai”. Đối diện với trang viết của “em”, chính “anh” được sống lại với những kỷ niệm, những cảm xúc của một thời tuổi trẻ.
Khi tâm hồn xao xuyến những tiếng hát yêu thương, anh như được giải thoát khỏi những ngột ngạt, để được sống trọn vẹn trong miền tâm tưởng với những rung động thuở ban đầu. Đằng sau lớp ngôn từ giản dị, mộc mạc ấy là những “điểm nổ” thẩm mỹ, khơi gợi khả năng tưởng tượng mạnh mẽ nơi bạn đọc.
Để rồi từ đó, tác giả bắt đầu dẫn người đọc vào những suy tưởng về cuộc đời: “Đời - cuốn sách nhiều trang/ Chứa vui - buồn năm tháng/ Văn là hồn kết gắn/ Dòng suối mát gặp sông”. Cuộc đời là thế, đâu có thể xuôi chiều theo ước muốn chủ quan. Mỗi bước đi luôn hiện hữu những gập ghềnh, trở ngại.
Vui, buồn nhân thế, dệt nên trang sách cuộc đời, chẳng thể đoán định, chẳng thể cưỡng cầu. Thế nhưng, giữa những bất định, gian truân, chính niềm tin vào tương lai, khát vọng hướng đến hạnh phúc là ngọn nguồn sức mạnh nâng bước chúng ta. “Văn” vừa là hình ảnh có tính kết nối thẩm mỹ với khổ thơ trên, vừa là biểu tượng của niềm tin yêu và khát vọng, để cuộc đời có những gặp gỡ của suối nguồn hạnh phúc.
Cũng như em, dù cuộc đời chẳng xuôi chèo mát mái, dù phải đối diện với bao giông gió, nhưng tất cả điều đó không khuất phục được em: “Em như ngọn tầm xuân/ Lặng thầm qua giông gió/ Những muộn phiền dâu bể/ Pha bụi trần hoang vu…”. Qua những bầm dập của đời, em vẫn như nụ tầm xuân dẻo dai, vươn mình trỗi dậy với sức sống mãnh liệt, để tỏa hương thơm cho đời, cho người. Biểu tượng ấy gói ghém thật nhiều tưởng tượng, suy tư nơi bạn đọc.
Dù có lúc tưởng như thất vọng, mọi chán chường ùa về, cuộc đời sầu thêm “hoang vu” làm trái tim xơ cứng, nhưng những hạt “bụi trần” ấy đâu dễ triệt tiêu sự sống, tàn lụi niềm tin; trái lại càng ngời lên vẻ đẹp của nghị lực, của cốt cách, tâm hồn em. Đó chính là nguồn cảm hứng, là sự thấu cảm giữa em và anh, bởi sau tất cả, chúng ta đã nhận ra ý nghĩa thực sự của “hạnh phúc”: “Thôi cũng là “duyên số”/ Nắng mưa chuyện của trời/ Nhưng với cuộc đời này/ Phút rộn ràng đâu hết?!”.
Cuộc đời vẫn luôn có những lôgic riêng, ẩn chứa những bất ngờ thú vị. Chỉ có ai thực sự yêu đời, yêu mình; Trân trọng và sống hết mình với từng khoảnh khắc, từng trải nghiệm, bằng niềm tin yêu mãnh liệt, thì “những phút rộn ràng” sẽ mãi mãi vang ngân trong tâm hồn họ.
Bài thơ khép lại cũng là lúc khúc ca cuộc sống hòa tan trong những âm sắc diệu kỳ: “Trang sách đời chưa kết/ Thơ vang khúc nhạc đầu/ Hạt ủ thầm trong đất/ Nở hoa đời mùa sau!...”. Tôi rất tâm đắc với từ thầm đắt giá trong câu “Hạt ủ thầm trong đất” này.
Đây là từ mang nhiều vỉa tầng ngữ nghĩa: vừa thầm lặng chịu đựng những dâu bể cuộc đời, vừa thầm lặng lấy lại niềm tin tưởng như đã mất, vừa thầm thì nhắn gửi: Mọi gian khó hiện tại sẽ qua đi, hoa đời sẽ nở, kết tinh hy vọng, tin yêu được nảy sinh qua thử thách, đớn đau; Để rồi tiếp tục vượt qua những giông gió thường nhật. Nhà văn Wiliam Jame đã từng nói: Hãy luôn tin rằng, cuộc đời thật đáng sống và chính niềm tin của bạn làm cho điều đó trở thành chân lý.
Đây cũng chính là thông điệp đầy nhân văn mà tác giả đã gửi gắm, sẻ chia cùng bạn đọc. Cảm ơn và chúc mừng nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh với những hạt giống tâm hồn, ươm mầm cho những mùa hoa đời tươi thắm không phai.
[1] Lộc Phương Thủy (chủ biên) (2004), Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX, Nxb Văn học, Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, tr. 40-41.