Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết ngành NN&PTNT năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021. Dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước.
Tăng tốc để bứt phá
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2020, ngành Nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị |
Cùng với đó, bệnh dịch tả lợn Châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây không ít khó khăn cho việc tái đàn, tăng đàn; Cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn; Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật...
Tuy nhiên, trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Nhờ vậy, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD; Hơn 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 mặt hàng có kim ngạch hơn 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo).
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị |
Năm 2020, cả nước thành lập mới được 14 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 1.555 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 17.300 hợp tác xã nông nghiệp. Cả nước thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số lên hơn 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp.
Cũng trong năm 2020, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các địa phương công nhận 11 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 53 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 11 doanh nghiệp so với năm 2019. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh...
Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay
Đồng tình cao với báo cáo tổng kết của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2020 nông nghiệp Thủ đô Hà Nội tăng trưởng 4,2%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá trị ngành nông nghiệp Hà Nội đạt 46.000 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2019. Dự kiến, hết năm 2020, Hà Nội có 1.000 sản phẩm được công nhận OCOP... Kết quả này là thành tựu của sự nhất quán trong chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và nỗ lực của doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân Thủ đô.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, năm 2021, ngành Nông nghiệp Thủ đô phấn đấu tăng trưởng đạt từ 3% trở lên; Số xã được công nhận đạt tiêu chí Nông thôn mới tăng thêm 14 xã (tổng số đạt 100% số xã); Số xã được công nhận đạt tiêu chí Nông thôn mới nâng cao tăng thêm 20 xã (tổng số đạt 43 xã); 5 xã được công nhận đạt tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu...
Toàn cảnh hội nghị |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị, Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai; Sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT thống nhất với thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho thành phố phê duyệt trước "Phương án phòng chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội" và "Phương án phát triển hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội" sau đó tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố.
Tranh thủ cơ hội để hợp tác và phát triển
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Năm 2020, ngành nông nghiệp hứng chịu nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, thế nhưng nông nghiệp vẫn đóng góp tích cực cho nền kinh tế, xuất siêu khoảng 10 tỷ USD.
Đây là một năm thành công của ngành nông nghiệp đất nước chúng ta với nhiều điểm sáng toàn diện, nông nghiệp Việt Nam trong khó khăn đã tiếp tục khẳng định vai trò bảo đảm an ninh lương thực, là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế, góp phần đóng góp giúp nền kinh tế đất nước tăng trưởng dương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị |
Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp đã hoàn thành được những chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thặng dư thương mại tiếp tục được thực hiện, có 5 mặt hàng giữ được mức kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, số xã đạt chuẩn Nông thôn mới đạt hơn 62% tổng số xã cả nước - vượt xa mục tiêu đề ra. Quan trọng nhất là đời sống của người dân vùng nông thôn được cải thiện, nâng cao.
Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục rộng mở: EVFTA, RCEP, CPTPP... ngành Nông nghiệp cần tranh thủ khai thác cơ hội này, đồng thời tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường để ổn định đầu ra cho nông sản.
Về nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho ngành NN&PTNT những chỉ tiêu cụ thể như: GDP của ngành nông nghiệp tăng 3%, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Nông nghiệp phải đạt 44 tỷ USD, 70% tổng số xã trong cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới, giữ hệ số che phủ rừng đạt 42%, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD; Đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, thủy sản chuyển từ khai thác sang tập trung nuôi biển (nuôi trồng thủy sản); Xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất nông nghiệp thông minh, ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ngành tập trung xây dựng chất lượng, thương hiệu nông sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...