Nguyễn Đình Thi - một người Hà Nội tiêu biểu, hào hoa, thanh lịch
Hơn nửa thế kỷ với “Cái Tết của Mèo Con” của nhà văn Nguyễn Đình Thi Thu về nhớ Nguyễn Đình Thi Triển lãm “Hà Nội trong mắt ai” mừng ngày Giải phóng Thủ đô |
Dự hội thảo có: Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Quế Đình Nguyên, Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương...
Về lãnh đạo TP Hà Nội có: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải.
Dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, thành phố Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các đại biểu dự hội thảo |
Nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật xuất sắc
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, hội thảo tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sỹ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 - 20/12/2024).
Hội thảo là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá, ngợi ca, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi. Ông đã có những đóng góp to lớn, đặc sắc cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà trên các lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, lý luận phê bình, triết học, ngoại giao văn hóa. Ông cũng nổi trội, xuất sắc trong vai trò nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ bằng tư duy sắc bén, vốn kiến thức sâu rộng và phương pháp nhuần nhuyễn, lịch lãm, thuyết phục.
Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại, thông tuệ, đa tài, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Trong văn học, ông là nhà văn có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, góp phần mở ra khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại.
Ông cũng là nhà thơ, nhà biên kịch, người sáng tác âm nhạc có nhiều đổi mới trong tư duy và cách tân nghệ thuật. Các tác phẩm văn xuôi như “Xung kích”, “Thu Đông năm nay”, “Bên bờ sông Lô”, “Vào lửa”, “Mặt trận trên cao”… thực sự là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác và ý thức công dân của người nghệ sĩ.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo |
Đặc biệt, bộ tiểu thuyết hai tập “Vỡ bờ” đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn của nền văn học nước ta giai đoạn 1946 - 1985.
Ở thể loại thơ, những tác phẩm bất hủ của ông như “Đất nước”, “Nhớ”, “Bài thơ Hắc Hải”, “Lá đỏ”... là minh chứng sinh động cho tình yêu thương, gắn bó tha thiết với đất nước, con người Việt Nam. Đó là cá tính sáng tạo mạnh mẽ, bản lĩnh tiên phong, trăn trở tìm tòi hướng đi mới trong thơ Việt Nam hiện đại. Cho đến nay, thế hệ các nhà thơ trẻ Việt Nam đã, đang kế thừa và phát huy những thành tựu và hướng tìm tòi của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.
Về sân khấu, sự xuất hiện bất ngờ của các kịch bản “Con nai đen” (1961), “Hoa và Ngần” (1974), “Giấc mơ” (1977), “Rừng trúc” (1978), “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” (1979), “Người đàn bà hóa đá” (1980), “Tiếng sóng” (1980), “Cái bóng trên tường” (1982), “Trương Chi” (1983), “Hòn cuội” (1986)... đã toát lên bản lĩnh nghệ thuật, tài năng và sự sáng tạo nghệ thuật, luôn tìm lối mới, cách đi riêng của Nguyễn Đình Thi.
Trong lĩnh vực âm nhạc, dù “dừng chân” không lâu và chỉ có 6 ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: “Căm hờn”, “Diệt phát xít”, “Du kích quân” (1945), “Người Hà Nội” (1947), “Con voi” (1948), “Đất nước yêu thương” (1977) nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn để lại dấu ấn sáng tạo đậm nét, tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò tạo sự kết nối giữa nghệ thuật với cách mạng trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình, cách mạng đang sục sôi.
Sinh thời, Nguyễn Đình Thi từng thổ lộ: “Tôi không dám nhận mình là nhạc sĩ”. Tuy nhiên, hai bài hát ông sáng tác ở lứa tuổi đôi mươi (“Diệt phát xít” và “Người Hà Nội”) cũng đủ để chúng ta tôn vinh ông là một nhạc sỹ lớn, cùng Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước… mở đường, dẫn lối cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Một trong những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi trong lĩnh vực âm nhạc là việc khai phá và phát triển hai thể loại quan trọng là hành khúc và trường ca. Các ca khúc của Nguyễn Đình Thi đã trở thành một phần ký ức lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào đối với quê hương Hà Nội thân thương và đất nước Việt Nam yêu dấu.
“Nguyễn Đình Thi đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm có giá trị nhiều mặt, sống mãi với thời gian. Thành công trong các sáng tác của ông nổi rõ ở tính tư tưởng, tính nhân văn, nghệ thuật đặc sắc, bút pháp phóng khoáng mà nhuần nhị; ở đó, hòa quyện lòng yêu nước với lý tưởng cách mạng, tính dân tộc và tính hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nhất là văn hóa Pháp, Nga, Châu Âu, khát vọng tự do và bản chất nhân hậu, đằm thắm rất Việt Nam”, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Hành trình tiếp nhận và lan tỏa di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi còn vượt ra ngoài biên giới, để lại dấu ấn trong lòng người yêu mến văn nghệ ở nước ngoài, nhất là người Việt xa quê. Một số vở kịch của ông như "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" hay "Rừng trúc" không chỉ được trình diễn trong nước mà còn được giới thiệu tại các liên hoan sân khấu quốc tế.
Cùng với sự nghiệp sáng tác văn nghệ, sáng tạo văn hóa, Nguyễn Đình Thi còn là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tài ba, xuất sắc. Ông tham gia cùng các cơ quan, đơn vị giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối văn hóa, văn nghệ kháng chiến, kiến quốc.
Trên các cương vị Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ông đã thể hiện tầm tư duy, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt hơi thở đời sống.
Trong vai trò lãnh đạo, ông không chỉ chỉ đạo, quản lý mà còn góp phần định hình chiến lược phát triển văn hóa, nghệ thuật phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thời kỳ đổi mới.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo hội thảo |
Người nghệ sĩ tận hiến, lăn lộn trong hiện thực
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của nền văn học nghệ thuật Việt Nam - nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, nghệ sĩ tài hoa với những cống hiến to lớn với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của Nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) về văn học nghệ thuật...
Bằng tài năng sáng tạo xuất sắc, với lòng yêu nước thiết tha và tư tưởng cách mạng vững vàng, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa, văn nghệ to lớn, phong phú, có sức sống lâu bền.
Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, nguyện tận hiến tài năng, tâm huyết của mình, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp vẻ vang của Đảng.
“Thông qua hội thảo hôm nay, tôi mong rằng đội ngũ văn nghệ sĩ của chúng ta sẽ không ngừng học hỏi, đúc rút những bài học quý báu từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, vững vàng và không ngừng phát triển trên hành trình sáng tạo.
Từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi, có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đó là: Chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước; sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp; hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc thì tác phẩm của họ mới thực sự có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng và bền vững trong lòng công chúng.
Mục đích cuối cùng của nghệ sĩ chân chính là có được những tác phẩm hay, những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai. Mong sao, mỗi văn nghệ sĩ chúng ta đều nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nghiên cứu, khẳng định, tôn vinh những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà; đẩy mạnh công tác lưu giữ và quảng bá, tuyên truyền rộng rãi những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Đồng chí cũng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; luôn cổ vũ, khích lệ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; làm tốt hơn nữa công tác chính trị tư tưởng đối với các văn nghệ sĩ để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa về sứ mệnh vẻ vang của mình đối với Tổ quốc, với Nhân dân; đoàn kết, đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật cao quý của nước nhà; phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đồng cảm sâu sắc với cuộc sống của Nhân dân, đồng hành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội với vị trí Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính Quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và hội nhập quốc tế của cả nước, với truyền thống nghìn năm văn hiến và anh hùng, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc, vấn đề phát triển văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài, được đặt trong trung tâm chính sách phát triển của Hà Nội.
Liên tục trong 5 nhiệm kỳ đại hội vừa qua, Thành ủy Hà Nội đều ban hành một chương trình công tác riêng về lĩnh vực phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; thể hiện quyết tâm của thành phố Hà Nội ở mức cao nhất với việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh và cũng thể hiện sự kiên trì, bền bỉ trong công tác này.
Quan triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Thành ủy Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045, đến nay đã thu được một số kết quả quan trọng. Gần đây nhất, trong việc xây dựng quy hoạch phát triển Thủ đô đến năm 2030, định hướng và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội xác định nguồn lực nhân văn là một trong năm trụ cột của việc phát triển Hà Nội cho hiện tại và tương lai; cũng xác định có 2 nguồn lực mới, quan trọng, quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô là nguồn lực nhân văn và nguồn lực số. Điều đó thể hiện văn hóa và phát triển con người luôn là vị trí trung tâm, quan trọng trong sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị của văn hóa dân tộc. Thăng Long Hà Nội tự hào là nơi tập trung nhân tài trí tuệ tinh hoa của cả nước, nơi ươm mầm nuôi dưỡng tâm hồn cho các thế hệ văn nghệ sĩ trong suốt chiều dài lịch sử. Mảnh đất này cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho các lớp văn nghệ sĩ, để từ đây có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật cao được ra đời và làm nên di sản văn hóa phong phú, đồ sộ cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, cũng như của Thủ đô, góp phần bồi đắp tâm hồn, tình cảm, hình thành nhân cách, phẩm chất người Hà Nội hào hoa và thanh lịch.
Hà Nội luôn trân trọng những đóng góp quan trọng, to lớn của các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, trong đó có nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi và những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước, với Thủ đô. Tình yêu của ông dành cho Hà Nội là tình yêu thiết tha, say mê, mãnh liệt, là tình yêu của người con Hà Nội. Hà Nội luôn trong trái tim ông và hiện hữu trong mỗi ý thơ, ca từ, âm hưởng vang lên trong mỗi tác phẩm. Nguyễn Đình Thi là một người Hà Nội tiêu biểu cho những nét hào hoa, thanh lịch.
“Kỉ niệm 100 năm Ngày sinh của ông, Hà Nội rất tự hào khi có một người con tiêu biểu, mang đậm chất Hà Nội như nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định.
Quang cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá về những đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam; phân tích, làm rõ những yếu tố tạo nên giá trị to lớn, sức sống trường tồn của các tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Đình Thi; trao đổi, thảo luận, đánh giá về hành trình tiếp nhận, lan tỏa di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi ở trong và nước ngoài; phân tích, lý giải về sự nghiệp, những cống hiến, những giá trị di sản văn hóa, văn nghệ lớn lao mà Nguyễn Đình Thi để lại cho hôm nay và mai sau, trong tiến trình tiếp tục đổi mới, phát triển, hội nhập của văn học, nghệ thuật nước nhà...
Kết quả của hội thảo là cơ sở để Ban Tổ chức xây dựng các luận cứ khoa học tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp trong việc ghi nhận, tôn vinh những cống hiến lớn lao của Nguyễn Đình Thi nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung; giữ gìn và phát huy giá trị của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.