Những loại thực phẩm tốt cho người bị sỏi thận
Nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận, bắt đầu từ sự kết tinh, lắng đọng tinh thể trong hệ tiết niệu. Theo các chuyên gia, sỏi tiết niệu hình thành có thể do nước tiểu có chứa quá nhiều hóa chất, điển hình là calci, acid uric, cystine… 85% số lượng sỏi hình thành bắt đầu từ sự lắng đọng canxi.
Ngoài các yếu tố bẩm sinh và di truyền, các nguyên nhân gây bệnh có thể do không đủ nước, cơ thể không đủ nước cho thận bài tiết, nước tiểu quá đặc. Nồng độ các tinh thể bị bão hòa trong nước tiểu.
Bệnh nhân sỏi thận đang điều trị tại bệnh viện |
Chế độ ăn nhiều muối là nguyên nhân thường gặp ở người Việt, khẩu vị của người Việt khá mặn. Muối và nước mắm là gia vị quen thuộc hàng ngày… . Việc ăn nhiều muối (NaCl), cơ thể phải tăng đào thải Na+, tăng Ca++ tại ống thận… Do đó, sỏi Calcium dễ hình thành.
Sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp ở nam giới trung niên. Tuổi mắc bệnh thường từ 30 – 55 tuổi. Nam giới có cấu tạo đường tiết niệu phức tạp hơn nên sỏi thường khó tự đào thải như ở nữ giới.
Sỏi tiết niệu là những phân tử rắn được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Chúng có thể gây đau, buồn nôn và nôn, tiểu máu và có thể gây sốt, rét run vì nhiễm trùng thứ phát.
Đa phần chúng bắt đầu hình thành từ thận, di chuyển dọc theo đường đi của hệ tiết niệu và bài tiết ra ngoài nên nhiều người quen gọi là sỏi thận.
Khi hệ tiết niệu bắt đầu hiện tượng lắng và kết tinh sỏi, những tinh thể và viên sỏi nhỏ thường đi theo đường tiểu và được bài tiết ra ngoài. Tại một vị trí nào đó trên đường niệu, tinh thể hoặc viên sỏi bị vướng lại, tiếp tục lắng và kết tinh tạo thành những viên sỏi kích thước lớn hơn.
Một sai lầm trong điều trị sỏi thận là hạn chế canxi vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta loại bỏ hẳn canxi thì không làm hạn chế sự phát triển của bệnh mà tăng nguy cơ loãng xương, đồng thời cơ thể hấp thụ nhiều oxalat hơn, làm tăng khả năng bị sỏi thận.
Do đó, bệnh nhân vẫn nên bổ sung các loại thực phẩm chứa canxi vào thực đơn hàng ngày với lượng phù hợp từ phô mai, các loại hạt, sữa chua…
Bệnh nhân cần bổ sung các loại vitamin A, B6, D trong quá trình điều trị sỏi thận. Vitamin D thúc đẩy quá trình hấp thụ và chuyển hóa canxi, vitamin B6 có thể làm giảm sự hình thành oxalat, vitamin A có tác dụng điều hòa hệ bài tiết nước tiểu và hạn chế hình thành sỏi thận.
Các loại vitamin này có thể bổ sung thông qua các thực phẩm như lòng đỏ trứng, cá biển, sữa, các loại rau củ, khoai lang, các loại hạt, trái cây, gạo nguyên cám...
Cam, quýt, bưởi, chanh... là những thực phẩm giàu vitamin C, đặc biệt chứa hàm lượng lớn citrate, giúp hòa tan một số thành phần hình thành sỏi thận. Do đó, việc bổ sung các loại trái cây này vào chế độ ăn của người bị sỏi thận là cần thiết.
Ngoài ra, các loại rau nhiều chất xơ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa thức ăn, có lợi cho hệ tiêu hóa và hệ bài tiết. Do đó, việc bổ sung chất xơ thường xuyên sẽ giúp người bệnh hạn chế hình thành sỏi.