Nồng nàn hương vị Hà thành trong "Duyên phở"
Phở Hà Nội - hương vị giữ hồn đất Thăng Long
Bài liên quan
Phở Việt Nam lọt Top những món đặc sản hàng đầu thế giới
Theo chân tín đồ ẩm thực Hà thành “ăn cả thế giới” tại Food Story
Những quán bánh cuốn ngon chuẩn vị Hà Thành
Nhiều xúc cảm với “Kí ức Hà Nội”
Tôi sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc. Từ bé lớn lên đã quen thuộc với từng góc nhỏ của 36 phố phường, gắn bó với từng gốc bàng, hàng hoa sữa, hoa sưa nơi mỗi con phố thân quen. Ký ức tuổi thơ là những lúc chơi chuyền chơi chắt khi rảnh việc nhà; được lũ con trai cho những quả bàng, quả sấu; những kỷ niệm với những thay da đổi thịt từng ngày của Thủ đô yêu dấu.
Trong ký ức ấy, cũng mãi đồng hành cho tới bây giờ là những kỷ niệm gắn bó với phở. Những ngày thơ bé, mỗi khi được thưởng, chúng tôi lại xin cậu, mợ cho thưởng thức một tô phở gánh. Món ăn tưởng chừng dung dị ấy mà thần thánh đến không ngờ, là động lực để chúng tôi chăm chỉ lao động, học tập, ngoan ngoãn vâng lời để đến dịp lại được thưởng phở.
Ngày đông lạnh giá cũng như trưa hè nóng nực, mỗi khi được thưởng thức món phở, chúng tôi đều chẳng chối từ. Cái vị thơm ngầy ngậy của thịt bò, mùi thơm dìu dịu của hành mùi đã cho một cảm giác thèm thuồng háo hức với những đứa trẻ đang tròn mắt nhìn ông bán phở thoắt thoắt chuẩn bị những tinh hoa ẩm thực.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm ai đó đi qua hàng phở gánh xưa cũng muốn sà vào để thưởng thức một món khoái khẩu của người Hà Nội. Những ngày ấy, dù có mì chính, nó cũng không phải là thứ gia vị được dùng để cho vào nồi nước dùng.
Có lẽ bởi vậy mà vị ngọt thơm ngầy ngậy với những gia vị bí truyền của gánh phở ngày nào vẫn lan tỏa trong những đứa trẻ ngày ấy cho tới tận bây giờ. Mỗi khi nhớ về món ăn ấy, chúng tôi không quên hình ảnh của những cọng hành mùi xanh xanh và bát phở nước màu nâu vàng và tràn lên trên những thớ phở trăng trắng, chút thịt bò màu nâu đỏ, nhìn trông thật bắt mắt. Tuy nhiên, sự khoái khẩu đâu chỉ đến từ ánh mắt nhìn, khoảnh khắc khi đưa thìa lên hít hà vị thơm và nhấp một hớp nhỏ nước dùng trước khi ăn phở, để cho cảm giác từ đầu lưỡi, từ khứu giác lan tỏa một sự khoan khoái ra khắp cơ thể. Rồi sau đó, từng miếng, từng miếng một thưởng thức hết tô phở mà không để sót lại một sợi phở hay để thừa nước dùng.
Phở với tôi như một cơ duyên gắn bó, đứa con gái Hà thành ấy khi trở thành thiếu nữ, đã nên duyên với con ông bán phở mà có cậu con trai đi phụ cho bố gánh hàng phở mỗi buổi chiều. Tình yêu chúng tôi đến với nhau bình dị như hàng phở gánh xưa nhưng cũng chứa đựng sự cao sang của món ăn đài các.
Món ăn mà những người nghèo ngày đó khó lòng có bữa thường xuyên, và đến bây giờ trở thành quốc hồn, quốc túy, đi khắp năm châu. Những ngày sau giải phóng Thủ đô, nghề gánh phở đi bán của cụ thân sinh ra chồng tôi đã dần mai một nhưng thật may mắn vì sự yêu thích năm xưa với phở mà tôi đã được cụ truyền lại những bí quyết để đời.
Những ngày bao cấp khó khăn sau đó, muốn thèm ăn một bát phở cũng phải chờ sự cóp nhặt để dành tem phiếu để đổi lại bát phở mậu dịch, mà tuy nước dùng và bánh phở mỗi thứ một góc trời nhưng cũng đủ làm những người yêu phở chấp nhận. Những năm đó, sự thèm muốn đối với phở dường như phải biết tự tiết chế lại cho nó hợp thời. Thế rồi cuộc sống đã dần thay đổi, những ngày chuyển đổi sang kinh tế thị trường đã cho toàn xã hội có sự thay da đổi thịt.
Phở cũng nhờ đó mà được hồi sinh. Lương của hai vợ chồng kỹ sư chúng tôi không đủ đắp đổi nuôi những cái tàu há mồm đang tuổi ăn tuổi học. Vậy là, tôi đã nghỉ hưu một cục để mở hàng phở với những bí quyết đã được cụ ông truyền lại.
Món phở gánh ngày xưa, cơ duyên với nó tôi tưởng chừng như chỉ là người thưởng thức thì thời thế, thế thời tôi lại trở thành người duy trì hồn cốt của nghề đã xa của Hà Nội. Lại được hít hà vị thơm, thưởng thức vị ngọt của nước dùng, sự mềm dẻo mà không nát của bánh phở, vị ngầy ngậy dai giòn mà thơm của thịt bò, tất cả với những thứ đó với hương vị của hành mùi để cống hiến cho người thưởng thức. Dù tiếp xúc với phở, nếm hương vị của phở mỗi ngày cũng vẫn không làm cho tôi cảm thấy nhàm chán với món ăn tinh tế ấy.
Tôi có cảm giác như mình nợ phở rất nhiều. Từ món ăn ngày thơ bé của phở gánh xưa, đến quán phở gánh nơi đầu ngã tư đã nuôi sống cả gia đình tôi và đảm bảo nguồn kinh tế để các con tôi ăn học trưởng thành.
Bởi vậy, khi ấy tôn chỉ cụ ông truyền lại cho tôi đã được hiện thực thành món phở tươi ngon và sạch sẽ, không có mì chính, không có phụ gia nhưng vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon của phở. Giờ đây khi đã đến tuổi thất tuần, các con đều đã thành đạt, tôi cũng đã không còn bán phở. Có lẽ với tôi và những người con Hà Nội, hương vị và những kỷ niệm về phở gánh xưa sẽ còn mãi với Hà thành.