Phát động cuộc thi viết về kỹ năng lao động
Tham dự buổi lễ phát động có ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp...
Cuộc thi được phát động nhằm mục đích tuyên truyền về vai trò, giá trị của kỹ năng lao động trong đời sống kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế; tuyên truyền sâu rộng về Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam - 4/10 với chủ để "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam - Skilling up Việt Nam".
Ra mắt Ban Tổ chức cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam |
Về hình thức tác phẩm tham dự: có các loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.
Thể loại phong phú đa dạng: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bút ký báo chí, bài chân dung, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu truyền hình.
Tác phẩm phải đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục cao về nội dung và hình thức thể hiện. Ngoài ra, còn một số vấn đề cụ thể cần lưu ý.
Về điều kiện tham dự cuộc thi: Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí và các cá nhân quan tâm đến chủ đề cuộc thi là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài (viết bằng tiếng Việt) có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên và đáp ứng các điều kiện đều có thể gửi bài tham dự cuộc thi.
Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 3 tác phẩm phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu. Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho nhóm tác giả. Số tác giả của một nhóm tối đa là 7 người.
Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo tạo điều kiện động viên, khuyến khích phóng viên, hội viên lựa chọn tác phẩm gửi dự cuộc thi.
Về thời gian và địa chỉ nhận tác phẩm tham dự cuộc thi: Thời gian nhận tác phẩm: từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/8/2021 (theo dấu bưu điện).
Giải thưởng được xét theo từng loại hình báo chí, tổng số giải thưởng bao gồm: 4 giải A, mỗi giải 20 triệu đồng; 4 giải B, mỗi giải 15 triệu đồng; 8 giải C, mỗi giải 10 triệu đồng; 12 giải khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng.
Ngoài ra Ban Tổ chức Cuộc thi có thể xem xét bổ sung thêm một số giải thưởng khác theo đề xuất của Hội đồng Giám khảo. Mọi tranh chấp, thắc mắc về cuộc thi, quyết định của Ban Tổ chức Cuộc thi là quyết định cuối cùng.
Toạ đàm về kỹ năng lao động |
Với những nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua, hoàn tất các mục tiêu của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020, chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã được khẳng định, thể hiện rõ nét vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Chất lượng đào tạo nghề nghiệp Việt Nam năm 2019 tăng tới 13 bậc. Việt Nam là nước tăng cao nhất trong khu vực ASEAN.
Có thể nhận thấy, thời gian qua, việc gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhìn nhận của doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực thể hiện trong việc hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp, hiệp hội... với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp và tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Việc đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng và năng lực hành nghề cho người lao động được Đảng, Nhà nước chú trọng. Giáo dục nghề nghiệp đã từng bước khẳng định vị thế, tạo niềm tin với xã hội về vai trò, trách nhiệm của mình trong sử dụng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng.
Thông qua các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, thành tích của các thí sinh Việt Nam luôn được cải thiện, tạo dấu ấn khi 3 lần xếp thứ nhất toàn Đoàn các nước ASEAN; giành nhiều chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc và huy chương tại kỳ thi KNN thế giới. Đặc biệt tại kỳ thi gần đây nhất vào năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam huy chương Bạc tại kỳ thi kỹ năng nghề thế giới tổ chức tại Liên bang Nga, xếp thứ 25/63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia dự thi.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ: "Hội Nhà báo hàng năm được giao nhiệm vụ tổ chức các giải báo chí quan trọng, số lượng lên đến 15 cuộc thi. Thế nhưng, đây là cuộc thi mới nhất mà Hội Nhà báo tham gia. Việc này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hội Nhà báo Việt Nam đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.
Nhằm khẳng định vị trí, vai trò, nhận thức về kỹ năng lao động và kỹ năng nghề nghiệp của cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Chúng ta bị hút vào việc đào tạo bằng cấp quá nhiều, nếu chỉ quan tâm vào việc đào tạo để lấy bằng cấp thì lấy đâu ra người lao động trực tiếp".