Phát hiện 32 người nhiễm virus Zika
Từ đầu năm 2017 đến nay, ngành y tế đã xét nghiệm hơn 700 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 32 người mắc Zika tại 9 tỉnh, thành phố. Muỗi truyền virus Zika cũng là muỗi gây bệnh SXH.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 10-2017 cả nước ghi nhận hơn 23.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 8 người tử vong. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện gần 150.000 trường hợp SXH (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó 30 người tử vong.
Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng cũng diễn biến phức tạp với gần 82.000 người mắc, riêng tháng 10 ghi nhận hơn 19.500 ca.
Theo TS. Masaya Kato - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, lý do WHO nhận định Zika là mối quan ngại đối với y tế cộng đồng không phải do tốc độ lây lan của virus mà do các biến chứng nguy hiểm của bệnh này.
Đối với trẻ sơ sinh, cụ thể là gây teo não và hội chứng Guillain-Barré, một loại rối loạn hệ thống miễn dịch tác động đến thần kinh gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân.
Do đó, phụ nữ có thai, đang có ý định và có nguy cơ mang thai là những đối tượng cần cẩn trọng nhất. Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.
Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần và vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh.