Quản lý, sử dụng tem điện tử và những băn khoăn của doanh nghiệp
Nhiều điểm mới về quản lý và sử dụng tem điện tử
Ngày 23/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử”.
Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (rượu, thuốc lá) sẽ phải dán tem điện tử cho sản phẩm. Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý sử dụng ấn chỉ thuế. Người nộp thuế hoàn toàn chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng, truyền các dữ liệu thông tin tem điện tử về cơ quan quản lý theo quy định.
Về việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử, dự thảo Thông tư quy định, tem điện tử là tem có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường và có chứa các thông tin, dữ liệu điện tử được kích hoạt, tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước.
Sản phẩm thuốc lá nhập khẩu và sản xuất tiêu thụ trong nước phải được dán tem theo quy định tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Mỗi bao thuốc lá được dán 1 con tem. Tem được dán tại vị trí đảm bảo nguyên tắc khi mở bao thuốc lá tem sẽ rách.
Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải dán tem theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại.
Ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo |
Đối với hàng sản xuất trong nước, Tổng cục Thuế thực hiện in, phát hành tem thuốc lá sản xuất trong nước, rượu sản xuất trong nước.
Các tổ chức, cá nhân có giấy phép sản xuất rượu (bao gồm giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, giấy phép sản xuất rượu công nghiệp) để tiêu thụ trong nước, phải thực hiện dán tem đúng quy định trước khi đưa sản phẩm đi tiêu thụ trong nước.
Căn cứ kế hoạch nhập khẩu hằng năm, chậm nhất là ngày 15/5 của năm liền trước năm kế hoạch, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tài khoản được cơ quan hải quan cấp truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan để đăng ký kế hoạch mua tem, gồm các nội dung: Loại tem, ký hiệu mẫu tem, số lượng tem cần mua.
Doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn
Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ những quy định tại dự thảo Thông tư này còn nhiều băn khoăn liên quan đến các quy định mới.
Một trong những điểm mà các doanh nghiệp tham dự hội thảo đặc biệt quan tâm đó là chất lượng của con tem điện tử.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết: “Theo hiểu biết của chúng tôi, hiện nay một số nhà sản xuất đã thực hiện việc dán mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ lên sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, chất lượng của các mã QR này rất khác nhau do chưa có một bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn chung nào cho mã QR phục vụ mục đích truy xuất xuất xứ được ban hành.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo chất lượng và tính đồng nhất trong quá trình triển khai trước khi ban hành những văn bản ứng dụng mã QR này”.
Ông Nguyễn Triết, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đóng góp ý kiến vào dự thảo thông tư tại hội thảo |
Về quy định các doanh nghiệp thuốc lá phải mua tem điện tử thay vì được cấp phát miễn phí theo điều 37 và điều 46 Nghị định 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn hoạt động kinh doanh thuốc lá hiện nay.
Ông Nguyễn Triết, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng nên tiếp tục duy trì chế độ cấp tem miễn phí như hiện nay bằng việc sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước (như nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá) để chi trả cho kinh phí in ấn và phát hành tem điện tử.
“Hiện nay, các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu trong nước đang chịu tác động mạnh mẽ của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá: In cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, tỷ lệ đóng góp vào Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá tăng từ 1,5 lên 2,0% kể từ 1/5/2019, thuế tiêu thụ đặc biệt cao, tăng từ 70 lên 75% kể từ ngày 1/1/2019.
Bên cạnh đó, các đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu quốc tế cũng như thuốc lá nhập lậu. Do đó, để giúp các đơn vị đảm bảo sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, Hiệp hội đề nghị xem xét việc tiếp tục duy trì chế độ cấp tem miễn phí”, ông Triết chia sẻ.
Đại diện đến từ một doanh nghiệp thuốc lá chia sẻ băn khoăn làm thế nào để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm thông qua mã QR trên con tem.
Nếu phải vào cổng thông tin điện tử của Chính phủ hay của Tổng cục Thuế mới kiểm tra được nguồn gốc của sản phẩm dựa trên mã QR thì có lẽ con tem mới sẽ không giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tra soát nguồn gốc của sản phẩm.
Ngoài ra, đại diện một số doanh nghiệp cũng bày tỏ quan ngại về chất lượng đồng bộ của các hệ thống quản lý thông tin điện tử. Cụ thể, theo dự thảo Thông tư, doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều bước để có thể thực hiện mua tem, trong đó có một số bước cần được thực hiện trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan hải quan đối với sản phẩm nhập khẩu và cơ quan thuế đối với sản phẩm sản xuất trong nước.
Do đó doanh nghiệp lo ngại về giải pháp xử lý trong trường hợp các hệ thống này bị lỗi dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn tất được bước đăng ký kế hoạch sử dụng tem, hoặc kết quả tra cứu đăng ký không hiển thị được khi doanh nghiệp tới mua tem.
Đồng thời, những lỗi hệ thống này cũng có thể dẫn đến việc lượng tem phát hành ra không đủ để đáp ứng nhu cầu mua tem của doanh nghiệp, dẫn đến việc chậm chễ kế hoạch lưu thông sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt trong những dịp cao điểm như ngày lễ, Tết.
Vì vậy, một số doanh nghiệp đề nghị, để có thể tận dụng tối đa những ưu việt của các công cụ điện tử như mã QR, các cơ quan quản lý cần chú trọng trước tiên vào việc phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo việc quản lý thông tin của doanh nghiệp, cũng như lưu trữ tra cứu thông tin tem điện tử để đảm bảo công tác mua tem cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm đều được trơn tru, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tân, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính) khẳng định, cơ quan soạn thảo đã lắng nghe, ghi nhận các ý kiến góp ý của doanh nghiệp và cân nhắc xem xét điều chỉnh những quy định trong dự thảo thông tư với tinh thần giảm thiểu tối đa các phát sinh về tài chính và hành chính lực của doanh nghiệp trong việc thực hiện dán tem điện tử theo quy định mới.