Quảng Nam: Chủ mỏ cho thuê đất khai thác khoáng sản khi giấy phép đã hết hạn?
Xe tải vận chuyển đá thành phẩm từ mỏ Tây Hòa Vân ra ngoài vào sáng 19/9 (Ảnh: V.Q) |
Liên quan đến mỏ đá Tây Hòa Vân của Công ty TNHH Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) tại thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), ngày 24/9, theo tìm hiểu của phóng viên, giấy phép hoạt động khai thác mỏ và diện tích đất sử dụng chế biến đá thành phẩm đã hết hạn vào tháng 4/2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang cho một đơn vị khác thuê lại đất cùng máy móc, thiết bị... để tiếp tục chế biến khoáng sản và vận chuyển đi tiêu thụ.
Cho đơn vị khác hoạt động khi đã hết hạn thuê đất
Theo hồ sơ, mỏ đá trên được ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký quyết định đồng ý cho phép Công ty Rạng Đông thuê đất để xây dựng các hạng mục phụ trợ, khu sản xuất, chế biến đá tại mỏ đá Tây Hòa Vân, thôn Hòa Vân vào ngày 24/8/2017.
Theo đó, Công ty Rạng Đông được UBND tỉnh Quảng Nam cho thuê hơn 2,3ha đất (có mặt bằng sạch - từ loại đất rừng sản xuất) để xây dựng các hạng mục phụ trợ, khu sản xuất, chế biến đá tại thôn Hòa Vân. UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Công ty Rạng Đông được trả tiền thuê đất hàng năm với thời hạn thuê đất đến hết tháng 4/2023 (Quyết định số 2087/QĐ-UBND ngày 4/7/2013).
Mỏ đá Tây Hòa Vân tại xã Tam Nghĩa (Ảnh: V.Q) |
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trong nhiều ngày qua, các công nhân và máy móc mỏ này vẫn hoạt động sản xuất đá. Hàng loạt xe tải ra vào hàng ngày chở đá thành phẩm đi tiêu thụ.
Theo đó, trong những ngày gần đây tại khu vực chế biến đá của mỏ Tây Hòa Vân có hàng chục thiết bị máy móc các loại (máy nghiền, xe múc, băng chuyền...) vẫn hoạt động nghiền, xay đá thành phẩm với nhiều kích cỡ.
Theo quan sát của phóng viên, khu vực quanh mỏ không lắp đặt camera theo dõi theo quy định. Đơn vị vận chuyển đá thành phẩm không cho xe vận chuyển đi qua trạm cân mà sang đường bên cạnh theo dọc tuyến Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sau đó, xe đi qua hầm chui cao tốc để ra Quốc lộ 1A.
Một nam công nhân tại mỏ Tây Hòa Vân cho biết, số xe tải chở đá thành phẩm ra vào mỏ là của Công ty Vinaconex 25. Xe của này "đi tạm" đường của mỏ Tây Hòa Vân để ra Quốc lộ 1A. Để làm rõ, phóng viên đã liên hệ với Công ty Vinaconex 25 thì được đơn vị này cho biết không có chuyện "mượn đường".
Công ty Vinaconex 25 khẳng định, mỗi mỏ khoáng sản đều phải có một đường công vụ ra vào riêng để hoạt động theo quy định. Nếu mượn đường vận chuyển là vi phạm quy định về hoạt động khai thác khoáng sản.
Hệ thống máy móc chế biến đá được tập kết tại mỏ Tây Hòa Vân (Ảnh: V.Q) |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, đại diện Công ty Rạng Đông (trụ sở đóng tại Quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa), thừa nhận hiện nay, công ty đang cho một đơn vị khác là Công ty TNHH Tổng hợp Quân Phát (ở thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa) thuê máy móc, thiết bị hiện có để chế biến đá từ tháng 1/2023.
Cũng theo đại diện Công ty Rạng Đông, kể từ ngày cho công ty này thuê tài sản, đơn vị không còn liên quan đến mỏ đá Tây Hòa Vân. Tuy nhiên, về pháp nhân của mỏ đá thì Công ty Rạng Đông vẫn là đơn vị quản lý và duy trì theo quy định.
Đối với giấy phép hoạt động, đại diện Công ty Rạng Đông khẳng định đơn vị đã nộp hồ sơ gia hạn lên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Hiện, đơn vị đang chờ được cấp phép gia hạn khai thác mỏ.
Đối với việc hết thời hạn thuê đất, phía Công ty Rạng Đông cho biết vẫn thực hiện việc nộp tiền thuê đất hàng năm cho Cục Thuế tỉnh Quảng Nam (khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm).
Về việc lắp đặt camera theo quy định tại mỏ, đại diện Công ty Rạng Đông cho biết đơn vị đang hoạt động hiện nay nói không lắp đặt. Tuy nhiên, Công ty Rạng Đông khẳng định vẫn cho lắp đặt.
Một lượng lớn đá thành phẩm chờ được vận chuyển đi tiêu thụ (Ảnh: V.Q) |
Lực lượng kiểm tra hoạt động khai thác mỏ còn mỏng?
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND huyện Núi Thành cho biết, việc mỏ khoáng sản hết hạn theo giấy phép, hết hạn thuê đất về nguyên tắc không được tiếp tục khai thác đá (nổ mìn) trong thời gian xin gia hạn.
Theo UBND huyện Núi Thành, đơn vị quản lý mỏ vẫn được phép sản xuất, chế biến đá tại mỏ nếu đá từ quá trình khai thác vẫn còn sau khi hết hạn giấy phép. Đại diện UBND huyện Núi Thành cho rằng, nếu phát hiện đơn vị trên địa bàn huyện có hành vi khai thác khoáng sản trái phép thì cá nhân, tổ chức có thể báo trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị liên quan để làm cơ sở xử lý theo quy định.
Theo đại diện Công ty Rạng Đông, kể từ ngày cho công ty này thuê tài sản, đơn vị không còn liên quan đến mỏ đá Tây Hòa Vân |
Được biết, vào ngày 9/5/2023, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã có Văn bản gửi Công ty Rạng Đông về việc diện tích đất đã hết thời hạn thuê. Cục Thuế yêu cầu đơn vị này liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục gia hạn thuê đất. Trong thời gian chờ gian hạn, Cục Thuế đề nghị đơn vị nộp tiền thuê đất theo đơn giá thuê hàng năm, chu kỳ 5 năm.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, mỏ đá được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép hoạt động khai thác và cho thuê đất làm khu chế biến nay đã hết hạn. Tuy nhiên, Công ty Rạng Đông lại cho đơn vị khác thuê cùng với thiết bị, máy móc để tiếp tục chế biến khoáng sản có đúng với quy định của pháp luật về hoạt khai thác khoáng sản hay không?
Công văn của UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Công ty Rạng Đông thuê đất, thời hạn đến hết tháng 4/2023 |
Những hình ảnh được phóng viên ghi nhận tại mỏ đá Tây Hòa Vân, xã Tam Nghĩa của Công ty Rạng Đông trong những ngày gần đây:
Mỏ đá Tây Hòa Vân rộng hơn 7,7ha |
Khu vực tập trung máy móc, thiết bị chế biến, sản xuất đá thành phẩm |
Hệ thống đầu nghiền của Công ty Rạng Đông được cho thuê lại |
Hệ thống máy nghiền, xay đá thành phẩm |
Khu vực chứa đá thành phẩm |
Đá thành phẩm được tập kết cao hàng chục mét |
Xe tải vận chuyển đá thành phẩm từ mỏ... |
... để ra bên ngoài theo hướng Quốc lộ 1A |
Đường đi của xe tải vận chuyển đá từ mỏ Tây Hòa Vân nằm dọc Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Ảnh: V.Q) |