Quảng Nam: Phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Trà Vinh chủ động thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp Nỗ lực thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp Giải quyết kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động |
Linh hoạt giải quyết chính sách
Thời gian qua, để tăng cường nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn việc làm, học nghề cho người lao động, các đơn vị doanh nghiệp tại các buổi tư vấn, các phiên giao dịch việc làm và thông tin thị trường lao động.
Với đặc điểm nhiệm vụ, công tác phải tổ chức tiếp xúc nhiều người trong giải quyết công việc, nên từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc triển khai các biện pháp chống dịch cấp bách đã tác động, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Song, Trung tâm đã có những biện pháp kịp thời chuyển đổi hình thức tiếp cận phù hợp trong điều kiện phòng chống dịch.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam, để được giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, lao động ở vùng xanh có thể trực tiếp đến nộp hồ sơ. Còn những lao động ở vùng giãn cách, có thể nộp qua bưu điện, hoặc gửi qua zalo, email để đảm bảo thông tin chính xác và không trễ ngày.
Với lao động ngoài tỉnh, Trung tâm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh hồ sơ để giải quyết cho người lao động.
Ngoài ra, những lao động về từ các tỉnh, thành có dịch đang thực hiện cách ly tập trung hay tại nhà, Trung tâm hướng dẫn việc có thể gửi qua bưu điện để được hỗ trợ giải quyết trực tuyến. Hồ sơ gồm: Xác nhận tham gia bảo hiểm xã hội, quyết định nghỉ việc, đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam |
Theo ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam, những lao động không có bất cứ giấy tờ gì do phải về tránh dịch, có thể liên hệ với nơi họ làm việc, để đề nghị hỗ trợ bằng cách gửi hồ sơ, hình ảnh qua zalo, email.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ của người lao động, cán bộ của Trung tâm có trách nhiệm liên hệ xác minh thông tin để giải quyết cho người lao động, tiến hành kiểm tra, xác định thành phần, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Với các hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa đầy đủ những thông tin cần thiết theo quy định, như: Quyết định thôi việc hoặc quyết định sa thải; quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp động làm việc; sổ bảo hiểm xã hội, thẻ căn cước công dân... đều được hướng dẫn bổ sung kịp thời. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì hồ sơ gốc của người lao động có thể nhận qua đường bưu điện. Tiền bảo hiểm thất nghiệp được chi trả qua tài khoản ngân hàng, người lao động không phải đi nhận trực tiếp.
Điểm tựa cho người lao động mất việc làm
Anh Trương Quang Hà (trú xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có hơn 14 năm làm công nhân chế tạo xà gồ, máy cán tôn ở TP HCM với thu nhập khoảng 14 triệu đồng một tháng. Khi dịch Covid-19 bùng phát, anh trở về quê và thất nghiệp.
Khi làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp, nam công nhân này gặp rất nhiều khó khăn. Anh không thể vào lại TP HCM để lấy hồ sơ vì đang giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Bưu điện ngừng hoạt động, công ty không thể gửi hồ sơ về nhà anh được. Được sự hướng dẫn của Trung tâm, anh yêu cầu công ty ra quyết định nghỉ việc, chụp hình, quay clip tất cả hồ sơ rồi gửi qua mạng zalo.
Anh Trương Quang Hà đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 14 năm 9 tháng, nên được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với sự hướng dẫn nhiệt tình của nhân viên Trung tâm, anh Trương Quang Hà đã được nhận số tiền hơn 3,1 triệu đồng/tháng, tối đa được 12 tháng với số tiền gần 37,5 triệu đồng.
Được biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam trong năm qua (tính đến ngày 1/12/2021) đã tiếp nhận 10.846 người có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Quảng Nam đề nghị hỗ trợ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cùng với đó, có 2.450 người nơi khác về nộp hồ sơ hưởng trợ cấp này. Số tiền Trung tâm chi trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm đến nay hơn 115,1 tỷ đồng với hơn 10.800 người.
Người lao động được giới thiệu việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam |
Ngoài việc thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam còn mở rộng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, thu thập và cung ứng thông tin thị trường lao động, tổ chức hoạt động sàn giao dịch việc làm.
Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối việc làm cho người lao động.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các phiên giao dịch việc làm vẫn sẽ là một cách làm cần duy trì và phát huy để những doanh nghiệp ở xa vẫn có thể tuyển dụng được lao động theo nhu cầu.
Gần 10 năm bôn ba mưu sinh ở TP HCM, anh Nguyễn Phước Kỳ ở xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam chưa bao giờ nghĩ sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn như vừa qua. Dịch COVID-19 bùng phát, anh Kỳ và hơn 580 người dân Tam Kỳ đang sống, làm việc tại TP HCM được tỉnh Quảng Nam đón về quê vào giữa tháng 7 vừa qua. Sau khi kết thúc thời gian cách ly theo quy định, Nguyễn Phước Kỳ được địa phương giới thiệu vào làm tại một cửa hàng mua bán và sửa chữa máy tính trên đường Hùng Vương, TP Tam Kỳ.
“Lần này em về là về luôn, kiếm một việc làm ổn định ở đây luôn. Cũng may mắn là được bên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam hỗ trợ hồ sơ, thủ tục và kết nối cho em có được việc làm. Em đã đi làm chính thức được 3 tháng rồi, em rất mừng vì điều đó”- anh Kỳ cho biết.
Nhiều người lao động được giới thiệu việc làm thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh |
Tính đến tháng 12/2021, với nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung ương xuống địa phương nên tổng số lượt người được giới thiệu việc làm trong năm là 1.638 người với 46 phiên giao dịch việc làm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Trong đó, giới thiệu việc làm trong nước là 1.621 người và 17 người đi nước ngoài. Giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp cao nhất với 764 người. Hiện trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng lớn với hơn 19.000 việc làm của hơn 156 doanh nghiệp.