Quảng Ninh: Chú trọng tạo việc làm và thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Liên tiếp phải chịu ảnh hưởng của làn sóng Covid-19, nhất là 6 tháng đầu năm 2021, nên nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giảm so với mọi năm; thêm vào đó, nhiều lao động mất việc làm buộc địa phương, ngành chức năng phải có giải pháp linh hoạt để giải quyết việc làm, hướng dẫn các chính sách liên quan tới bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, trong vòng 3 năm (từ 2017-2019) Trung tâm tiếp nhận tổng số 7.400 hồ sơ giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát và chỉ riêng 1 năm, Trung tâm đã tiếp nhận gần 12.000 lao động làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp, tăng 60% so với năm 2019. Điều này cho thấy, áp lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cũng như giải quyết chế độ chính sách, quyền lợi cho người thụ hưởng.
Anh Lê Xuân Lộc, phường Cẩm Thạch (TP Cẩm Phả) đã có thời gian hơn 3 năm làm công nhân tại một doanh nghiệp ở tỉnh Long An. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp giảm nhân công, anh Lộc mất việc và trở về quê. Anh Lộc cho biết: Sau khi về nhà, tôi chưa tìm được việc, điều kiện khó khăn, giữa tháng 3/2021, tôi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Chi nhánh TP Cẩm Phả. Trong thời gian hưởng trợ cấp, tôi vẫn liên hệ xin việc mong tìm được công việc phù hợp.
Hiện nay, quy trình làm hồ sơ, thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhanh gọn, thuận lợi. Người lao động làm hồ sơ nộp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, Trung tâm đánh giá, ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày ra quyết định, cơ quan BHXH thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo 2 hình thức, qua thẻ ATM và nhận tiền mặt qua dịch vụ bưu điện.
Hàng tháng người lao động phải đến địa điểm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh khai báo tình trạng việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Theo số liệu của BHXH tỉnh, trong quý I/2021, BHXH tỉnh đã chi trả trợ cấp BHTN cho 2.926 lượt người với tổng số tiền 35,7 tỷ đồng.
Không chỉ chi trả trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh còn tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề để người lao động có cơ hội tìm kiếm, thích ứng với việc làm mới quay lại với thị trường lao động.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh việc duy trì hoạt động định kỳ hằng tháng của 4 sàn giao dịch việc làm tại thành phố Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí, với tần suất 6 phiên/tháng thì Trung tâm triển khai thêm hình thức kết nối online. Chính nhờ việc linh hoạt như vậy nên 6 tháng đầu năm 2021, vẫn có trên 7.000 lượt lao động được tư vấn việc làm, giới thiệu việc làm cho trên 2.200 lượt lao động thất nghiệp, mất việc.
Bên cạnh đó, việc kết nối doanh nghiệp và Trung tâm để giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp luôn là vấn đề được Quảng Ninh quan tâm.
Người lao động Quảng Ninh phỏng vấn online |
Có thể thấy, với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động, ngoài bố trí cho các doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng tại các phiên giao dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã đăng thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên trang web của Trung tâm; xây dựng kho dữ liệu cung - cầu lao động; thực hiện tư vấn nghề nghiệp cho người lao động; duy trì 3 trang facebook sàn giao dịch việc làm TP Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí…để tuyên truyền, tạo điều kiện cho người lao động truy cập, từ đó liên hệ với các công ty để đăng ký tuyển dụng.
Là một trong những lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhờ sự linh hoạt này, anh Nguyễn Văn Vinh ở thị trấn Đầm Hà, học trung cấp điện nước, ra trường được vài năm nhưng không tìm được việc làm. Anh Vinh đành đi làm “xe ôm” với nguồn thu nhập không ổn định. Tuy nhiên, từ khi Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đi vào hoạt động, anh Vinh đã được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.
Theo anh Vinh, quãng đường từ nhà đến công ty khoảng 27km, nhưng có xe công nhân đưa đón nên cũng thuận tiện. Được biết, từ khi làm công nhân Khu công nghiệp, anh Vinh đã có nguồn thu nhập ổn định để chăm sóc gia đình.
Không chỉ có anh Vinh mà rất nhiều lao động ở huyện Đầm Hà, Hải Hà đã có việc làm đảm bảo cuộc sống khi nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa phương.
Đối với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, việc thường xuyên liên hệ, trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Điều này vừa để nắm bắt tình hình lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, vừa tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác đào tạo lao động, giới thiệu việc làm, qua đó nâng cao chất lượng nguồn lực lao động trên địa bàn.
Không nằm ngoài “quỹ đạo”, các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng tổ chức nhiều buổi gặp mặt, khảo sát tại các doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các huyện, thị xã, thành phố còn tích cực tuyên truyền, vận động đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh hộ gia đình, nông trại, gia trại... để tạo việc làm...
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh để được tư vấn, giới thiệu việc làm |
Được biết, mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là hướng đi chính trong thời gian tới. Tỉnh này phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh là 15% và đạt 20% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, Quảng Ninh đưa ra một trong những giải pháp quan trọng nhất là đào tạo lại nguồn nhân lực.
Xác định được rõ hướng đi, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đề ra mục tiêu mỗi năm giải quyết việc làm cho 29.500 lao động. Cụ thể, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thông qua dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho 7.000 lao động trở lên; giải quyết việc làm thông qua các dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công cho 1.500 lao động trở lên; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 400 lao động trở lên; giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh cho 20.600 lao động; nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh lên trên 45%.
Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, các hội đoàn thể, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp đẩy mạnh truyền thông thông tin thị trường lao động, chính sách trợ cấp thất nghiệp, các mô hình, điển hình trong công tác giải quyết việc làm; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác lao động, việc làm cấp huyện, xã; giám sát, đánh giá các hoạt động trong chương trình.
Là người đứng đầu ngành chuyên môn của tỉnh, theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn, Sở sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm để người lao động yên tâm tìm kiếm công việc phù hợp.
Theo đó, thông qua xây dựng kho dữ liệu cung - cầu lao động; thực hiện tư vấn nghề nghiệp cho người lao động, nhất là thanh niên, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn, lao động di cư, học sinh, nhất là người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh; phát triển các hình thức tư vấn, giới thiệu trực tuyến để phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp như hiện nay.