Rộn ràng không khí Tết trên khắp các miền quê Việt Nam
Tết "xê dịch" thêm yêu quê hương Tết của những “chiến sĩ áo trắng” thầm lặng Người trẻ quê vùng dịch ở lại thành phố: Lạc quan đón Tết xa nhà Tết ấm lòng bệnh nhân nội trú |
Hạnh phúc khi được xum vầy cùng con cháu
Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm và quan trọng của người Việt. Đây cũng là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam qua bao đời nay. Những ngày này, dù người dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở đâu thì cũng đều tạm dừng công việc, trở về bên gia đình, cùng nhau chờ đón giao thừa, trò chuyện, kể cho nhau nghe những câu chuyện đã qua và trao nhau lời chúc, hy vọng vào năm mới đến.
Để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ngay từ đầu tháng Chạp năm Canh Tý, ông Lê Khắc Lượng (Dân Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên) đã lựa chọn kỹ lưỡng từng nải chuối, quả bưởi, nhánh cau, cành đào, cành quất để trưng bày trong dịp Tết.
Ông Lê Khắc Lượng (bên trái) cùng con gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán |
Vừa sửa soạn lá dong để gói bánh chưng, vừa trò chuyện cùng con cháu, ông Lượng vui mừng chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 30 Tết, cả gia đình tôi lại quây quần để gói bánh chưng và làm cơm cúng Tất niên. Mặc dù Tết nay đã khác Tết xưa rất nhiều nhưng gia đình tôi vẫn giữ gìn truyền thống để con cháu được biết về không khí Tết xưa như việc gói bánh chưng hay làm các món ăn cổ truyền như gói giò xào, thịt nấu đông, nấu chè kho...
“Nhìn các cháu vui chơi, nô đùa trước sân nhà, các con tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng Tất niên tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tuổi già, chẳng mong gì hơn ngoài việc con cháu xum vầy, cùng nhau đón chào năm mới”, ông Lượng bày tỏ.
Với người Việt Nam, giây phút cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm, cùng ngồi trò chuyện bên nồi bánh chưng, cùng háo hức đón giây phút giao thừa…là những khoảnh khắc thiêng liêng và được mong chờ nhất.
Cùng nhau trang trí nhà cửa để đón xuân sang là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam |
Tết sum họp nên yêu thương cũng nhiều hơn, chia sẻ cũng nhiều hơn. Chị Phan Thị Hà (Nam Đàn, Nghệ An) tâm sự: Dịp Tết đến, nhà nhà sửa soạn nào lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn rồi dưa hành, bánh mứt để mang đến cho gia đình một cái Tết đủ đầy.
“Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên gia đình tôi lựa chọn ăn Tết ở nhà, không đi du xuân đầu năm giống như mọi khi. Cả gia đình ông bà, bố mẹ cùng các con, cháu đều xum họp bên mâm cơm chiều cuối năm để cùng cầu chúc một năm mới an khang thịnh vượng đến tất cả mọi người dân”, chị Hà nói.
Vui xuân nhưng không quên phòng chống dịch bệnh
Tết đến là dịp để những người con xa quê trở về gia đình, xum họp với người thân để cùng nhau kể lại câu chuyện trong năm vừa qua. Đây là khoảnh khắc thiêng liêng, mạng đậm nét cổ truyền của người dân Việt Nam.
Anh Hồ Mậu Công (Nghệ An) sửa soạn, bày mâm ngũ quả chuẩn bị đón giờ phút giao thừa |
Anh Hồ Mậu Công (Nghệ An) chia sẻ: Những ngày cận Tết, cả gia đình tôi cùng nhau trang trí, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho ngày Giao thừa và năm mới, từ những cành đào thắm, mai vàng đến mâm ngũ quả, tranh thờ… Vào ngày 30 Tết, khi các thành viên đã tề tựu đông đủ, tất cả đoàn tụ bên mâm cơm gia đình, cùng ngồi với nhau kể chuyện bên chén trà, ly rượu nơi phòng khách, xem các chương trình giải trí và chờ đợi giao thừa, nguyện cầu cho một năm mới an khang thịnh vượng và muôn điều hạnh phúc, may mắn sẽ đến.
“Tết là đoàn tụ nên cố gắng sắp xếp có mặt bên cạnh người thân trong thời khắc đón mừng năm mới. Tết không chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi sau thời gian làm việc vất vả mà là dịp để gặp gỡ, hàn huyên, chia sẻ để thêm trân quý, yêu thương, vun đắp nghĩa tình khăng khít. Năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các gia đình có người thân, con cháu ở xa đều nhắc nhở nhau sum họp nhưng trên hết vẫn phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, cũng là bảo vệ cộng đồng”, anh Công nhắn nhủ..
Ngày Tết là dịp để các thành viên đoàn tụ bên mâm cơm gia đình |
Năm cũ sắp qua đi, một năm mới đang tới và nhà nhà đang tất bật chuẩn bị mâm cơm chiều tất niên. Lại ước sao, mỗi gia đình đều sum họp, vì Tết sum họp đủ đầy mới là một cái Tết trọn niềm vui.
Khép lại một năm bận rộn với bao lo toan, bộn bề của cuộc sống. Không khí đón xuân mới đang nhộn nhịp và lan tỏa khắp nơi. Cầu mong mọi người, mọi nhà đều đón Tết Kỷ Hợi hạnh phúc và bình an.