Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Còn băn khoăn về cân bằng lợi ích
Hướng tới thay đổi hành vi, định hướng tiêu dùng
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một trong 34 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XV. Cho ý kiến về dự luật này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội còn băn khoăn việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng không phải là hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng của xã hội, trong đó có sản phẩm điều hoà.
![]() |
Các ĐBQH đoàn TP Hà Nội dự kỳ họp thứ 9 của Quốc hội |
Theo dự thảo Luật, tại Điều 2 về đối tượng chịu thuế và Điều 8 về thuế suất và mức thuế tuyệt đối, quy định loại điều hoà công suất từ 18.000 đến dưới 90.000 BTU vẫn phải chịu thuế này 10% (tương tự mức duy trì từ 2008 đến nay). Loại điều hòa nhiệt độ công suất nhỏ (dưới 18.000 BTU) và loại công suất lớn, trên 90.000 BTU không chịu thuế.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, có hại cho môi trường, cộng đồng xã hội.
Vì vậy, khi ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì tác động là phải thay đổi hành vi, còn nếu không thay đổi hành vi thì Luật không đạt được. Với nguyên lý như vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, một số đề xuất trong dự thảo Luật còn có điểm chưa hợp lý.
Về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, nếu quy định tăng thuế lên 10% thì người dân vẫn dùng điều hòa và không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được. Vì vậy, đối với các sản phẩm thiết yếu, đại biểu cho rằng, không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt, điển hình như mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ.
![]() |
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tại hội trường |
Một số đại biểu cũng cho rằng, điều hòa hiện không còn là hàng xa xỉ, mà trở thành nhu cầu phổ biến, thiết yếu cho đời sống người dân ở đô thị, nông thôn. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa, thực tế không làm giảm nhu cầu, thuế cao nhưng người dân vẫn phải sử dụng để đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt.
Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa dân dụng (dưới 90.000 BTU), chỉ nên đánh thuế hệ thống điều hòa công suất lớn. Việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa dân dụng sẽ hỗ trợ trực tiếp giảm giá thành, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước mở rộng thị trường
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay có một số nước đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ với 2 lý do: Một là liên quan đến tiết kiệm năng lượng; hai là liên quan đến chất làm lạnh gây hại tới môi trường, gây hại đến tầng ozon.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 496/QĐ-TTg, ngày 11/6/2024 ban hành kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, đã yêu cầu đến năm 2045 hạn chế và không sản xuất, nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng, điều hòa sử dụng các chất HCFC, HFC gây ảnh hưởng đến tầng ozone, cho nên việc đánh thuế tiêu thụ điều hòa nhiệt độ cần được quan tâm.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu, có thể nâng lên ở mức công suất điều hoà từ trên 24.000 BTU trở lên đến dưới 90.000 BTU sẽ đưa vào diện chịu thuế đặc biệt.
![]() |
Một số đại biểu đề nghị bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa dân dụng (dưới 90.000 BTU), chỉ nên đánh thuế hệ thống điều hòa công suất lớn |
Bài toán sức khoẻ và mục tiêu ngân sách
Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại dự thảo là “Mở rộng cơ sở tính thuế”, trong đó có quy định: “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt” với thuế suất 10%.
Đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng bởi đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lo ngại bối cảnh hiện nay, chúng ta tìm mọi cách để kích cầu tiêu dùng nội địa, đang giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp, nếu tăng thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với nước giải khát có đường sẽ khiến các doanh nghiệp càng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức có thể ảnh hưởng tới các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa.
Ý kiến của một số chuyên gia và các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt như tại dự thảo luật chưa đảm bảo đạt được mục tiêu về “ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì”, chưa hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng. Đồng thời, chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần áp thuế nước ngọt sớm, không nên chờ đến khi thế hệ trẻ mắc béo phì, bệnh tật mới can thiệp. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, Bộ trưởng khẳng định việc đánh thuế có cơ sở rõ ràng, phù hợp với khuyến cáo của WHO khi Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ béo phì gia tăng do tiêu thụ nước ngọt nhiều.
Ngoài nước giải khát có đường, rượu, bia và thuốc lá cũng là những mặt hàng dự kiến phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặc dù đồng ý với mục tiêu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong việc định hướng tiêu dùng và quản lý kinh tế vĩ mô, nhưng theo nhiều chuyên gia, việc tăng thuế quá nhanh và quá cao có thể gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến giảm sản xuất, mất việc làm và thậm chí đóng cửa doanh nghiệp. Hơn nữa, khi giá rượu bia hợp pháp tăng, có nguy cơ người tiêu dùng chuyển sang sử dụng rượu bia giả, không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước...
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với 134 lượt ý kiến phát biểu. Sau khi tiếp thu các ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 9 này và chỉnh lý dự luật, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong đợt 2 của kỳ họp diễn ra trong tháng 6/2025. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Kết nối tín dụng xanh: “Đòn bẩy” để phát triển khu công nghiệp xanh

Dấu mốc quan trọng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cộng đồng doanh nghiệp

Giãn lộ trình, giảm mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu

TP Hồ Chí Minh: Giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ

Đội sửa chữa điện nóng Hotline - những chiến binh thầm lặng của EVNHANOI

Kiện toàn bộ máy quản lý Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Không loại trừ giá vàng tăng do đầu cơ, thổi giá, trục lợi

Bình Thuận: Xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 290,7 triệu USD
