Tạo động lực để khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia Chương trình OCOP
8 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Đan Phượng đợt này gồm 4 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 2 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Tổng số sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng của 8 chủ thể là 19.
Trong 8 chủ thể, Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý và Công ty CP Dược thảo Khang Thịnh là 2 đơn vị có nhiều sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng nhất, với mỗi đơn vị 4 sản phẩm. 6 chủ thể còn lại đều chỉ có 1 sản phẩm/chủ thể.
Sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP của huyện Đan Phượng đợt này chủ yếu là các loại nông sản. Đơn cử như: Đông trùng hạ hảo, bột ngũ cốc, nem Phùng, nước uống đóng chai, đậu phụ, cùng hàng chục loại rau củ quả khác nhau.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2020, địa phương đã có 56 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng, cấp sao OCOP. Huyện phấn đấu và mong muốn năm 2021 sẽ có thêm ít nhất 19 sản phẩm được chứng nhận, góp phần nâng cao giá trị cho nông sản, thực phẩm. Đồng thời, tạo động lực để khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia Chương trình trong những năm tiếp theo.
Quang cảnh hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại huyện Đan Phượng |
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, năm 2021, thành phố phấn đấu đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Cùng với huyện Đan Phượng, các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội đang tích cực rà soát, đánh giá hồ sơ để trình thành phố xem xét, tổ chức thẩm định, phân hạng.
Ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện mục tiêu của Chương trình OCOP năm 2021 cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với sự quan tâm của TP, chủ động của các địa phương và sự tích cực của các chủ thể, mục tiêu đạt 400 sản phẩm OCOP trong năm 2021 của thành phố là hoàn toàn có thể đạt được.
“Không chỉ bảo đảm đạt mục tiêu về số lượng, Hội đồng thành phố cũng sẽ làm việc nghiêm túc, bảo đảm chất lượng cho mỗi sản phẩm được phân hạng, cấp sao. Chủ trương chung của thành phố là tuyệt đối không chạy theo thành tích…”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 16/11, Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn thành phố Hà Nội đã kiểm tra, giám sát một số sản phẩm OCOP đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận trong giai đoạn 2018-2020 tại 5 chủ thể trên địa bàn 2 huyện Đan Phượng và Thanh Oai.
Đoàn kiểm tra thực tế tại hộ ông Nguyễn Văn Long, cụm 4, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) |
Tại huyện Đan Phượng, Đoàn đã kiểm tra tại hộ ông Nguyễn Văn Long, cụm 4, xã Hồng Hà là chủ thể của 8 sản phẩm rượu; Công ty cổ phần Dược liệu và thực phẩm Việt Nam xã Hạ Mỗ có 3 sản phẩm nước uống thảo dược; Công ty cổ phần Dược thảo Khang Thịnh với 2 sản phẩm đông trùng hạ thảo.
Tại huyện Thanh Oai, Đoàn kiểm tra tại 2 đơn vị sản xuất giò chả (xã Tân Ước) là hộ kinh doanh Đức Tín với 7 sản phẩm và Hợp tác xã Hoàng Long với 9 sản phẩm.
Thông qua các tài liệu, chứng từ, hồ sơ sản phẩm lưu trữ và kiểm tra thực tế tại thực địa của các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, Đoàn đã kiểm tra các nội dung về việc tuân thủ các quy định về sử dụng nhãn mác, tem sản phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và các tiêu chí khác liên quan đến tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của các đơn vị.
Kết quả kiểm tra cho thấy, các sản phẩm sau khi được công nhận đều duy trì và phát triển tốt hơn. Tuy vậy, các thành viên trong Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra một số thiếu sót trong hoạt động sản xuất của các chủ thể OCOP như: Nhãn mác một số sản phẩm các đơn vị ghi thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch so với đăng ký; Cơ sở sản xuất thiếu biển hiệu; Thiếu giấy chứng nhận, hồ sơ minh chứng chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng hoặc một số giấy chứng nhận đã hết hạn; Công tác bảo vệ môi trường nơi sản xuất cần được chú trọng hơn...
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra đã hướng dẫn và yêu cầu các chủ thể tiếp tục khắc phục những hạn chế để hoàn thiện sản phẩm hơn.