Thúc đẩy bảo hiểm thất nghiệp nhìn từ Nghị quyết số 28-NQ/TW
Phát triển bảo hiểm xã hội là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong các chính sách của Đảng và Nhà nước luôn thể hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giữ vai trò trụ cột, bền vững trong hệ thống an sinh xã hội.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội |
Đặc biệt, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã nêu rất rõ các điểm mạnh, tồn tại của các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như các giải pháp cải cách chính sách, trong đó có một số điểm nói về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhất là chức năng phòng ngừa lao động bị thất nghiệp còn mờ nhạt.
Thực tế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp những năm gần đây, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và đang từng bước hoàn thiện phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là tạo điều kiện để mọi người lao động tham gia, thụ hưởng chính sách vừa mang tính chia sẻ, vừa mang tính đóng - hưởng của người lao động.
Cũng như nhiều chính sách khác, bảo hiểm thất nghiệp rất cần phải theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phải gắn với thị trường lao động và chú ý tới người lao động khu vực phi chính thức. Kinh tế càng phát triển thì số người tham gia vào thị trường lao động cũng tăng lên, mức độ rủi ro về mất việc làm cũng tăng lên hoặc sẽ duy trì ở số lượng cao hơn càng đòi hỏi số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày phải cao hơn.
Bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động (Ảnh minh họa) |
Nếu như năm 2009, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 6 triệu người thì đến ngày 31/12/2020 con số này đã tăng lên 13,3 triệu người tham gia, tăng hơn 2 lần so với năm 2009 (chiếm tỷ lệ khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi). Đến cuối tháng 4/2022, cả nước có hơn 13,64 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 200.000 người so với thời điểm cuối năm 2021, bằng gần 80% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. So với lực lượng lao động trong độ tuổi, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 26,97%.
Qua đó có thể thấy, những chính sách bảo hiểm thất nghiệp được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, với thực tế hơn trong Luật Việc làm 2013 đã góp phần quan trọng làm tăng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, việc cải cách các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết để đạt mục đích về số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà Nghị quyết số 28 đã đưa ra.
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2021, Nghị quyết nêu rõ phải đạt mục tiêu khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt vượt mục tiêu này với tỷ lệ 29,75%. Năm 2021 dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 13,39 triệu người, tăng hơn 52,4 nghìn người so với năm 2020.
Nghị quyết số 28 cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, phải phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Đến năm 2030, phấn đấu khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đây là những mục tiêu lớn cần phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt được bởi việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian qua cũng gặp phải những khó khăn, thách thức như: Việc hình thành, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đòi hỏi thời gian dài, trong khi chính sách này mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn…
Hiện tại, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang rất chú trọng các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm… Tuy nhiên, qua nghiên cứu trao đổi cũng như thực tiễn khi đại dịch xảy ra cho thấy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần phải chú trọng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động. Ngoài ra, còn có cả các giải pháp cải cách hành chính tạo ra cơ chế quản lý tài chính, tổ chức tương thích với các chính sách khác.