Xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của Ba Vì
Tận dụng lợi thế địa phương
Với lợi thế, tiềm năng sẵn có, trong những năm qua huyện Ba Vì đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tuyên truyền vận động các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả từ Chương trình OCOP mang lại.
Trên cơ sở đó xây dựng và phát triển các sản phẩm mang đặc trưng của Ba Vì như: Sữa Ba Vì, rượu mơ Núi Tản, chè Ba Trại, miến dong Minh Hồng, gà đồi Ba Vì, mật ong núi Ba Vì, tinh bột nghệ Ba Vì, Tố Tâm chay… Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, và sự tham gia tích cực của các chủ thể, kết thúc năm 2021, toàn huyện có tổng số 101 sản phẩm được đánh giá phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó 60 sản phẩm chất lượng 4 sao, 41 sản phẩm chất lượng 3 sao.
Mô hình trồng bưởi diễn ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) |
Sản phẩm OCOP được phân theo các nhóm ngành chủ yếu là thực phẩm 98 sản phẩm; Ngành đồ uống 1 sản phẩm; Ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí 2 sản phẩm. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã góp phần quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, qua thống kê cho thấy, hiện nay mới chỉ có 13/31 xã, thị trấn có sản phẩm chiếm 42% tổng số xã, thị trấn trên địa bàn. Việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn như vay vốn, đăng ký sở hữu trí tuệ, phần lớn các sản phẩm do các doanh nghiệp và chủ thể làm tự phát, lúng túng trong định hướng phát triển và bảo vệ thương hiệu, việc liên kết chuỗi quảng bá, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế…
Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm còn thô sơ, mẫu mã bao bì đóng gói, tem nhãn chưa chuyên nghiệp, đầu tư còn ở mức độ nhất định …Vai trò của cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP một số xã chưa được phát huy, chưa có kế hoạch phát triển đa dạng các sản phẩm gắn với vùng miền, việc liên kết chuỗi quảng bá, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn…
Tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm
Thống kê của phòng kinh tế huyện Ba Vì cho thấy, hiện nay toàn huyện Ba Vì có 20 làng nghề với nhiều sản phẩm sử dụng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, 108 Hợp tác xã tổ chức sản xuất điều hành các hoạt động của các làng nghề, 180 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy cầm đang hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao. Đây là một lợi thế để các địa phương xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Mục tiêu năm 2022, huyện Ba Vì phấn đấu có thêm 30 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng năm. Để thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP trong thời gian tới đây, huyện Ba Vì tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Phòng Kinh tế huyện đẩy mạnh phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình, tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP.
Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã được công nhận; Bố trí các điểm trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, giới thiệu các tổ chức, các chuỗi liên kết tiêu thụ các sản phẩm; Tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố.
Những năm qua huyện Ba Vì đã tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của Ba Vì. |
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung thông tin: “Theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình OCOP và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, năm 2021, huyện Ba Vì đăng ký và thực hiện 38 sản phẩm OCOP.
Huyện coi đây là nhiệm vụ chính trị và tập trung chỉ đạo các xã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, tập huấn chuyên môn cho các chủ thể để phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đăng ký với thành phố. Thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản phẩm OCOP.
Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể đều chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tiếp tục nâng cao chất lượng, công suất, sản lượng, từ đó được các doanh nghiệp, trung tâm thương mại ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Thời gian tới, các chủ thể sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu, thực hiện đúng tiêu chuẩn mà các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố và cấp huyện đã chấm điểm.
Thông qua việc chuẩn hóa sản phẩm giúp người dân trên địa bàn huyện Ba Vì đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |