Bài 1: Đừng lệ thuộc vào thiết bị hiện đại
Hòa chung vào xu thế
Sự phát triển bùng nổ, lan rộng của công nghệ số hiện đại đã mang đến nhiều tiện ích, trải nghiệm mới mẻ cho mỗi người từ thành thị cho tới vùng quê. Việc kết nối internet hay sở hữu một thiết bị thông minh như smartphone, máy tính bảng… đã trở nên dễ dàng và phổ biến đối với mỗi gia đình.
Những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop, máy vi tính để bàn, ti-vi có kết nối mạng internet… được nhiều người ví như “một thành viên công nghệ” trong gia đình. Bởi mỗi người chúng ta đang dành thời gian, quan tâm, chăm sóc, làm việc, học tập và giải trí cùng với nó nhiều giờ trong ngày.
Nhiều gia đình đã lập nhóm Zalo, Facebook… trên mạng xã hội để tiện nói chuyện, trao đổi. Một tấm ảnh gia đình cùng status đăng trên trang cá nhân có thể nhận được rất nhiều lượt yêu thích và bình luận của bạn bè, người quen.
Anh Trần Việt Hưng (ở phường Văn Quán, quận Hà Đông) chia sẻ gia đình nhỏ của anh có hai vợ chồng và 2 con một cháu đang học đại học, một cháu vừa học xong lớp 8. Từ 4 năm nay anh đã lập nhóm zalo gia đình để thuận tiện trao đổi những câu chuyện như: Hôm nay nhà mình ăn gì, đưa đón con/em đi học thêm, giờ nào thì về nhà…
Gia đình lớn hơn bao gồm cả bố mẹ thân sinh và gia đình anh chị em ruột của anh cũng lập một nhóm Zalo để thỉnh thoảng nhắn nhau những việc chung như đám hiếu, đám hỉ, cùng về thăm ông bà… Anh còn là thành viên của nhóm Zalo đại gia đình để biết được những thông tin giỗ chạp, hiếu hỉ, thăm nom cô dì, chú, bác, anh chị em trong họ.
“Mình thấy trao đổi thông tin trên nhóm zalo như vậy rất thuận tiện, đỡ tốn thời gian để thông báo, trao đổi với từng người như trước đây", anh Trần Việt Hưng cho biết.
Những thiết bị công nghệ hiện đại giúp các gia đình có nhiều phương tiện giải trí hơn (Ảnh minh họa) |
Những tiện ích giải trí phong phú, đa dạng, công nghệ số giúp các thành viên gia đình giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống thường ngày, thư giãn sau thời gian học tập, làm việc mệt mỏi. Hầu như ai cũng có những thiết bị cá nhân thay vì cả gia đình chỉ có 1 chiếc TV như ngày xưa. Mỗi người trong từng độ tuổi có thể thoải mái lựa chọn những hình thức giải trí phù hợp với bản thân mình như đọc tin tức, xem phim, nghe nhạc, chơi game, hay chuyện trò, chia sẻ với bạn bè, người thân trên các mạng xã hội.
Ngoài chức năng giải trí, trẻ em cũng có thể thông qua các ứng dụng hay trò chơi hữu ích, mang tính giáo dục, học tập để rèn luyện khả năng tư duy cũng như thu nhận thêm kiến thức. Còn người lớn, bên cạnh những kiến thức thông thường khác, hoàn toàn có thể tìm kiếm các thông tin hữu ích trên internet về chăm sóc gia đình, con cái để vừa mở mang tri thức, nâng cao hiểu biết, vừa góp phần củng cố hạnh phúc.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công nghệ và cuộc sống số càng nâng cao giá trị sử dụng trong đời sống gia đình người Hà Nội. Không thể về quê hay ra khỏi khu vực giãn cách, người ở Thủ đô vẫn có thể cập nhật tình hình của mình cũng như người thân ở khắp đất nước và cả trên thế giới, động viên nhau rất nhiều, giảm đi những lo lắng.
Không những thế, thông qua các thiết bị hiện đại, việc tuyên truyền, phổ biến tình hình dịch bệnh, các quy định của thành phố được cập nhật đến người dân nhanh hơn để họ dễ dàng hiểu và làm theo. Đó cũng là một trong những yếu tố quyết định để Hà Nội giảm được nhiều thiệt hại do dịch bệnh.
Khi ngồi cạnh nhau mà mỗi người một điện thoại |
Trong khi đó, công nghệ số cũng giúp ích nhiều cho người Hà Nội trong việc mua sắm các vật dụng thiết yếu cho gia đình, hỗ trợ khai báo y tế, tìm hiểu thông tin để điều trị cho người nhiễm bệnh...
Cũng trong khoảng thời gian đó, công nghệ số mang lại rất nhiều giá trị tinh thần cho các gia đình khi cùng nhau tìm hiểu các món ăn tăng cường sức khỏe, các bài tập luyện tại nhà khi không thể ra ngoài trời vận động, những hình thức giải trí mùa dịch mà chắc chắn rằng nhiều năm sau chúng ta còn nhớ về giai đoạn đầy khó khăn nhưng cũng hết sức kiên cường, dũng cảm ấy của mỗi gia đình Hà Nội.
Hà Nội là một thành phố năng động nên các xu thế công nghệ hiện đại, những thiết bị mới nhất luôn được người dân tìm mua. Nơi đây cũng là thị trường lớn của các công ty viễn thông, điện tử, công nghệ. Nhìn vào các thiết bị trong mỗi gia đình sử dụng ta cũng sẽ dễ dàng đoán được mức sống, nơi sống của họ.
Mặt trái của đô thị
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là đô thị lớn với rất nhiều mặt trái, trong đó cũng có cả những hệ lụy mà công nghệ số mang lại.
Nhiều gia đình đã công nhận việc sử dụng internet chiếm rất nhiều thời gian trong ngày. Khác với nông thôn, thành thị nhỏ, người dân có quan hệ họ hàng nhiều, sống giữa làng xóm, có nhiều mối quan hệ cần qua lại, người Hà Nội có phần sống khép kín hơn. Chính vì thế, tại đây, sau mỗi giờ làm việc căng thẳng, vào buổi tối hoặc ngày nghỉ, trong mỗi gia đình hình ảnh bố mẹ và con cái mỗi người một góc sử dụng một thiết bị thông minh để xem phim, lướt facebook, chơi game… đã trở nên quen thuộc.
Các thành viên vẫn quây quần bên nhau mỗi sáng mỗi tối nhưng thay vì giao tiếp, chuyện trò, tâm sự, chia sẻ, trực tiếp để hiểu và đồng cảm với nhau thì có những người lại im lặng chôn chặt những nỗi niềm, thả hồn vào những nhân vật trên thế giới ảo, trên mạng xã hội.
Buồn chán với lối sống gắn liền với điện thoại, internet của con trẻ, bà Ngọc (Thạch Thán, Quốc Oai, Hà Nội) tâm sự: "Sau một ngày các con đi làm, cháu đi học về tưởng cả gia đình có cơ hội quây quần nói chuyện nhưng mỗi người một cái điện thoại, cháu nhỏ thì xem TV, chẳng ai muốn nói chuyện nên tôi lại phải làm bạn với cái đài hoặc vườn tược, con mèo, con gà".
Theo chuyên gia xã hội học, ThS Trịnh Phương Thảo, khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc quá phụ thuộc và lạm dụng các thiết bị công nghệ đã chi phối cuộc sống của mỗi người, khiến thời gian họ dành cho gia đình ngày một ít đi. Điều này đồng nghĩa với việc giao tiếp ít hơn, các thành viên sẽ dần ít hiểu nhau hơn, rồi có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Trách nhiệm của họ với công việc chung của gia đình bị lơ là, sự không hiểu nhau dẫn đến bất hòa, cãi vã…
“Điều dễ nhận thấy, tại thành phố lớn như Hà Nội, các ông bố bà mẹ trẻ cũng vì công nghệ mà thờ ơ, ít gần gũi với con cái mình hơn. Có những khi họ chỉ mở phim hoạt hình, ca nhạc hay trò chơi cho các bé ngồi một mình, rồi sau đó lại quay trở về với thế giới riêng. Vì vậy, con cái sẽ không được trò chuyện, chia sẻ với bố mẹ nhiều, dẫn đến thiếu thốn tình cảm gia đình và sự quan tâm chăm sóc.
Sự lạm dụng công nghệ cũng gây ảnh hưởng cả đến thể chất, tinh thần, lối sống và thói quen sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Thời gian dành cho việc sử dụng các thiết bị này đã chiếm hết thời gian dành cho các hoạt động vui chơi, rèn luyện thể chất, thăm hỏi họ hàng…”, ThS Trịnh Phương Thảo nhấn mạnh.
Ông Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng ngao ngán cảnh các con, các cháu lười vận động, suốt ngày chỉ biết cắm mặt vào máy tính, điện thoại. "Các con, cháu tôi không chịu giao tiếp chuyện trò với hàng xóm, ở đây chục năm không biết ai vào với ai. Chúng nó còn trẻ thế mà không biết ý thức về sức khỏe sau này về già sẽ rất nhiều bệnh tật. Tôi nói nhiều lần nhưng chẳng đứa nào chịu nghe", ông Minh chia sẻ.
Vì thế, chờ cả ngày để đến tối được chuyện trò với con nhưng mỗi người một thế giới nên ông đành sang hàng xóm hoặc rủ các ông bà già trong tổ hưu trí đi tập thể dục ngày hai lần cho đỡ buồn. Những dịp lễ tết thường cũng chỉ có ông qua lại với họ hàng chứ khó mà bảo con cháu đi cùng.
Việc bố mẹ trẻ sử dụng thiết bị thông minh, intermet để dụ con ăn, dụ con tự chơi để làm việc của mình hoặc nghỉ ngơi thay vì chơi đùa, trò chuyện cùng con cũng không phải là hiếm ở Hà Nội. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng sự lạm dụng, chìm đắm trong thế giới mạng đã vô tình tạo điều kiện cho sự cô đơn, lạnh nhạt len lỏi vào tổ ấm gia đình. Nó âm thầm phá vỡ sự cố kết bền chặt trong mỗi gia đình.
Mỗi người đã tự đẩy mối quan hệ của bản thân, gia đình trở nên xa cách, khiến các thành viên không “xa mặt” nhưng “cách lòng”. Nguy hiểm hơn, các thành viên trong gia đình mất dần kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu nhau trong cuộc sống, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau.
(Còn nữa)