Bài 3: Trang bị kiến thức, kỹ năng giúp lao động nữ tự bảo vệ mình
Cần trang bị thêm kiến thức cho lao động nữ
Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân cũng như hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp. Để đảm bảo duy trì sản xuất phát triển kinh tế, các khu công nghiệp vẫn nỗ lực hoạt động theo tinh thần “3 tại chỗ”.
Mặc dù đời sống của công nhân trong các khu công nghiệp, đặc biệt là thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 luôn được quan tâm, chú trọng nhưng tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, nguy cơ bị quấy rối là vấn đề phụ nữ và thanh niên đang phải đối mặt. Một bộ phận các nhóm yếu thế gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tình dục, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa kết thúc.
Trước đó, số liệu nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng cho thấy, có tới 78% lao động nữ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nhiều lao động nữ khác thì có nguy cơ và bị quấy rối tình dục trên đường đi làm về và trong khu nhà trọ. Tuy nhiên, số liệu về vấn đề này còn chưa cụ thể.
Theo thạc sĩ, bác sĩ tình dục học Nguyễn Lan Hải, quấy rối tình dục là việc sử dụng các hành vi hoặc lời nói có liên quan đến tình dục nhằm gây tổn thương danh dự và nhân phẩm của cả nam giới hoặc nữ giới.
Hầu hết nữ công nhân khi bị quấy rối thường chọn cách im lặng, không muốn chia sẻ vì mặc cảm, xấu hổ. Họ không dám kể lại hành vi mình bị quấy rối để làm bằng chứng, sợ mất danh dự cá nhân, sợ bị trả thù, mất việc làm và không tin sẽ được bảo vệ nếu lên tiếng.
Lao động nữ làm việc tại các công ty, doanh nghiệp luôn được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp |
Rào cản chống quấy rối tình dục còn xuất phát từ việc người chứng kiến hoặc biết về vụ việc quấy rối tình dục có thái độ thờ ơ, bàng quan. Lãnh đạo nhà máy và nhiều công nhân cho rằng, những hành vi đó chỉ là trêu đùa của những người đồng nghiệp thân thiết với nhau hoặc cho rằng có thể nhắc nhở để sửa chữa. Do đó, ngoài việc lên tiếng, trong các tình huống, nạn nhân cần nhất là sự tình bĩnh để có cách ứng xử, thoát thân khôn khéo nhất.
Để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người lao động, nhất là lao động nữ, thời gian qua, các công ty, doanh nghiệp đã thường xuyên tổ chức các lớp tư vấn về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản hoặc các khóa tập huấn về khả năng tự vệ cho lao động nữ nhằm phòng, tránh trường hợp vị quấy rối tại nơi làm việc.
Chị Nguyễn Phương Hoa (ở huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) hiện đang làm việc tại một khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội chia sẻ: Ngoài việc quan tâm, chăm lo đời sống cho anh em công nhân, những năm gần đây, công ty nơi tôi làm việc còn thường xuyên tổ chức các khóa học về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Định kỳ hàng năm, công ty còn tổ chức các buổi tập huấn, kỹ năng tự về cho lao động nữ nhằm ứng phó với các trường hợp bị quấy rối.
Tham gia giảng dạy tại các lớp học đều là các bác sĩ chuyên khoa, có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền đạt thông tin, kiến thức đến với người lao động. Do đó, chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi được làm việc trong môi trường văn minh, lịch sự như vậy”, chị Nguyễn Phương Hoa nói.
Ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn
Năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố “Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Theo đó, quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ.
Quấy rối có thể thực hiện thông qua lời nói nhưng cũng có thể không cần nói ra một cách trực tiếp. Những người quấy rối tình dục cũng có thể sử dụng công nghệ hiện đại để quấy rối đối phương. Chẳng hạn như gửi tin nhắn bằng, hình ảnh hoặc video có nội dung không lành mạnh.
Theo các chuyên gia, nạn quấy rối có liên quan đến tình dục cũng không giới hạn vào một độ tuổi nhất định. Người lớn có thể quấy rối, làm phiền những người trẻ tuổi hơn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp những người ở độ tuổi dậy thì, tuổi teen quấy rối những người lớn tuổi hơn mình.
Lao động nữ tại các công ty, doanh nghiệp được khám sức khỏe định kỳ |
Nguyên nhân của tình trạng quấy rối liên quan đến tình dục là do nhận thức còn quá sơ sài, không đầy đủ của xã hội về tình trạng quấy rối vấn đề tình dục. Nhiều người quan niệm rằng, chỉ khi nào có hành vi ôm, hôn, sờ soạng hoặc hiếp dâm thì mới gọi là quấy rối. Lại có quan điểm sai trái rằng “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”…
Bên cạnh đó, xuất phát từ truyền thống văn hóa có nhiều yếu tố lạc hậu, tiêu cực, nhận thức sai lệch… đó chính là tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Người phụ nữ thường giấu kín, ngại công khai sự việc khi mình bị quấy rối. Đồng thời, họ không dám phản kháng hoặc tố cáo đối tượng.
Đặc biệt, sự bất cập của pháp luật và chế tài chưa thật sự hiệu quả trong ngăn chặn và xử phạt vi phạm. Số tiền xử phạt hành chính cho tội quấy rối vẫn chưa cao. Chính vì vậy, nhiều người xem thường luật pháp và vẫn thường xuyên thực hiện hành vi quấy rối.
Hành vi quấy rối tình dục không chỉ bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động mà còn bị cấm ở các các lĩnh vực khác. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà người thực hiện có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về phạt hành chính, theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của luật pháp nước ta quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với những người có: Hành vi, cử chỉ, lời nói thô bạo; Hoặc trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Việc xử lý hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc hiện chưa được Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định cụ thể. Tuy nhiên, nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự với mức phạt từ cảnh cáo đến 5 năm tù.
Để ngăn chặn, phòng chống nạn quấy rối tình dục, trước hết người lao động, nhất là lao động nữ cần trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức, kĩ năng về giới. Bên cạnh đó, thái độ của những cá nhân, tổ chức đối với tình trạng quấy rối là tiêu chí quan trọng, trong mọi môi trường, tình huống cần tôn trọng và đề cao nguyên tắc bình đẳng giới, nguyên tắc ứng xử văn minh, có văn hóa.
Đặc biệt, luật pháp của nước ta cần có thêm những quy định và chế tài cụ thể và nghiêm minh hơn. Mục đích nhằm bảo vệ những người bị quấy rối; Đồng thời bảo vệ đạo đức và lối sống văn minh cho toàn xã hội.