Bài 5: Chung tay tạo môi trường ứng xử văn hóa
Bài 1: Giữ gìn lời ăn tiếng nói chốn công cộng Bài 2: Khi lối ứng xử kém duyên bị "trẻ hóa"... Bài 3: "Giải mã" những ngôn ngữ lệch chuẩn Bài 4: Người lớn cần nêu gương trước khi uốn nắn con trẻ |
Đưa trẻ vào "khuôn" giao tiếp chuẩn mực
Dù nhiều năm qua, người Hà Nội cùng các cơ quan chức năng quyết liệt trong việc vực dậy, khẳng định bản sắc văn minh, thanh lịch đặc trưng của mình nhưng đó đây vẫn xuất hiện các hành vi giao tiếp thiếu văn hóa trong không gian công cộng của một bộ phận giới trẻ.
Thậm chí trong các tình huống giao thông, sau khi xảy ra va chạm, nhiều người có thái độ trách móc ngược lại "nạn nhân" và việc xin lỗi trở thành điều xa xỉ đối với nhiều bạn trẻ. Mặc dù “lời nói chả mất tiền mua" nhưng việc nói năng nhẹ nhàng, phù hợp với văn hóa người Việt lại trở thành điều khó nói ra của người trẻ.
Càng ở những nơi công cộng, người trẻ càng cần phải để ý tới lời nói (Ảnh minh họa) |
Việc họ nói tục chửi bậy, nô đùa quá mức, thể hiện cảm xúc quá đà; không tuân thủ luật giao thông; xâm phạm không gian cá nhân của người khác, nói xấu đặt điều... nếu không kịp thời uốn nắn sẽ gây tác động xấu môi trường xung quanh, đến những thành quả mà chúng ta đã tạo dựng.
Việc không giữ gìn tiếng nói chốn công cộng sẽ ảnh hưởng tới giá trị chuẩn mực ngôn ngữ, giảm đi những thuần phong mỹ tục, nét đẹp của tiếng Việt. Đặc biệt, điều này còn để lại ấn tượng không tốt với bạn bè, du khách nước ngoài, khi họ hiểu được những sắc thái tiêu cực của những từ ngữ không chính thống.
Chuyên gia Nguyễn Văn Thanh chia sẻ với các học sinh về văn hóa ứng xử |
Chia sẻ về điều này, chuyên gia Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm kĩ năng sống Văn hóa Việt rất đau đáu: "Chúng ta cần phải tiến hành nghiêm túc và quyết liệt rất nhiều giải pháp với tính hiệu quả cao.
Thứ nhất, chúng ta phải đưa giáo dục kĩ năng sống vào trong nhà trường càng sớm càng tốt, thường xuyên và liên tục; coi đây là một nội dung quan trọng chứ không phải chỉ làm cho có. Trong đó, giáo dục kĩ năng sống tập trung vào các chuyên đề có tính khu biệt từng nội dung cụ thể".
Theo đó, Trung tâm kĩ năng sống Văn hóa Việt đã đưa ra các chuyên đề thiết thực như: "Nói lời hay, làm việc tốt", "Kĩ năng giao tiếp ứng xử", "Văn hóa ứng xử học đường"... Các buổi nói chuyện luôn luôn được cụ thể hóa bằng những câu chuyện cảm động, gần gũi với đời sống hàng ngày, cùng với lối truyền đạt truyền cảm, đi sâu vào tâm lý, khiến các con suy nghĩ, tạo thành động lực để thay đổi.
Bên cạnh đó, thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ, những người lớn trong nhà, ngoài xã hội phải là tấm gương sáng để cho trẻ noi theo. Bất cứ tình huống nào trong đời sống thường ngày, trong sinh hoạt, học tập, nơi công cộng... chúng ta đều phải kiềm chế. Dù tức giận đến mấy, chúng ta cũng không được văng tục, chửi bậy.
Ngoài ra, chúng ta cần tích cực phát động, triển khai các phong trào, tổ chức hội thi, hội diễn sân khấu hóa để lôi cuốn người dân trong đó có trẻ em tham gia một cách hào hứng, thực chất, tạo thành nếp, lan tỏa rộng rãi trong đời sống hàng ngày.
Chúng ta cũng cần tiếp tục đưa ra các khẩu hiệu tuyên truyền bằng pano áp phích mọi nơi mọi chỗ, từ công viên, nhà ga, bến tàu bến xe, trung tâm thương mại, trường học, các địa điểm công cộng... để người dân thường xuyên nhìn thấy, cảm nhận sự đúng đắn của các quy tắc ứng xử mà làm theo.
"Mặc dù thời gian qua, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chương trình học tập về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhưng điều đó đã thực sự nghiêm túc, quyết liệt, thực chất hay chưa? Theo tôi, chúng ta cần có hình thức kiểm tra, giám sát những nội dung này, như một đặc trưng của giáo dục Thủ đô để làm nên khác biệt trong con người Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những biện pháp xử lí hành chính với các trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử trong đó có giao tiếp kém văn minh, thân thiện", chuyên gia Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.
Giảng viên chính, Phó Giám đốc Trung tâm kĩ năng sống Văn hóa Việt cũng bày tỏ tâm huyết với Quy tắc ứng xử do thành phố Hà Nội ban hành. Theo anh, trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa tính hiệu quả và sự đúng đắn của điều này, Hà Nội nên bổ sung, điều chỉnh, mở rộng thêm các điều khoản, khuyến cáo về cách hành xử trong gia đình, nhà trường và đặc biệt là không gian mạng.
"Môi trường gia đình, nhà trường rất quan trọng, do đó, cần phải có sự tập huấn thường xuyên cho các thầy cô giáo", chuyên gia Nguyễn Văn Thanh đóng góp.
Cần sự chung tay góp sức của cả xã hội
Cùng tâm huyết với vấn đề này, PGS.TS Phạm Hương Trà - Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Theo tôi, để thanh niên hình thành lối giao tiếp văn minh, lịch sự, không chỉ có một cá nhân, tổ chức, hệ thống giáo dục có thể thay đổi được. Trong đó, chúng ta cần có sự phối hợp thống nhất giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quá trình hình thành nhân cách, kỹ năng sống, phong cách sống đẹp cho học sinh, sinh viên”.
Thứ nhất về phía gia đình, đó là nơi các bạn trẻ phát triển ngôn ngữ đầu tiên. Do đó, các mối quan hệ giao tiếp giữa ông bà, cha mẹ, anh chị em cũng cần phải chuẩn mực. Có thể có những lúc bông đùa nhưng cần phải sử dụng những ngôn ngữ chuẩn mực, đúng với vị trí xã hội, vị thế, nghĩa vụ và trách nghiệm của từng người, phải kính trên nhường dưới.
Trong bối cảnh ngày nay với ảnh hưởng mạnh mẽ của internet, mạng xã hội và sự phổ biến của lối sống tiện ích, gia đình cần chú ý hơn đến việc truyền đạt các giá trị văn hóa cho con cái. Thông qua việc tiếp xúc hàng ngày, bố mẹ dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, chia sẻ sâu sắc về tâm trạng và nhu cầu tâm lý của con cái. Từ đó, bố mẹ áp dụng những phương pháp giáo dục và uốn nắn phù hợp.
Mỗi thành viên trong gia đình cần phải để ý tới lời ăn tiếng nói, làm gương cho con trẻ (Ảnh minh họa) |
Thứ hai, trong môi trường giáo dục, từ hệ thống mầm non đến trung học cơ sở, hầu hết đều có những quy định cấm học sinh, sinh viên nói tục, chửi bậy trong khuôn viên trường cũng như bên ngoài. Tuy nhiên, hiện nay do sự phát triển mạng xã hội nên giới trẻ có những kênh, cách giao tiếp khác.
Có những bạn bên ngoài thì không nói tục, chửi bậy nhưng trên Facebook, Instagram lại sử dụng ngôn ngữ viết tắt, tiếng lóng rất nhiều. Những điều này, trên thực thế rất khó kiểm soát, vì vậy, gia đình, thầy cô cần thường xuyên nhắc nhở theo phương châm mưa dầm thấm lâu, nói nhiều lần cùng nhiều người hướng dẫn sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, đẹp đẽ ở nơi công cộng.
Bên cạnh đó, ngoài việc trau dồi tri thức, các trường học cũng phải lồng ghép nội dung tuyên truyền văn hóa ứng xử vào chương trình giảng dạy. Trong các môn học, việc kết hợp và truyền đạt về các tiêu chuẩn đạo đức thực tế và phù hợp với ứng xử của thanh niên, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các buổi dã ngoại học tập kinh nghiệm và xử lý các tình huống thực tế từ cuộc sống sẽ giúp hình thành các thói quen tốt trong cách hành xử văn minh và lịch sự.
Mỗi học sinh, sinh viên cần phải có một môi trường học tập tốt để xây dựng lời ăn tiếng nói lịch sự, tôn trọng người khác |
Thứ ba, cơ quan chức năng cần thi hành các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với những hành vi không phù hợp; đồng thời đánh giá cao những hành động tích cực nhằm khuyến khích thanh thiếu niên sống theo đạo đức và truyền thống dân tộc.
Các hệ thống giáo dục, cần thực hiện một cách nhất quán và đồng bộ việc cải thiện toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW với sự chú trọng vào việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức về pháp luật và ý thức công dân cho thế hệ trẻ.
Thứ tư, xuất phát từ nhận thức của chính những người trẻ, họ cần xác định được bối cảnh để sử dụng được ngôn ngữ cho phù hợp. Sinh ra trong thời đại công nghệ, tri thức hội nhập, Gen Z cần phải biết chọn lọc những điều đúng đắn, chuẩn mực với văn hóa, bản sắc dân tộc; sẵn sàng bài trừ những hành vi, lối sống không tốt ảnh hưởng tới nhân cách đạo đức của chính bản thân, cũng như là hình ảnh của gia đình, xã hội.
Tóm lại, việc nâng cao văn hoá ứng xử, giữ gìn tiếng nói chốn công cộng là một hành trình lâu dài, cần sự chung tay, góp sức của cả một cộng đồng. Mới đầu, kết quả có thể chưa rõ rệt nhưng từng thay đổi nhỏ sẽ là tín hiệu tích cực, thể hiện giá trị bền vững quyết tâm thay đổi của cả cộng đồng.
Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức giữ gìn tiếng nói chốn công cộng, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, đẩy lùi tình trạng lệch chuẩn tiếng Việt. Đây chính là thế hệ góp một phần công sức xây dựng nền văn hóa Việt Nam thực sự tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lan tỏa hình ảnh mảnh đất hình chữ S giàu văn hóa tới bạn bè quốc tế.