Chế độ ăn uống cho người thiếu máu não
Thiếu máu não không chỉ xảy ra ở mùa đông
Tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới và là nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam. Trong số đó, 2/3 số bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, lứa tuổi trung bình bị đột quỵ thường trên 60.
Thiếu máu não là một cơ chế hay gặp do tổn thương não cấp tính do lưu lượng máu đến não bị suy giảm. Thiếu máu lên não là một trường hợp cấp cứu y tế; Nếu không được điều trị, khả năng cao sẽ xảy ra nhồi máu não hoặc bệnh lý tại não bộ do thiếu oxy, thiếu máu cục bộ toàn bộ. Từ đó, người bệnh có thể tử vong hoặc có nguy cơ tàn tật vĩnh viễn.
Nhiều người thường có suy nghĩ sai lầm cho rằng tai biến mạch máu não chỉ hay gặp vào mùa đông, khi thời tiết thấp, cơ thể dễ bị cảm lạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, mùa nắng nóng hay thời điểm giao mùa cũng dễ bị tai biến do thời tiết cuối hè sang thu thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao.
Một bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ não điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai |
Hiện nhiều bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp người trẻ tuổi nhập viện do thiếu máu não đột quy gia tăng.
Nguyên nhân là do lối sống hiện đại của nhiều người trẻ ít vận động, sử dụng nhiều rượu bia, sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, ít chất xơ, các loại thức ăn nhanh, căng thẳng trong công việc… cũng làm tăng nguy cơ thiếu máu não như cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường…
Đáng lo ngại, triệu chứng đột quỵ ở những người ở độ tuổi trẻ có thể khác biệt so với người lớn tuổi nên người nhà thường chủ quan, không đưa đi cấp cứu sớm và chưa biết cách sơ cứu ban đầu trước khi đưa người bệnh đến bệnh viện.
Không ít trường hợp, bệnh nhân khởi phát với tình trạng đau đầu dữ dội, nôn, gáy cứng, nhìn mờ… nhưng người nhà lại chủ quan tự sơ cứu tại nhà với các mẹo dân gian như cạo gió, chích máu 10 đầu ngón tay, uống thuốc cảm… đến khi bệnh trở nên nặng mới nhập viện thì lúc này khả năng để hồi phục là rất khó khăn và để lại di chứng nặng nề.
Xây dựng chế độ ăn uống phòng tránh thiếu máu não
TS.BS Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: "Người có triệu chứng thiếu máu não cần xây dựng cho mình một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, với sự kết hợp của cả thực vật lẫn động vật. Trong đó, chú ý cung cấp các chất tham gia tạo máu: Đạm, sắt, vitamin C, magie, folat, vitamin B12...
Xây dựng chế độ ăn uống phòng tránh thiếu máu não |
Một số thực phẩm tốt giúp cải thiện tuần hoàn não giàu đạm, sắt như thịt bò, hải sản, lòng đỏ trứng gà… Thực phẩm bổ sung chất xơ rất tốt cho người bị thiếu máu não là cà rốt, bông cải xanh, rau cần tây, bí ngô…
Bệnh nhân có thể dùng các loại thực phẩm giàu omega 3: Cá hồi, cá tuyết, cá trích, cá mòi, tảo biển...; Thực phẩm giàu polyphenols: đậu, hạt, trà, ca cao...; Thực phẩm giàu nitrate: rau diếp (xà lách), rau chân vịt (bó xôi)...
Một số loại quả như quả lựu giàu vitamin C, canxi, sắt… đóng vai trò tăng hấp thu sắt, tham gia trong quá trình tạo máu của cơ thể; Quả mâm xôi, quả dâu tây không chỉ giàu vitamin C mà còn chứa nhiều kẽm, carbohydrate, folate, chất chống oxy hóa hỗ trợ tăng khả năng hấp thu chất sắt và nâng cao sức khỏe cho hệ miễn dịch của cơ thể.
Nho khô, đặc biệt là nho đen khô giàu vitamin C và chất sắt hỗ trợ tăng cường khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, từ đó làm tăng hemoglobin giúp tạo máu. Quả mận cũng loại trái cây này chứa nhiều chất sắt, magie, chất xơ, vitamin A, E cao từ đó giúp cho cơ thể có thể loại bỏ các gốc tự do có hại, ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần hạn chế mỡ động vật, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, phụ gia thực phẩm, thức uống có cồn. Người bị thiếu máu não cũng cần thực hiện việc kiểm tra sức khỏe đầy đủ".
Việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học là một cách để phòng tránh đột qụy hiệu quả. Do đó, bệnh nhân nên ăn nhiều các loại hoa quả, rau xanh, cá, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa, ít chất béo và tránh các loại thực phẩm quá ngọt, nhiều chất béo, thịt chế biến hoặc thực phẩm đóng hộp.
Ngoài chế độ ăn uống thì việc tập các bài tập thể dục hoặc chơi một môn thể thao nhẹ nhàng trong 30 - 40 phút hoặc hơn mỗi ngày giúp cải thiện lưu thông máu trong cơ thể, tăng cường máu lên não và giảm nguy cơ đột quỵ.
Thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia được chứng minh là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ. Đặc biệt đối với những người béo phì, huyết áp cao, ít vận động thì việc có những biện pháp cai thuốc lá, hạn chế dùng các loại đồ uống có cồn sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả hơn.