Cách chọn rau quả trái vụ an toàn
Đa dạng các mặt hàng trái vụ
Dạo quanh các chợ, chúng ta dễ dàng mua các loại rau chỉ sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong mùa hè (như rau muống, ngọn bí ngô, rau dền…) nhưng lại được bày bán khá nhiều vào mùa đông, thậm chí còn non xanh hơn cả các loại rau chính vụ.
Những loại rau này người trồng thường dùng nhiều thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật để thúc cho rau phát triển. Trong các loại rau trái vụ như vậy sẽ tồn dư nhiều hóa chất độc hại gây tổn hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Hay nhiều loại khác như măng tươi (như măng nứa, măng mai…) chính vụ sẽ rộ lên từ tháng 5 - 8 nhưng lại được bày bán hầu như quanh năm.
Những loại măng này các thương lái đã thu mua khi chính vụ và dùng hóa chất để bảo quản nhằm tránh bị thối hỏng. Những loại măng này rất dễ bị mủn khi xào nấu và tồn dư nhiều độc tố.
Các chất có nguồn gốc hóa học được sử dụng để bảo quản, nhờ đó, nhiều loại rau quả có quanh năm (Ảnh minh họa) |
Những loại quả trái mùa (điển hình là cam, quýt, mít, táo, lê…) thường được các tiểu thương thu mua khi còn xanh ở thời kỳ chính vụ, sau đó họ dùng các hóa chất bảo vệ thực vật (chủ yếu là thuốc diệt nấm và vi khuẩn) ở nồng độ cao để bảo quản.
Những những loại quả này, mặc dù cuống quả bị héo nhưng màu sắc vỏ quả lại sáng bóng hơn bình thường là do một số hóa chất bảo vệ thực vật có tính tẩy rửa làm sáng bóng vỏ ngoài của quả.
Đối với các loại quả trái mùa được bảo quản bằng hóa chất độc hại, khi ăn thường không có mùi thơm đặc trưng và có vị ủng (phụ thuộc vào thời gian bảo quản dài hay ngắn).
Ngoài ra, một số loại quả khi bảo quản trong thời gian dài thì ruột quả bắt đầu bị thối hỏng nhưng vỏ ngoài vẫn giữ được mầu sắc bình thường. Trong những loại quả này, chủ yếu là các loại quả như cam, quýt, táo, lê… được nhập khẩu lậu không rõ nguồn gốc.
Bảo quản tăng thời gian sử dụng
Không phải ngẫu nhiên mà rau quả trái vụ xuất hiện trên thị trường ngày một nhiều. Nhờ sự phát triển của công nghệ sinh học, khả năng nhân giống trong tầm tay, các nhà sản xuất đã cho ra các loại rau quả có thể rải vụ quanh năm.
Bên cạnh đó, còn có sự góp công của các phương thức bảo quản rau quả từ chính vụ đến thời điểm trái vụ. Tuy nhiên, các chất bảo quản hiện nay chủ yếu là các hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc, nếu dùng lâu sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.
Butylated hydroxyl anisone (BHA), butylated hydroxyluene (BHT) và t-butyhydroquinone (TBHQ)… là những chất chống ôxy hóa hòa tan trong dầu mỡ đang được bán đầy rẫy tại các chợ đầu mối của Việt Nam, được sử dụng quét vào trái cây hoặc phun vào rau cho màu đẹp, để được lâu.
Tuy nhiên, chúng đều là chất có thể gây ung thư. Các nhà dinh dưỡng cho biết, các hợp chất ức chế men, kháng và diệt vi sinh vật đồng thời gây phản ứng phụ, đặc biệt là ở những người bị hen suyễn.
Bên cạnh đó, nbgoài hoa quả trong nước, còn có nhiều loại được nhập từ nước ngoài, nhưng điều làm nhiều người lo lắng là có những sản phẩm trái mùa không phải là sản phẩm ra đời nhờ công nghiệp trồng cây trái mùa sản xuất, mà do bảo quản trái cây bằng hoá chất độc hại rẻ tiền.
Đắt, đẹp không đồng nghĩa với chất lượng tốt |
Với cách làm này, trái cây có thể giữ được lâu khác thường, có những loại để từ mùa hè hoặc đầu thu đến tết âm lịch vẫn đem ra bán được giá cao, vì trái mùa khan hiếm.
Có nhiều loại trái cây như lê, táo, cam, quít… để cả tháng vẫn tươi nguyên; hoặc có những quả cà chua đẹp mã để ngoài trời rất lâu vẫn đỏ bóng, trong khi cà chua của nông dân mang ra chợ bán chỉ để được 3 - 4 ngày đã thối hỏng.
Chị Đinh Thị Ngà (ở phố Núi Trúc, Hà Nội) tâm sự: “Cứ thử so sánh đơn giản có thể thấy, quả vải, quả nhãn chỉ để tươi được 3 - 4 ngày, mận khoảng 10 ngày, cam cũng chỉ kéo dài nhất được hơn một tháng, trong khi trên thị trường hiện có những loại trái cây giữ được tươi tới 5 - 6 tháng không hỏng. Rõ ràng, những trái cây này đã được bảo quản bằng hoá chất”.
Khó phân biệt hoa quả ngậm hoá chất
Việc phân biệt trái cây tự nhiên với những loại được bảo quản bằng hoá chất rất khó, không thể chỉ quan sát bình thường. Các biện pháp đề phòng như rửa kỹ bằng nước sạch hoặc ngâm nước muối cũng không có tác dụng, vì có thể hoá chất độc hại đã ngấm sâu vào ruột trái cây.
Cô Dương Bích Trang (ở phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội) cho biết dù đã hơn 20 năm làm bà nội trợ, có kinh nghiệm mà cô vẫn mua phải đồ không đảm bảo chất lượng.
“May mà cô và chú mới ăn thấy đau bụng nên bỏ luôn, chứ cho bọn trẻ con ăn thì còn nguy hiểm hơn”, cô Trang kể.
Hoa quả theo mùa luôn tươi ngon nhất |
Theo cô Trang, thường ngày cô cũng ưu tiên mua rau quả đúng vụ nhưng một hôm được quảng cáo là có lựu nhập khẩu tươi ngon. Theo lời người bán hàng thì lô lựu này nhập từ nước ngoài, sử dụng công nghệ hiện đại nên tuy là trái mùa nên vẫn có thể trồng được. Giá thành lại không hề rẻ nên cô Trang tin tưởng. Sau khi ăn hai vợ chồng cô đã biểu hiện đau bụng. Chồng cô còn bị nôn ói…
Do đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyên người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua trái cây, nên chọn mua những loại có dáng vẻ tự nhiên và cảnh giác với những loại nom quá bóng bẩy, đẹp mã.
Đối với cam quít, nên chọn những quả còn cuống và lá. Tốt nhất nên lay thử nhẹ cuống xem có đúng cuống thật hay được dính bằng keo, mua trái cây ở những cửa hàng có tín nhiệm, có địa chỉ rõ ràng, không nên mua những loại quả không rõ nguồn gốc.
Những trái cây (nhất là hàng nhập ngoại) được bảo quản theo các phương pháp an toàn thường được đóng gói cẩn thận, có ghi tên công ty, hãng gia công chế biến trên bao gói bán lẻ và trên thùng đựng.
“Người dân nên ăn những trái cây trong nước thu hoạch theo mùa và không mua những rau quả trái mùa nếu không biết rõ chúng được bảo quản bằng phương pháp gì, có an toàn không”, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.
3 quan niệm sai lầm về tiết canh TTTĐ - Đầu tháng 5 vừa qua, ca tử vong nghi ngộ độc sau bữa cỗ có tiết canh dê xảy ra ở Thái Bình ... |
Nỗ lực bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm dịp cao điểm TTTĐ - Để đảm bảo tốt công tác an toàn thực phẩm (ATTP), ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Phú Xuyên đã kiện toàn ... |
Đổi mới các hình thức truyền thông trong cuộc chiến “thực phẩm bẩn” TTTĐ - Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao nhận thức của ... |