Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương hành chính
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các thủ tục hành chính cung ứng mức độ 3, 4
Báo cáo tổng kết Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020” cho thấy, đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong chương trình cơ bản đã hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu về đích sớm, vượt kế hoạch; hoàn thành 11/15 chỉ tiêu; 4/15 chỉ tiêu ước hoàn thành vào năm 2020; hoàn thành 30/33 đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện.
Kết quả nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giai đoạn 2016 - 2020 là thành phố đã chỉ đạo các ngành thường xuyên rà soát, kiến nghị đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là những TTHC liên quan đời sống người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, thành phố thực hiện đánh giá tổng cộng 261 TTHC và thông qua phương án đơn giản hóa 183 TTHC, từ đó tiết kiệm 34 tỷ đồng/năm (năm 2017); 61 TTHC, tiết kiệm 43 tỷ đồng/năm (năm 2018); 71 TTHC (năm 2019).
Đồng thời, TP triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính thuộc thành phố đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các Sở, UBND các quận, huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn hiện đại theo quy định; Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn toàn thành phố trung bình hằng năm đạt 98%.
Chương trình 08 tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ cương hành chính |
Thành phố cũng áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được giao cung ứng dịch vụ công như nước sạch, trợ cấp thất nghiệp, dịch vụ việc làm, tang lễ, y tế, giáo dục, xây dựng, quy hoạch…
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Hà Nội đạt 100%. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các TTHC cung ứng mức độ 3, 4 và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia theo lộ trình lựa chọn DVC của Chính phủ, hướng tới cung cấp DVC không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Đáng chú ý, thành phố đã xây dựng một số quy chế phối hợp liên thông theo chỉ đạo của Chính phủ như: Liên thông TTHC đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông TTHC đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí; Liên thông giải quyết chế độ hỏa táng. TP chủ động xây dựng quy chế phối hợp liên thông một số lĩnh vực trọng điểm như liên thông TTHC cấp phiếu lý lịch tư pháp - cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài giúp giảm từ 20 còn 12 ngày làm việc…
Ngoài ra, thành phố hoàn thành sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập toàn hành phố theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối; Hoàn thành xây dựng Đề án vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, đánh giá theo vị trí việc làm…
Những kết quả trên đã góp phần đưa các Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố cải thiện qua các năm và có sự chuyển biến rõ rệt so với đầu nhiệm kỳ: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019 (tăng 7 bậc so với đầu nhiệm kỳ - năm 2015; Xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015 và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2019 đạt trên 80% (80,09%), về đích sớm 2 năm so với mục tiêu giai đoạn.
CCHC gắn với xây dựng chính quyền đô thị và thành phố thông minh
Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội xác định quan điểm CCHC phải được tiến hành trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy Hà Nội về xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và vai trò quản trị của chính quyền. CCHC là khâu đột phá nhưng có sự thay đổi căn bản về chất và nhiệm vụ trọng tâm; Phải được tiến hành đồng bộ, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Thủ đô và gắn bó chặt chẽ với việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại và thành phố thông minh.
Trước quan điểm đó, Hà Nội xác định nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính và chất lượng DVC; Tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; thực hiện rà soát, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các TTHC, trọng tâm là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, thành phố tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện thành công Đề án Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; Tiếp tục đổi mới công tác thi tuyển công chức, viên chức; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Thực hiện triệt để các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quản lý, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, khoa học, hiệu quả; Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xã hội hóa DVC.
Thành phố cũng xác định nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành làm nền tảng cho việc triển khai các DVC trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung của thành phố; Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo sử dụng các DVC trực tuyến mức độ 3, 4 bằng nhiều hình thức mới, sáng tạo giúp người dân dễ dàng sử dụng và tiếp cận, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng DVC trực tuyến…
TP Hà Nội đã hoàn thành triển khai cổng dịch vụ công thành phố cung cấp các DVCTT mức độ 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.
Văn phòng UBND thành phố đã làm việc với đại diện VNPT Hà Nội và Tập đoàn VNPT (đơn vị tư vấn triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia) thống nhất phương án, kế hoạch triển khai, bảo đảm hoàn thành đúng các kế hoạch đề ra.
Tính đến 31/8/2020, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính thuộc TP (không bao gồm các đơn vị hiệp quản) là: 1813 TTHC. Tổng số TTHC đủ điều kiện để triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 của TP là 1.720 TTHC; tổng số DVCTT mức độ 3, mức độ 4 của TP đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là 1.671/1.720 TTHC (bao gồm các DVCTT của Bộ, ngành và các đơn vị tự triển khai), đạt tỉ lệ 97%, trong đó, DVCTT mức độ 3 là 1227 TTHC; DVCTT mức độ 4 là 444 TTHC. Việc giải quyết hồ sơ TTHC, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên TP thực hiện tập trung tại hệ thống một cửa điện tử TP dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế). TP tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.
Theo Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2020 của TP. Hà Nội, TP Hà Nội phấn đấu 100% TTHC thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4; có 60% TTHC có quy định cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó, có ít nhất 30% số hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. 100% hồ sơ giải quyết TTHC được cập nhật, theo dõi tình hĩnh thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử TP; 50% số TTHC có quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích có phát sinh hồ sơ dịch vụ bưu chính công ích, trong đó, 15% số hồ sơ TTHC được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích và 15% số hồ sơ TTHC được trả qua dịch vụ bưu chính công ích.
“Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |