Đảm bảo mức lương tối thiểu phục vụ cuộc sống của người lao động
Góc nhìn đa chiều về mức lương tối thiểu
Ngày 12/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, năm nay còn có mức lương tối thiểu giờ để bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng nhưng giá xăng kéo theo giá cả sinh hoạt tăng khiến cho cuộc sống của người lao động vẫn còn khó khăn.
Với mong muốn mọi người hiểu rõ hơn về mức lương tối thiểu, mức lương cơ bản và mức lương đủ sống của công nhân lao động, báo Kinh tế và Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức tọa đàm với chủ đề “Mức lương đủ sống - Góc nhìn đa chiều”.
Các khách mời tham dự tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống - Góc nhìn đa chiều” (Ảnh: Quang Tấn) |
Tham dự buổi tọa đàm “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” có các chuyên gia, đại diện người sử dụng lao động, người lao động gồm: TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội; Bà Hà Thị Phương Anh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May liên doanh Plummy; Bà Nguyễn Thủy, Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Thống Nhất Hà Nội.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết: "Thuật ngữ lương tối thiểu vùng xuất hiện sớm nhất từ Bộ luật Lao động năm 1994, có hiệu lực từ ngày 1/1/1995. Cũng theo Điều 56 Bộ luật này, lương tối thiểu vùng do Chính phủ quyết định và công bố sau khi lấy ý kiến Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động.
Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm |
Tuy nhiên, phải đến năm 2007, Chính phủ mới ban hành Nghị định đầu tiên về lương tối thiểu vùng là Nghị định 167/2007/NĐ-CP. Mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định này được bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2008".
Ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: "Hiện nay, theo Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019, lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng sẽ do Chính phủ quyết định và công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Mức lương tối thiểu vùng hầu như đều tăng dần qua các năm. Riêng giai đoạn năm 2021 và sang đầu năm 2022, mức lương tối thiểu vùng không tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ muốn các doanh nghiệp tập trung nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống dịch.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm |
Sang đến năm 2022, dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Đồng thời, lương tối thiểu vùng hiện nay cũng đang chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của lao động. Do đó, thay vì tăng từ ngày 1/1 như các năm trước, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022.
Ngày 12/6/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Đó là tin vui với người lao động. Nhiều người lao động cho biết, tuy rằng, số tiền lương tăng không nhiều nhưng ở thời điểm hiện tại cũng giúp cho họ bù đắp được phần nào chi phí sinh hoạt hay một chút chi phí trượt giá, ví dụ như tiền xăng xe, tiền gas, tiền thuê nhà…
Không ngừng quan tâm, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống
Thông tin về cách tính lương tối thiểu ở Việt Nam, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Tiền lương là mối quan tâm của mọi người lao động. Về cách tính tiền lương tối thiểu ở Việt Nam hiện nay, Bộ Luật Lao động, Điều 91 quy định rõ mức lương tối thiểu trả thấp nhất cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở thấp nhất để các bên đàm phán, thương lực mức lương thực tế.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu tại tọa đàm |
Tuy nhiên hiện nay, khả năng đàm phán của người công nhân rất thấp, hầu như không có, trong khi người sử dụng lao động đưa ra lý do mức lương căn cứ lương tối thiểu vùng cộng thêm 5,7% để trả cho người lao động. Đây thường là căn cứ đóng bảo hiểm cho người lao động phổ thông, còn lãnh đạo, quản lý có thể có mức lương khác.
Trong Điều 91 cũng cho biết, để xác định tiền lương tối thiểu vùng có nhiều yếu tố, cần đảm bảo mức sống tối thiểu cộng thêm hàng loạt yếu tố khác. Theo đó, chúng ta cần xác định mức sống tối thiểu để đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Chia sẻ về những chính sách tiền lương hỗ trợ người lao động trong giai đoạn vừa qua, bà Nguyễn Thủy, Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Thống Nhất Hà Nội cho biết: Những năm qua, Công ty CP Thống Nhất Hà Nội luôn quan tâm đến đời sống của công nhân lao động.
Hàng năm, công ty thường xuyên tăng lương cho người lao động để họ yên tâm công tác. Ngoài chính sách tiền lương, công ty còn có nhiều chế độ phúc lợi khác như chăm sóc bữa ăn, chế độ nghỉ dưỡng, chế độ ốm đau... Do đó, người lao động của công ty luôn cống hiến, gắn bó với công ty.
Bà Nguyễn Thủy, Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Thống Nhất Hà Nội |
Trả lời câu hỏi mức lương tối thiểu hiện nay có giúp công nhân duy trì cuộc sống trong những ngày giãn cách cũng như khó khăn của dịch bệnh COVID-19, bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay: Hai năm qua, do ảnh hưởng của COVID-19, mọi tầng lớp xã hội đều gặp khó khăn.
Tuy nhiên, có những doanh nghiệp vẫn trụ được và sản xuất bình thường, nên doanh nghiệp có chủ trương "ba tại chỗ", đối với các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều vẫn thực hiện giãn cách tại chỗ, vẫn được trả lương bình thường (không phải mức lương tối thiểu) và thậm chí, có những phụ cấp thêm.
bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội |
Đối với các làng nghề truyền thống, nhiều cơ sở sản xuất có hàng trăm lao động nhưng không ký hợp đồng lao động nên gặp rất nhiều khó khăn, du lịch đóng cửa, các làng nghề không bán được hàng, đồng nghĩa họ phải đóng cửa và người lao động thất nghiệp.
“Hiện nay, nhận thức của người lao động ngày càng tăng lên, do vậy, chủ doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện chất lượng sống của người lao động mới có thể duy trì và phát triển trong bối cảnh khó khăn do thiếu hụt lao động hậu COVID-19”, bà Mai Thị Thùy nhấn mạnh.
Nói về tiền lương tối thiểu ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Việt Nam là một trong những nước thực hiện theo Công ước 26 của ILO về lương tối thiểu. Khi đó xây dựng lương tối thiểu dựa trên 6 nhóm yếu tố: Nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ; Chỉ số giá sinh hoạt (CPI), khả năng chi trả của doanh nghiệp; Tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc điểm về cung cầu lao động và các chi phí xã hội khác có liên quan đến người lao động (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí đào tạo, chi trả liên quan đến các chính sách về thị trường lao động; Doanh nghiệp tái đào tạo chiếm đến 25 - 30% tổng chi phí liên quan đến người lao động.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội |
"Quy định của Bộ luật Lao động về tiền lương tối thiểu hiện nay là người lao động làm việc 26 ngày/tháng, 8 giờ/ngày thì doanh nghiệp mới đảm bảo tiền lương tối thiểu cho người lao động. Quay trở lại lương tối thiểu của Việt Nam trong thời gian qua, cách tiếp cận đó chưa phải là tối ưu nhưng là phương pháp tiếp cận khá tốt, đi theo khuyến nghị của ILO. Nó dựa trên hai nguồn số liệu rất cơ bản là điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê và điều tra lao động việc làm. Tuy nhiên, điều tra, chi phí về mức sống nó thấp đi người Việt Nam không khai báo 25 - 30% chi phí khác và chi phí tiền nhà họ khai báo rất thấp.
Điều quan trọng là chúng ta chưa xây dựng được luật về lương tối thiểu. Cho nên mỗi năm đợi đến hội đồng tiền lương quốc gia họp và đề xuất mức và thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Những điều chỉnh chủ yếu tập trung vào mức điều chỉnh theo chỉ số CPI và tăng trưởng kinh tế và chưa đánh giá toàn diện đến tăng lương tối thiểu, tăng chi phí lao động và tương quan cung cầu lao động", PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.
Toàn cảnh buổi tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống - Góc nhìn đa chiều” |
Tại buổi tọa đàm, những thông tin của diễn giả, không chỉ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích, mà còn giúp các nhà quản lý Nhà nước, chủ doanh nghiệp có cái nhìn xác thực hơn về lương tối thiểu có tiệm cận mức sống tối thiểu của công nhân lao động, ưu nhược điểm trong chính sách tiền lương của Việt Nam so với các nước trong khu vực.