Dấu hiệu nhận biết thịt nhiễm dịch tả lợn châu Phi
Người tiêu dùng cần nắm chắc các dấu hiệu nhận biết thịt đã bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi để tránh mua nhầm
Bài liên quan
Người dân cần hiểu đúng về dịch tả lợn châu Phi
Hà Nội phát hiện thêm ba ổ dịch tả lợn châu Phi
Hà Nội triển khai diễn tập phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 2 tại Thanh Hóa
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định bệnh tả lợn Châu Phi không gây bệnh trên người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Đặc biệt, các bà nội trợ cần nắm vững các dấu hiệu biểu hiện thịt đã bị nhiễm virus để tránh mua nhầm.
Theo đó, con lợn có dấu hiệu bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi sẽ có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai của lợn và trông giống như vết muỗi đốt. Phần tứ chi, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Khi mổ lợn ra, những con lợn nhiễm dịch tả sẽ có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực, toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp (dù đã được mổ trước đó), khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.
Để phân biệt được thịt lợn khỏe mạnh, người dân có thể quan sát bằng mắt thường, sẽ thấy thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh.
Ngoài ra, người dân có thể dùng tay để kiểm tra độ đàn hồi của thịt, nếu thịt bị ngón tay ấn vào không bị lõm, không bị dính, rỉ nước và chắc thì đó là thịt khỏe mạnh. Còn lợn nhiễm bệnh sẽ có phần bì lấm chấm xuất huyết, nhão, tai lợn bị tím. Nếu chọn lợn làm thực phẩm, người dân nên lưu ý chỉ chọn thịt lợn được chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ và lợn không bị nhiễm bệnh. Mọi người khi nấu nên tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay lợn chưa được chế biến kỹ để tránh mắc bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình, người tiêu dùng nên mua thịt ở những địa chỉ uy tín, chẳng hạn như siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch. Điều quan trọng nữa là người tiêu dùng không nên vì giá rẻ mà chọn mua thịt lợn tại địa điểm bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi bán nhiều khói bụi, ruồi nhặng nhưng không có biện pháp che chắn.
Khi chế biến thịt lợn, người tiêu dùng cần rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, không nên chế biến thịt chín tái, không nên để thịt đã qua chế biến trong hơn hai giờ ở nhiệt độ phòng. Đặc biệt là không bỏ thịt vào nước đang đun sôi bởi sẽ khiến các chất hóa học dễ bị hấp thụ ngược lại vào bên trong thịt.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.