Điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng, chống lạm phát
Kỳ vọng các doanh nghiệp nhỏ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 Tăng cường các giải pháp ổn định "sức khoẻ" doanh nghiệp Phát triển kinh tế đêm: Cần quy hoạch và chọn phân khúc |
Sáng 6/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học
Trả lời chất vấn liên quan tới vấn đề tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học, trong đó tiếp tục phân cấp hơn nữa cho các trường, đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của quản lý nhà nước thông qua việc xác định để thẩm định, đánh giá các chương trình đào tạo...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trả lời chất vấn |
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, không vì tự chủ mà làm ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất cần thiết. Đối với một số lĩnh vực, Nhà nước sẽ lựa chọn để có đầu tư công, đặc biệt là đối với các trung tâm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; xác định đầu tư để đặt hàng đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo... Nhà nước sẽ quản lý thông qua các tiêu chí để đánh giá kết quả đầu ra; thu hút sự tham gia đánh giá của những cơ sở sử dụng nguồn nhân lực này để đánh giá và công bố uy tín các trường.
Về vướng mắc liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ đối với công trình, phần đất nằm trong hành lang an toàn điện gió mà đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thông tin, theo Luật Đất đai, hành lang an toàn là một trong những khu vực Nhà nước sẽ thu hồi khi cần thiết và sẽ có chính sách thu hồi phù hợp. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có tiêu chí xác định hành lang để có những chính sách phù hợp. Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành các tiêu chí kỹ thuật để xác định hành lang an toàn điện gió, trên cơ sở đó sẽ thực hiện thu hồi và có chính sách đền bù theo Luật Đất đai.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Mai Thị Phương Hoa, (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) về kiểm soát lạm phát, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề đại biểu nêu rất chính xác vì trong bối cảnh hiện nay, lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu. Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới. Chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương, điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được tỉ số lạm phát mà Quốc hội cho phép.
Phó Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để đảm bảo các mặt hàng mà Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.
Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng cho biết, chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Thời gian qua xử lý biến động giá vàng, với những giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm ổn định giá trị của đồng tiền, đảm bảo các tỉ giá đi đôi với chính sách tài khóa. Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy và đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm. Chính phủ cũng có nhiều chính sách tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển. Với các giải pháp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.
Kết nối các địa phương, tạo ra những con đường di sản
Về vấn đề ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian tới, cần xem xét có quy định, chế tài và pháp lý hóa đối với các chuỗi cung cấp thực phẩm, từ nơi sản xuất, khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ… Đồng thời cần phải tập trung thanh tra, kiểm tra, tăng cường năng lực đầu tư cho các trang thiết bị để kiểm soát nhanh các tiêu chí đối với an toàn thực phẩm.
“Khi có hệ thống đồng bộ, được đầu tư bài bản, đủ năng lực về trang thiết bị để có thể giám sát và kiểm tra, chúng ta hoàn toàn đáp ứng được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại kỳ họp |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, nhiệm kỳ này, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, Chính phủ ưu tiện việc kiện toàn các cơ quan quản lý, cắt giảm các cơ quan trung gian, từ đó sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính. Hiện nay, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu là bảo đảm giải quyết các thủ tục trực tuyến trên mọi cấp độ. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết hợp với cung cấp các dịch vụ công trực tiếp và cải cách tổ chức bộ máy và con người.
Về vấn đề kích cầu du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chúng ta cần đảm bảo liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt gắn du lịch với kết hợp các công ty du lịch lữ hành, nơi cứ trú, thương mại, vận chuyển, kết nối giữa các địa phương để tạo ra những con đường di sản hay tạo ra những điểm đến hấp dẫn; đồng thời có sự hợp tác, phối hợp chung giữa các khu vực có sản phẩm tốt.
Bên cạnh đó, chúng ta cần cải thiện các sản phẩm du lịch, công tác quảng bá các sản phẩm du lịch cần làm tốt. Trên thực tế chúng ta chưa có một định hướng rõ ràng về các sản phẩm mang thương hiệu riêng biệt Việt Nam. Nếu chúng ta xây dựng được thương hiệu, đưa ra tiêu chuẩn về chất lượng thì sẽ đạt được hiệu quả. Cùng với đó, chúng ta cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch, có nhiều nơi khách du lịch đến khá đông nhưng chưa đảm bảo được cơ sở hạ tầng, môi trường, thực phẩm.
Đối với phát triển công nghiệp bán dẫn, Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta sẽ đầu tư một số trung tâm nghiên cứu khoa học để phục vụ cho các trường dùng chung; một số trung tâm đổi mới sáng tạo để có thể phát triển nghiên cứu cơ bản làm chủ được các bước sau. Những đầu tư này cũng khá lớn, nhất là đầu tư sản xuất thử có thể lên tới 7 tỷ USD. Do đó, cần có nhà nước và khối doanh nghiệp cùng tham gia.