Đối thoại tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau
Được biết, Khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau, được UNESCO công nhận vào năm 2009, là một trong 11 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam. Với tổng diện tích 371.506ha, khu vực này gồm vùng lõi 17.353ha, vùng đệm 43.527ha và vùng chuyển tiếp 310.626ha, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển đa dạng của các loài động, thực vật.
Toàn cảnh buổi đối thoại diễn đàn (Ảnh: Mỹ Trân) |
Thông qua diễn đàn, các đại biểu được giới thiệu về tổng quan các quy định quản lí khu dự trữ sinh quyển theo yêu cầu của UNESCO và pháp luật của Việt Nam; hiện trạng quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau; Hướng dẫn xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường đối với khu dự trữ sinh quyển; hướng dẫn phân vùng khu dự trữ sinh quyển và các hoạt động triển khai trong khu dự trữ sinh quyển…
Từ đó, đề ra một số giải pháp góp phần quản lí Khu dữ trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau được tốt hơn trong thời gian tới; đồng thời, hướng dẫn xây dựng quy chế, kế hoạch quản lí và bảo vệ môi trường, phân vùng khu dự trữ sinh quyển, các hoạt động triển khai trong khu dự trữ sinh quyển và xây dựng kế hoạch truyền thông tại khu dự trữ sinh quyển.
Việc Mũi Cà Mau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước và bảo tồn các giá trị nhân văn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững |
Đây là dịp để các cơ quan quản lí nhà nước Trung ương và các Sở, ngành của tỉnh Cà Mau và Ban quản lí Khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lí tài nguyên thiên nhiên.
Qua đó, nhằm tăng cường hiệu quả quản lí, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau nói riêng và các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam nói chung.