Hướng đi tất yếu của hợp tác xã nông nghiệp
Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Với vai trò kết nối các thành viên, trực tiếp tổ chức sản xuất, nhiều hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang phát huy vai trò của mình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất góp phần nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Vụ mùa năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung ở các địa phương: Phú Xuyên, Chương Mỹ…
Hoạt động này của khuyến nông Hà Nội gắn với việc hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, với những thiết bị hỗ trợ sản xuất hiệu quả, như: Máy bay không người lái thực hiện nhiệm vụ phun thuốc, bón phân, gieo sạ một cách đơn giản và tiết kiệm; máy bay viễn thám, trạm giám sát thời tiết…, giúp khảo sát, lập bản đồ, ứng dụng trong trắc địa. Qua đó, hỗ trợ phát triển mô hình nông nghiệp thông minh toàn diện, nắm rõ tình hình sâu bệnh, yếu tố thời tiết, đất, nước để lên kế hoạch chăm sóc và bảo vệ cây trồng tốt nhất.
Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung ở nhiều địa phương |
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Chuyên (huyện Phú Xuyên) Vũ Văn Đình, muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hợp tác xã phải thực hiện nhiều khâu, trong đó việc số hóa, sắp xếp lại mặt bằng đồng ruộng có ý nghĩa quyết định. Bởi, trong thực tiễn, khi cánh đồng có tới gần trăm hộ dân, chỉ chục hộ không đồng ý xóa ranh giới bờ thửa để áp dụng máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón là gặp nhiều khó khăn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tá, Đội trưởng đội sản xuất thôn Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, khi hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, làm tốt các dịch vụ nông nghiệp, nông dân chỉ cần làm mỗi khâu kiểm tra đồng ruộng, xác nhận dịch vụ, cuối vụ mang thóc về nhà, dành thời gian đi làm nghề. Nhờ đó, địa phương vẫn giữ được những cánh đồng lúa vàng trĩu bông, không để ruộng hoang, giúp đời sống nông dân ngày một khấm khá hơn.
Tương tự tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) được xem là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống và hoa lan Hồ Điệp. Mô hình nhà lưới, nhà kính đã được hợp tác xã này đầu tư, đưa vào sản xuất thực tiễn trong hàng chục năm qua.
Việc ứng dụng nhà lưới, nhà kính hiện đại giúp hợp tác xã chủ động được nhiệt độ, ánh sáng và điều tiết được sinh trưởng, phát triển của hoa lan Hồ Điệp theo ý muốn. Hệ thống làm lạnh cũng giúp hợp tác xã xử lý được ra hoa tại chỗ, đáp ứng nguồn cung theo yêu cầu thị trường, tránh tình trạng bị dư thừa.
HTX Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội) được xem là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao |
Theo chị Bùi Hường Bích - Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài: Hợp tác xã đã có những bước đồng hành cùng ngành sản xuất hoa trong nước. Những thành công bước đầu cũng đã giúp đơn vị trở thành một mô hình sản xuất hoa cao cấp tại Thủ đô, với doanh thu 4-5 tỷ đồng/ha/năm.
Đơn cử, về công nghệ nhà lưới, hợp tác xã đã có thể tư vấn, thiết kế, thi công các loại nhà lưới, nhà kính phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng đối tượng. Không những thế, hợp tác xã còn xây dựng được thương hiệu riêng " Flora Việt Nam" và đã có được chỗ đứng tin cậy trong lòng khách hàng.
Cần nhân rộng các mô hình hiệu quả
Có thể thấy rằng, muốn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thì phải bắt đầu từ nông dân và các công nghệ số phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của người nông dân. Nhận thức rõ được điều này, khi đưa các mô hình áp dụng công nghệ vào đồng ruộng, ngành khuyến nông Hà Nội đều kết nối cả 3 bên: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp cung ứng công nghệ và hợp tác xã...
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn, trong khi lao động cho nông nghiệp ngày càng khó khăn do chuyển dịch lao động sang làng nghề, dịch vụ, dẫn tới diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ngày một gia tăng.
Do vậy, cần hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hợp tác xã không chỉ là đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ trên đồng ruộng, mà còn được hỗ trợ, tạo điều kiện cùng tham gia vào quá trình chuyển toàn bộ cơ sở dữ liệu, tích hợp được cơ sở dữ liệu về nông nghiệp.
Việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp |
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, phát huy được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Toàn thành phố hiện mới có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa - cây cảnh, cây ăn quả, giống lúa mới, và 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - chế biến - tiêu thụ nông sản. Gần 95 hợp tác xã tại các địa phương cũng đang bước đầu tiếp cận với những phương thức sản xuất mới trên cơ sở tiến bộ khoa học.
Việc đẩy mạnh khoa học công nghệ được xem là giải pháp hết sức quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp đô thị tại Hà Nội theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Điều này cũng hướng đến cụ thể hóa các mục tiêu của 2 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.Cụ thể là Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân”, và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội” trong giai đoạn 2021 - 2025”.
Đặc biệt, việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.