Không để xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm sau mưa bão
Không chỉ đối mặt với thiệt hại về nhà cửa, tài sản, người dân còn phải đối mặt với những nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích trong quá trình chống chọi với thiên tai và dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão.
Tình trạng ngập úng tại các khu vực trên địa bàn huyện cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm...
Cán bộ trạm y tế xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức cấp phát thuốc thiết yếu cho người dân bị ngập lụt. |
Theo báo cáo đến 6 giờ, ngày 17/9, toàn huyện còn 12 xã (43 điểm) bị ngập úng do nước dâng với khoảng 3.421 hộ bị nước tràn vào nhà; đã di dời 1.979 hộ vùng trũng, nhà bị ngập đến nơi an toàn, trong đó, khoảng 600 hộ với 2.500 nhân khẩu xã An Phú (ngập nặng nhất xóm Quèn Ranh, thôn Đồng Chiêm với 22 hộ mức nước sâu nhất 2-3m); 300 hộ với trên 1.200 nhân khẩu xã Hợp Tiến và 774 hộ với 3.560 nhân khẩu xã Hợp Thanh đến nơi an toàn. Hiện, đã có 38 hộ phải di dời đã trở về nhà sinh hoạt bình thường.
Trong đó có 4 trường học bị ngập úng học sinh chưa thể quay trở lại trường bao gồm Trường Mầm non Hợp Tiến B, Trường Tiểu học Hợp Tiến B, Trường Tiểu học Đồng Chiêm, Trường Mầm non B Đồng Chiêm. 2.357 nhà tiêu, giếng nước bị ngập úng; 889 chuồng chăn nuôi gia súc gia cầm bị ngập úng, bãi thu gom rác tại xã Hợp Tiến bị ngập úng.
Trước tình hình như vậy, TTYT huyện Mỹ Đức đã chủ động tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã đặc biệt các dịch bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, các dịch bệnh thường gặp mùa mưa bão như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da…
Thường trực 24/24h các đội cấp cứu cơ động, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của TTYT sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
TTYT cũng phân công cán bộ y tế thường thực tại các điểm ngập úng, thực hiện khám cấp phát thuốc tại nhà cho những trường hợp mắc các bệnh mạn tính, bệnh thông thường, hỗ trợ chuyển tuyến những trường hợp vượt quá khả năng.
Các đơn vị cấp phát 56kg Cloramin B cho các xã, thị trấn, cử cán bộ y tế xuống tận nơi cấp phát, hướng dẫn cho người dân thực hiện khử khuẩn nước, môi trường.
Trung tâm chủ động giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt các khu vực ngập úng để phát hiện xử lý kịp thời không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ngoài ra, TTYT thường xuyên giám sát các vùng ngập úng, các điểm nguy cơ cao đánh giá nhận định tình hình dịch bệnh để có kế hoạch chủ động xử lý; đảm bảo cơ số thuốc phòng chống dịch: 23 cơ số (TYT 22 cơ số, TTYT 1 cơ số).
Vật tư, hoá chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch: Số hoá chất Cloramin B hiện còn 296,6 kg, số hoá chất Cloramin B đã cấp phát: 142 kg.
Trung tâm đã dự trù bổ sung 300kg Cloramin B, 140 kg phèn chua để cấp phát cho các TYT xã, thị trấn thực hiện về sinh mội trường, phòng chống dịch bệnh.
Các khu vực bị ngập úng hướng dẫn người dân nước rút đến đâu thu gom, xử lý rác, vệ sinh môi trường đến đó. Công tác khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho người bệnh trong vùng bị ngập úng đảm bảo, không có trường hợp bị thiếu thuốc.
Trên địa bàn huyện và vùng ngập úng không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm, không có tai nạn thương tích, các dịch bệnh truyền nhiễm do ảnh hưởng mưa bão, ngập úng gây ra.