Kiểm tra an toàn thực phẩm, phát hiện nhiều lỗi cần khắc phục
Nhà xưởng chế biến thực phẩm cần chú ý hệ thống ngăn côn trùng xâm nhập
Thực hiện Quyết định số 1915/QĐ-UBND ngày 11/4/2024 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác An toàn thực phẩm “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2024, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của TP đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại cơ sở Công ty CP Tập đoàn Phú Thái (Cụm Công nghiệp Yên Nghĩa, quận Hà Đông).
Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của TP kiểm tra đột xuất tại cơ sở Công ty CP Tập đoàn Phú Thái (Cụm Công nghiệp Yên Nghĩa, quận Hà Đông). |
Qua quá trình tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái (Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, quận Hà Đông), đoàn liên ngành số 1 đánh giá, cơ sở vật chất khu sản xuất của công ty rất rộng rãi tuy nhiên khi vào kiểm tra thực tế bên trong, nhà xưởng đã xuống cấp, các trần nền nhà bong tróc.
Đặc biệt, hệ thống cống hở chạy dọc từ khu sản xuất đến các kho chứa hàng khiến cho các khu vực ẩm ướt tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Đoàn kiểm tra nhắc nhở công ty thiết kế hệ thống cống hở chạy dọc từ khu sản xuất đến các kho chứa hàng khiến cho các khu vực ẩm ướt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm |
Thêm vào đó, nhà xưởng của khu vực sản xuất không bảo đảm khép kín, đoàn kiểm tra cũng phát hiện phân côn trùng.
Việc sắp xếp các khu vực từ khu sơ chế cho đến kho chứa hàng đều lộn xộn, không riêng biệt, không đảm bảo quy trình một chiều. Đoàn đã yêu cầu cơ sở khẩn trương khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời bổ sung đầy đủ hồ sơ pháp lý có liên quan.
Nhà xưởng của khu vực sản xuất không bảo đảm khép kín |
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị: Cơ sở cần lắp đặt hệ thống cống, tránh để cống hở, vệ sinh thường xuyên, thoát nước chảy ra trong quá trình chế biến đậu.
Ngoài ra, nhà xưởng cần cải tạo lại hệ thống kho lắp lưới chắn côn trùng, xử lý côn trùng khi đã xâm nhập thì chú ý không xử lý bằng các loại thuốc diệt côn trùng độc hại.
Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội yêu cầu công ty khắc phục ngay các lỗi vi phạm |
"Cơ sở khắc phục ngay các lỗi trên và sau khi khắc phục tại nhà xưởng cần báo cáo bằng hình ảnh và gửi về Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của quận Hà Đông để tiến hành hậu kiểm. Nếu không tiếp tục khắc phục những tồn tại nêu trên, tùy vào tình hình thực tế, cơ sở sẽ bị yêu cầu dừng sản xuất khi vi phạm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc dừng một phần sản xuất", ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Các giá kệ tại kho hàng được kê sát tường, sắp xếp lộn xộn không đảm bảo quy trình một chiều |
Quận Hà Đông xử phạt 59 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm với số tiền 352 triệu đồng
Sau khi kiểm tra đột xuất tại cơ sở, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của TP đã làm việc với UBND quận Hà Đông. Tại buổi làm việc, theo báo cáo về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm quý I/2024 của UBND quận Hà Đông, hiện trên địa bàn quận Hà Đông có 6.591 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cùng 3 trung tâm thương mại, 14 siêu thị, 16 chợ dân sinh trong quy hoạch.
Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của TP đã làm việc với UBND quận Hà Đông |
Toàn quận đã thành lập 22 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm. Trong 3 tháng đầu năm 2024, các đoàn đã kiểm tra 1.257 cơ sở, phát hiện 59 cơ sở vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 352 triệu đồng; đồng thời, tiêu hủy hàng hóa có giá trị hơn 191 triệu đồng.
Ngày 17/4/2024 UBND quận Hà Đông đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2024.
Trong đó, các hoạt động truyền thông được triển khai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử quận, hệ thống truyền thanh các phường các quy định của pháp luật về ATTP; đưa tin nhanh về kết quả kiểm tra ATTP, công khai 100% các cơ sở vi phạm quy định về ATTP; đưa tin, bài, ảnh về thực trạng công tác ATTP và tăng cường phổ biến các văn bản mới, các kiến thức về ATTP.
Nội dung tuyên truyền cũng tập trung tập huấn kiến thức ATTP cho chủ cơ sở và người quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phổ biến pháp luật về điều kiện ATTP, các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP, tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống các địa phương, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP.
Ông Đặng Thanh Phong phát biểu tại buổi làm việc |
Quận cũng đã triển khai các đoàn kiểm tra trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5.
Cụ thể, trong tuần đầu tiên ra quân kiểm tra, tính đến ngày 17/4, tuyến quận đã kiểm tra được 12 cơ sở; tuyến phường kiểm tra được 102 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở với số tiền gần 14,8 triệu đồng.
Tuy nhiên, công tác thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm của quận Hà Đông cũng gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống nhiều; trong khi, số lượng cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm lại ít nên tỷ lệ cơ sở được kiểm tra chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Thêm vào đó, việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, các điểm kinh doanh thực phẩm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa được giải quyết triệt để, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và trật tự công cộng.