Tăng cường chiến dịch truyền thông an toàn thực phẩm
Đảm bảo kiểm tra đột xuất, tránh việc có báo trước
Tham dự hội nghị, về phía Bộ Y tế có đồng chí: Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP.
Về phía TP Hà Nội có đồng chí: Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố; Nguyễn Văn Thắng, Thành uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ; Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế; Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế; Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương; Nguyễn Đình Hoa; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Anh Đức, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ... cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành và địa phương...
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Với số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lớn như vậy nên vấn đề ATTP trên địa bàn Hà Nội luôn “nóng” và được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Do đó, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND triển khai "Tháng hành động vì ATTP" năm 2024. Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của TP trong công tác bảo đảm ATTP của các Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm ATTP trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và quảng cáo thực phẩm.
Cụ thể, TP sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP để kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và Sở, ngành; kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn được phân công. Thời gian các đoàn tiến hành kiểm tra từ ngày 15/4 đến hết 15/5/2024.
Đoàn 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Đống Đa, Hà Đông, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Thanh Trì.
Đoàn 2 do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Tây Hồ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sơn Tây.
Đoàn 3 do lãnh đạo Sở Công thương làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh.
Đoàn 4 do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Sóc Sơn, Thường Tín, Phú Xuyên, Long Biên, Gia Lâm.
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Cùng với các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP , Tháng hành động vì ATTP năm 2024 chính là điểm nhấn trong năm, tạo đợt cao điểm xử lý các vi phạm và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.
Ngoài 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp TP, tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Riêng ngành Y tế sẽ chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, bếp ăn tập thể khu công nghiệp; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp…
“Trong quá trình kiểm tra, các đoàn sẽ chủ động lấy mẫu thực phẩm trên thị trường để giám sát mối nguy cơ về ATTP gửi labo xét nghiệm. Qua đó, nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ kịp thời cảnh báo cho cộng đồng”, ông Vũ Cao Cương thông tin.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) đề nghị: "Để tháng hành động đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cao, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo một số nội dung cụ thể. Trong đó, nâng cao việc phối hợp liên ngành, đặc biệt là sự phối hợp của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trong việc giám sát, phát hiện những hành vi trái pháp luật, những cơ sở vi phạm ATTP để thông báo tới các cấp chính quyền, cơ quan quản lý để xử lý kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ban Chỉ đạo liên ngành các cấp khi lập kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP cần tập hợp đầy đủ các lực lượng để đạt hiệu quả cao nhất".
Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục ATTP cũng nhấn mạnh về việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, đặc biệt hình thức kinh doanh online. Đây là hình thức kinh doanh mà Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội cần lưu ý trong tình hình mới, đặc biệt là hình thức kinh doanh online. Vì vậy, các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được thay đổi để phù hợp.
Đẩy mạnh chiến dịch truyền thông
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội cho biết: Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra rất phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi đòi hỏi trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương. Do đó, TP đã ban hành kế hoạch số 105/KH-UBND triển khai "Tháng hành động vì ATTP " năm 2024 với mốc thời gian triển khai kế hoạch từ ngày 15/4 đến 15/5/2024.
Bà Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Do đó, các địa phương cần đảm bảo triển khai kịp thời các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo ATTP Trung ương. "Trong quá trình triển khai, chúng ta cần nhấn mạnh vào chiến dịch truyền thông, công tác tuyên truyền đảm bảo ATTP nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, của các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý ATTP.
Bên cạnh các hình thức tuyên truyền qua loa phát thanh, phát tờ rơi, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh truyền thông trên phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng mảng xã hội để thông tin đến được người dân rộng rãi hơn, phù hợp từng nhóm đối tượng.
Cùng với việc phát hiện và xử phạt, các đơn vị cần công khai vi phạm như: Tên, địa chỉ đơn vị, nội dung vi phạm để có sức răn đe mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần giới thiệu những mô hình hiệu quả đảm bảo ATTP", bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Về công tác điều tra xử lý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương cần công bố công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về các vấn đề liên quan đến vệ sinh ATTP.
Đường dây nóng đóng vai trò tiếp nhận các thông tin phản ánh từ người dân để các cơ quan chức năng nắm được và rà soát thanh, kiểm tra. TP cũng sẽ kiểm tra việc các địa phương công khai đường dây nóng để người dân nắm được.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tham dự hội nghị |
Một vấn đề quan trọng trong công tác điều tra xử lý được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh là đảm bảo việc kiểm tra đột xuất, tuyện đối không có tình trạng kiểm tra báo trước. Bởi nếu kiểm tra được báo trước, các đơn vị sẽ có sự chuẩn bị "đối phó" dẫn đến việc kiểm tra không đạt được hiệu quả.
Do đó, lực lượng chức năng cần đảm bảo kiểm tra đột xuất đặc biệt kiểm tra các đơn vị dễ phát sinh các sai phạm. Ví dụ, các địa điểm bếp ăn trường học, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học. Ngoài ra, các phương thức kiểm tra cần đổi mới phù hợp với tình hình hiện nay.
"Trong chiến dịch truyền thông, Sở Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông - cơ quan đầu mối về thông tin. Đồng thời, 4 đoàn kiểm tra liên ngành và các địa phương cần thường xuyên cập nhật báo cáo kiểm tra hàng ngày, hàng tuần để đảm bảo việc truyền thông bám sát, cập nhật liên tục bắt đầu từ ngày 15/4", bà Vũ Thu Hà cho biết.