Kỳ 4: Nhiều đổi mới trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm
PV: Thưa ông, trong quá trình thực hiện Tháng hành động về ATTP năm 2024, các đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội đã tập trung vào những trọng tâm như thế nào?
Ông Đặng Thanh Phong: Thực hiện Quyết định 1915/QĐ-UBND của UBND thành phố về thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP, Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố tổ chức 4 đoàn kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của thành phố trong công tác bảo đảm ATTP của các Ban Chỉ đạo ATTP quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm ATTP trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và quảng cáo thực phẩm.
Đồng chí Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhắc nhở chủ cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm trong sơ chế rau củ quả |
Năm nay chủ đề của Tháng hành động ATTP là: Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Sau buổi lễ phát động của TP được tổ chức tại huyện Chương Mỹ, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành của TP về công tác ATTP, bốn đoàn kiểm tra liên ngành đã ra quân kiểm tra việc triển khai công tác đảm bảo an toàn Tháng hành động vì ATTP (từ 15/4 - 15/5/2024) của các quận, huyện, thị xã được phân công, kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Ngoài việc kiểm tra các Ban chỉ đạo ATTP các địa phương, mỗi buổi làm việc, chúng tôi đã kiểm tra đột xuất từ 1 đến 2 cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Y tế và ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Chúng tôi cùng với Ban Chỉ đạo ATTP các quận, huyện, thị xã đã phát hiện một số cơ sở vi phạm ATTP để có những hình thức xử lý nghiêm và yêu cầu các cơ sở xuất trình giấy tờ bổ sung. Nếu không đảm bảo về ATTP, chúng tôi đình chỉ hoạt động của cơ sở.
PV: Xin ông cho biết, trong quá trình kiểm tra thời gian qua, các lỗi vi phạm ATTP chủ yếu của các cơ sở kinh doanh, quán ăn thực phẩm là gì?
Ông Đặng Thanh Phong: Qua công tác thanh, kiểm tra phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở vi phạm về ATTP.
Qua kiểm tra, các lỗi vi phạm chủ yếu là các cơ sở tham gia chế biến không đảm bảo yêu cầu về ATTP, người tham gia chế biến chưa được tập huấn, không tuân thủ các quy trình như: Không mặc áo quần bảo hộ, vẫn còn đeo đồ trang sức…
Đồng chí Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của TP làm việc tại UBND quận Hà Đông |
Để triển khai Tháng hành động vì ATTP đạt hiệu quả, công tác kiểm tra, quản lý cần siết chặt hơn, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai để người dân biết. Sau khi xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo ATTP các quận, huyện, thị xã phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở
PV: Thưa ông, việc triển khai Tháng hành động vì ATTP năm nay có gì khác so với các năm trước?
Ông Đặng Thanh Phong: Triển khai Tháng hành động vì ATTP năm nay, toàn bộ các đoàn kiểm tra của 30 quận, huyện, thị xã đã ra quân đồng loạt và có nhiều hình thức đổi mới so với các năm trước.
Rõ nét nhất là công tác tuyên truyền, các địa phương không tuyên truyền các vấn đề ATTP một cách cứng nhắc mà thay vào đó là sự đa dạng qua nhiều kênh thông tin: Báo đài, phương tiện truyền thông, mạng xã hội… Trong đó, tập trung vào nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm.
Về công tác kiểm tra thực tế tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm của 30 quận, huyện, thị xã đã tập trung vào kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho người dân.
PV: Qua Tháng hành động vì ATTP, ông có lời khuyên gì đối với người tiêu dùng?
Ông Đặng Thanh Phong: Thời gian qua, công tác quản lý ATTP, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, số vụ ngộ độc, số người mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều.
Tại Hà Nội, dù thời điểm này chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra, nhưng ngay trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5), các quận, huyện, thị xã đã tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè.
Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP số 1 TP Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm các sản phẩm gà ủ muối của cơ sở Hoàng Thị Thu Hằng trên địa bàn huyện Phúc Thọ |
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, người tiêu dùng không “dễ dãi”, khắt khe hơn trong việc lựa chọn thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các gánh hàng rong…
Đồng thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho cơ quan chức năng.
Trong Tháng hành động vì ATTP, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn. Cùng với đó, người tiêu dùng không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng…
PV: Xin cảm ơn ông!